Với Mobile money, chỉ cần có số điện thoại di động đã được xác thực thông tin người dùng, chủ thuê bao có thể thanh toán hầu hết các dịch vụ (tiền điện, tiền nước, viện phí, học phí...) có liên kết với nhà mạng mà không cần có tài khoản ngân hàng, không cần kết nối internet. Với dịch vụ này, người dân sẽ tiết kiệm được cả thời gian, chi phí đi lại, nhất là đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khi thực hiện thanh toán tiền điện, nước hoặc có thể chuyển tiền có giá trị nhỏ ở mọi lúc mọi nơi.
Để thanh toán không tiền mặt vươn tới mọi miền xa xôi của đất nước
Khác với Mobile Money, để mở và sử dụng ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Hạn mức sử dụng của ví điện tử cá nhân là 100 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, khách hàng mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng, chỉ cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật, có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề là có thể mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money. Điều này để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile-Money là 10 triệu đồng/tháng.
Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch vụ Mobile Money và ví điện tử là không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, dịch vụ Mobile-Money sẽ hỗ trợ cho việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.
Về lợi thế, Mobile Money sẽ tận dụng hạ tầng viễn thông, do đó, giúp giảm các chi phí xã hội để phát triển, mở rộng các dịch vụ thanh toán. Thị trường sẽ có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán, cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện. Khách hàng có thể sử dụng dịch vụ 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi. Qua đó góp phần phổ cập tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện.
Mặc dù Mobile Money có những lợi thế nhất định, nhưng với bề dày về kinh nghiệm và được đông đảo khách hàng đón nhận nhờ nhiều tiện ích, các ví điện tử, trung gian thanh toán cũng có những lợi thế nhất định khi đã phát triển trước.
Việc chấp thuận tiền di động là nhằm cung cấp cho người dân ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo thêm phương tiện thanh toán mới. Trong khi các ngân hàng có thể tiếp cận tương đối người dân ở thành thị, hướng tới những giao dịch lớn, khách hàng lớn, những đối tượng người dân ở nông thôn, vùng sâu khó vươn tới được.
Ví điện tử và Mobile Money có một đối tượng khác nhau để phục vụ. Mobile Money có thế mạnh khi tiếp cận khách hàng vùng sâu, vùng xa, những đối tượng chưa có tài khoản ngân hàng, đáp ứng được các giao dịch nhỏ lẻ chủ yếu thực hiện trên điện thoại di động. Trong khi, với ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản mở tại ngân hàng liên kết. Điều này sẽ tạo nên hệ sinh thái đầy đủ cho lĩnh vực tài chính. Và đích đến là để người dân thuận tiện giao dịch, thanh toán dịch vụ. Khi đó mạng lưới của công ty viễn thông sẽ hỗ trợ việc cung cấp giải pháp tài chính toàn diện đến người dân, phổ cập nhanh hiệu quả với chi phí thấp hơn.
Để cung cấp dịch vụ triển khai thí điểm Mobile Money, doanh nghiệp phải trải qua quy trình thẩm định rất chặt chẽ của NHNN, Bộ Công an, Bộ Thông tin Truyền thông. Đặc biệt, giải pháp kỹ thuật của Mobile Money đều tuân thủ các quy định của Nhà nước, của Bộ Công an. Tính an toàn bảo mật của Mobile Money cũng cao, với 2 lớp xác thực gồm mật khẩu, OTP gửi về điện thoại.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng, Mobile Money là dịch vụ mới, triển khai trên nền tảng công nghệ, có phạm vi áp dụng trên toàn quốc, sẽ có số lượng người dùng lớn, yêu cầu cao về an ninh, an toàn bảo mật dịch vụ và dữ liệu người dùng nên cần có thời gian để các doanh nghiệp viễn thông nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hồ sơ, cũng như các Bộ xem xét, đánh giá, thẩm định. Mục đích là bảo đảm an toàn cho người sử dụng cũng như hệ thống thanh toán. Hơn nữa, đây là hình thức TTKDTM, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi phải an toàn, tránh bị lợi dụng.
Doanh nghiệp được triển khai thí điểm phải tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn
Về tính an toàn, theo quy định, các đơn vị cung cấp hệ thống Mobile Money đều có tài khoản trong ngân hàng thương mại để đảm bảo tiền điện tử trong tài khoản và các quyền lợi, tính pháp lý của khách hàng.
Khi nạp 1 đồng vào tài khoản Mobile Money, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ này cũng phải gửi 1 đồng tương ứng vào tài khoản bảo đảm tại các ngân hàng. Chẳng hạn, người dùng nạp 10 triệu đồng vào tài khoản Mobile Money, nhà mạng cũng phải nộp 10 triệu đồng đó vào tài khoản ngân hàng. Bản chất của dịch vụ này là hình thức chuyển đổi tiền mặt sang tiền điện tử, theo đúng tỷ lệ của nó (tỷ lệ 1:1). Có thể hiểu đơn giản rằng, Mobile Money như chiếc thẻ ATM nếu quý thuê bao nạp vào 50.000 đồng sẽ có ngay 50.000 đồng để thực hiện giao dịch.
