Cụ thể, khi một ngân hàng bị Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đưa vào diện tạm ngừng hoạt động, người gửi tiền tại ngân hàng này có thể nhận được khoản bảo hiểm tối đa 500.000 Rupee (tương đương khoảng 6.700 USD) trong thời hạn 90 ngày mà không cần chờ đến khi ngân hàng đó được thanh lý. Theo đó, trong vòng 45 ngày kể từ ngày ngân hàng bị đưa vào diện tạm ngừng hoạt động, DICGC sẽ thu thập tất cả thông tin liên quan đến tài khoản tiền gửi. Trong 45 ngày tiếp theo, DICGC sẽ xác minh thông tin và xây dựng phương án chi trả cho người gửi tiền.
Trước khi Luật DICGC sửa đổi được thông qua, người gửi tiền chỉ có thể nhận được tiền gửi được bảo hiểm khi ngân hàng được thanh lý. Thời gian thông thường từ khi ngân hàng gặp vấn đề cho đến khi hoàn tất thanh lý là khoảng 8-10 năm.
Bên cạnh đó, DICGC sẽ áp dụng hệ thống phí phân biệt trên cơ sở rủi ro đối với các tổ chức tham gia BHTG với mức phí tối đa được quy định là 0,15%/năm. Hiện nay, DICGC đang thu phí đồng hạng ở mức 0,12%/năm.
Trong trường hợp cơ quan thanh lý trì hoãn việc hoàn trả số tiền DICGC đã chi trả cho người gửi tiền quá thời gian quy định của Hội đồng quản trị DICGC đưa ra, DICGC cũng có thể tiến hành xử phạt. Mức phạt lãi suất do DICGC ấn định, song không vượt quá 2% so với lãi suất chiết khấu do RBI quy định, tính trên tổng số tiền mà bên thanh lý phải hoàn trả cho DICGC. Luật DICGC trước đây không quy định cơ chế phạt khi cơ quan thanh lý không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả.