Dự luật Xử lý đổ vỡ tài chính và BHTG được xây dựng nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho việc xử lý phá sản đối với ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tổ chức tài chính khác. Trong kỳ họp mùa thu vừa qua của Quốc hội Ấn Độ, dự luật đã chính thức được đệ trình và trải qua quá trình thẩm định của các Ủy ban có liên quan. Theo lịch trình, Liên Ủy ban Quốc hội sẽ trình bày báo cáo thẩm định dự luật ngay trong kỳ họp mùa Đông.
Đề xuất đóng cửa Tổng công ty BHTG và thay bằng một cơ quan mới
Một trong những nội dung quan trọng được nêu trong Dự luật là việc thành lập một cơ quan với tên gọi: Tổng công ty Xử lý đổ vỡ, có chức năng giám sát các tổ chức tài chính, đánh giá sức chịu đựng và thực hiện các biện pháp điều chỉnh trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. Tổng công ty này sẽ đánh giá rủi ro và phân loại các tổ chức tài chính vào các nhóm: rủi ro thấp, rủi ro trung bình, rủi ro trọng yếu, nguy cơ đổ vỡ cao, và tình trạng khẩn nguy. Trong trường hợp tổ chức tài chính được xếp vào nhóm khẩn nguy, Tổng công ty Xử lý đổ vỡ sẽ được trao quyền hạn tiếp quản tổ chức đó, đồng thời xử lý vấn đề trong thời gian 1 năm và có thể kéo dài thêm 1 năm nữa nếu cần thiết. Trong quá trình xử lý, Tổng công ty xử lý đổ vỡ có thể cắt giảm, điều chuyển nhân viên, hoặc giảm lương đối với người lao động tại các tổ chức tài chính có vấn đề. Tổng công ty này còn được trao quyền thực hiện một số biện pháp điều chỉnh khác, gồm: sáp nhập hoặc tiếp nhận; chuyển đổi tài sản, nợ của tổ chức tài chính đó cho một tổ chức tài chính khác, hoặc thanh lý. Sau thời hạn 2 năm kể từ khi tiếp nhận, tổ chức tài chính gặp vấn đề sẽ bị thanh lý.
Sau khi được thành lập, Tổng công ty Xử lý đổ vỡ sẽ trực thuộc Bộ Tài chính, với sự tham gia lãnh đạo từ đại diện Ủy Ban Chứng khoán, NHTW, Cơ quan Quản lý và Phát triển bảo hiểm, Cơ quan quản lý và phát triển quỹ lương hưu gia đình. Chính phủ Ấn Độ sẽ chỉ định Chủ tịch Hội đồng quản trị, hai thành viên HĐQT độc lập và các thành viên HĐQT của Tổng công ty này.
Từ trước đến nay, Ấn Độ chưa từng có một tổ chức riêng biệt nhằm xử lý đổ vỡ trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Ngân hàng Dự trữ (NHTW) và Cơ quan Quản lý và Phát triển bảo hiểm (IRDAI) là các cơ quan được giao thực hiện chức năng này. Tổng công ty BHTG và Bảo lãnh tín dụng (DICGC) – trực thuộc NHTW Ấn Độ được thành lập từ thập niên 70 của thế kỷ XX, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ cho tất cả các khoản tiền gửi ngân hàng với hạn mức 100.000 Rupies (tương đương khoảng 1.560 USD) đối với mỗi người gửi tiền. Tuy nhiên, nếu Dự luật nói trên được thông qua, DICGC sẽ bị đóng cửa và trách nhiệm bảo lãnh tín dụng sẽ được chuyển giao sang Tổng công ty Xử lý đổ vỡ mới được thành lập.
Hiện nay, các ngân hàng đang phải định kỳ nộp một khoản phí bảo hiểm cho DICGC. Theo Dự luật, khi thành lập Tổng công ty Xử lý đổ vỡ, các ngân hàng sẽ tiếp tục nộp phí cho Tổng công ty này. Tuy nhiên, Dự luật lại không nêu cụ thể giới hạn tiền gửi được bảo hiểm hay hạn mức trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, mà chỉ diễn giải chung chung: “Tổng công ty sẽ tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý phù hợp để xác định tổng số tiền mà Tổng công ty phải trả cho mỗi người gửi tiền được bảo hiểm với mức độ và quyền lợi như nhau.” Như vậy, quyền quyết định về hạn mức trả tiền bảo hiểm được đặt trong tay Tổng công ty Xử lý đổ vỡ.
Bên cạnh những nội dung trên, Dự luật cũng bao gồm một quy định giải cứu ngân hàng (bail-in) khi cho phép ngân hàng ghi nhận nợ và phát hành chứng khoán đối với các khoản tiền gửi. Giải pháp này trước đây thường cho thấy là ảnh hưởng nặng nề tới quyền lợi của người gửi tiền.
Ngành ngân hàng Ấn Độ đang oằn mình trước gánh nặng nợ xấu. Theo Báo cáo Ổn định Tài chính của NHTW Ấn Độ công bố tháng 6/2017, tổng tỷ suất tài sản không sinh lời trên nợ của hệ thống ngân hàng nước này ở mức 9,6%, tính tới tháng 3/2017. NHTW đã khuyến cáo các ngân hàng cần thực hiện thủ tục phá sản đối với 12 tổ chức vỡ nợ quy mô lớn, chiếm tương đương 25% tổng tài sản không tạo ra thu nhập của hệ thống.
Những làn sóng phản đối
Phòng Công nghiệp Ấn Độ (Assocham) hôm 14/12 đã lên tiếng kêu gọi rút lại quy định về tự giải cứu (bail-in) được nêu trong Dự luật, do những lo ngại về việc giải cứu ngân hàng bằng chính tiền gửi của người gửi tiền. Assocham nhận định, quy định này sẽ làm rạn nứt niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng. “Hiện nay, người gửi tiền đang được bảo vệ với hạn mức trả tiền bảo hiểm 100.000 Rupies. Hạn mức này có ý nghĩa lớn hơn nhiều so với con số tuyệt đối, bởi nếu không có nó, hàng triệu gia đình trung lưu có thể rơi vào cảnh khốn cùng.” – tuyên bố của Assocham nêu rõ. Tổng thư ký Assocham nhấn mạnh, tiền gửi của người gửi tiền cần được bảo vệ bằng mọi giá. Nếu hệ thống ngân hàng không còn gìn giữ được niềm tin, dòng tiền sẽ chảy vào các kênh đầu tư vàng, bất động sản, đồ trang sức, thậm chí chảy vào các tổ chức tài chính không chính thức và đầy rủi ro.
Trong khi đó, ngay trong ngành ngân hàng, những ý kiến trái chiều đối với Dự luật đang nổi lên ngày càng nhiều. Các hiệp hội người lao động trong hệ thống ngân hàng cũng bày tỏ sự không đồng tình, thậm chí cho biết sẵn sàng đình công. Tổng thư ký của Tổng liên đoàn cán bộ Ngân hàng Ấn Độ - Soumya Dutta khẳng định, Liên đoàn đã cân nhắc một cách nghiêm túc và quyết định phản đối Dự luật, và nếu cần thiết, một cuộc đình công trên quy mô toàn quốc có thể được tổ chức. “Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là xây dựng một nhận thức chung về Dự luật và những hậu quả khủng khiếp của nó. Sau đó, cuộc đình công có thể bao gồm sự tham gia của nhiều nhóm đối tượng thuộc các lĩnh vực xã hội khác nhau nhằm tăng hiệu quả của việc phản đối. ” - ông này cho biết thêm.
Dù Dự luật được cho là sẽ góp phần làm ổn định hệ thống ngân hàng và xử lý đổ vỡ theo trình tự thời gian được xác định, tuy nhiên, quyền lợi của người gửi tiền không hề được đề cập rõ ràng. Với tình trạng người gửi tiền tới rút tiền do lo sợ trước viễn cảnh Dự luật được thông qua, các ngân hàng tại bang Hyderabad đã phải dán cáo thị trấn an. Ngày 07/12, các báo lớn đã trích nội dung do Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley đăng trên mạng xã hội Twitter, nhấn mạnh: Chính phủ cam kết bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, và Dự luật đang được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.
Theo tin cập nhật mới nhất, Dự luật Xử lý đổ vỡ tài chính và Bảo hiểm tiền gửi có thể sẽ không được Quốc hội đưa ra thảo luận trong phiên họp về ngân sách, do thời hạn đệ trình báo cáo thẩm tra của Liên Ủy ban thuộc Quốc hội đã được dời lại tới ngày cuối cùng của phiên họp về ngân sách. Thời hạn ấn định trước đây là ngày 15/12.
Đ.T.T
Nguồn:
http://www.thehindu.com/business/Industry/the-frdi-bill-and-concerns-of-the-depositor/article21081902.ece
https://www.siasat.com/news/impact-frdi-banks-flooded-customers-withdrawing-cash-1277390/
https://economictimes.indiatimes.com/news/economy/policy/govt-committed-to-protecting-rights-of-depositors-arun-jaitley/articleshow/61952356.cms
http://www.livemint.com/Politics/mt4AWy4LtkHnQFvsyJiAKK/Arun-Jaitley-signals-rethink-on-Financial-Resolution-and-Dep.html
http://www.businesstoday.in/current/economy-politics/assocham-govt-remove-bail-in-frdi-bill-bank-deposits-only-financial-security-pensioners/story/266018.html
https://timesofindia.indiatimes.com/business/india-business/assocham-seeks-removal-of-bail-in-clause-in-frdi-bill/articleshow/62069691.cms
https://www.ndtv.com/india-news/government-unlikely-to-table-frdi-bill-in-budget-session-too-1789212