Đảm bảo an toàn cho người sử dụng dịch vụ và ngăn ngừa rủi ro cho hệ thống tiền tệ quốc gia cũng như nền kinh tế, Quyết định 316 đã có những quy định chặt chẽ đối với các doanh nghiệp thực hiện thí điểm.
Cụ thể, về cơ chế đảm bảo khả năng thanh toán, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng thương mại và số dư trên các tài khoản đảm bảo thanh toán phải được duy trì không thấp hơn so với tổng số dư tất cả các tài khoản Mobile-Money của các khách hàng tại cùng một thời điểm; xây dựng cơ chế xử lý rủi ro về thanh khoản để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile-Money phải được tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại ngân hàng thương mại (tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử, hỗ trợ thu hộ, chi hộ, tài khoản thanh toán phí, tài khoản trả lương và các tài khoản phục vụ cho mục đích khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm).
Ngân hàng thương mại có trách nhiệm theo dõi, quản lý để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện thí điểm chỉ sử dụng tài khoản đảm bảo thanh toán cho các nghiệp vụ của dịch vụ Mobile-Money, không sử dụng cho các mục đích khác và tách bạch, riêng biệt với các tài khoản thanh toán khác của doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại ngân hàng thương mại;
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng công cụ để NHNN, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an có thể truy cập hệ thống để khai thác thông tin, dữ liệu, giám sát theo thời gian thực tổng số dư của các tài khoản Mobile-Money và số tiền trên các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ Mobile-Money của Doanh nghiệp thực hiện thí điểm mở tại ngân hàng thương mại; trên công cụ phải có chức năng để cơ quan quản lý giám sát việc tuân thủ của doanh nghiệp thực hiện thí điểm đối với các hành vi bị cấm. Doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải đảm bảo phản ánh đầy đủ thông tin về các tài khoản Mobile-Money của khách hàng trên công cụ và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của các thông tin cung cấp trên công cụ.
Đồng thời, Quyết định 316 cũng đưa ra những quy định về nhận biết, định danh khách hàng (KYC). Theo đó, doanh nghiệp thực hiện thí điểm chịu trách nhiệm KYC chính xác khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile-Money: Xây dựng công cụ để quản lý rủi ro và quy trình KYC đảm bảo chỉ các khách hàng đủ điều kiện được đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile-Money; quyết định việc gặp mặt trực tiếp hoặc không gặp mặt trực tiếp khách hàng khi khách hàng lần đầu đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money.
Trường hợp không gặp mặt trực tiếp khách hàng, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng và ban hành quy trình, thủ tục đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định pháp luật về phòng, chống rửa tiền, phải đảm bảo có và áp dụng các biện pháp, hình thức và công nghệ để nhận biết, định danh khách hàng; chịu hoàn toàn trách nhiệm về tính chính xác của thông tin khách hàng; xây dựng quy trình xác thực đối với mỗi giao dịch của tài khoản Mobile-Money; xây dựng phương án quản lý đối với trường hợp một cá nhân sử dụng nhiều tài khoản Mobile-Money để thực hiện việc chuyển tiền, thanh toán giữa các cá nhân, đơn vị chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam; có biện pháp hạn chế, loại bỏ tình trạng SIM có thông tin không chính xác, không đầy đủ trên thị trường;
Ngoài ra, doanh nghiệp thực hiện thí điểm phải xây dựng các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố theo quy định của pháp luật hiện hành; thiết lập cơ chế phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Bộ Công an, NHNN, Bộ Thông tin Truyền thông) về các tài khoản Mobile-Money có dấu hiệu liên quan đến hoạt động phạm tội, có hành vi vi phạm pháp luật, các giao dịch bất thường, đáng ngờ (thông tin cung cấp bao gồm toàn bộ thông tin lưu trữ về tài khoản Mobile-Money); xây dựng cơ chế tạm khóa/đóng băng các tài khoản Mobile-Money vi phạm ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo Quyết định 316, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cần tuân thủ và đảm bảo các điều kiện, quy định khi tổ chức triển khai. Để triển khai thành công Mobile-Money phụ thuộc vào nhiều bên, nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó các yếu tố mang tính tiền đề: Đối với doanh nghiệp viễn thông: cần xây dựng ứng dụng an toàn, thuận tiện, dễ sử dụng; xây dựng hệ thống các điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai thí điểm tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ, cần chấp nhận rộng rãi phương thức thanh toán này với các chi phí hợp lý.
Lưu ý đối với khách hàng khi đăng ký, sử dụng dịch vụ Mobile Money
Với dịch vụ Mobile Money, không yêu cầu khách hàng phải có tài khoản ngân hàng, không yêu cầu phải sử dụng smartphone, không cần kết nối internet.
Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money, khách hàng sẽ cung cấp CMND/Căn cước công dân/ Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng. Khách hàng cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật về đăng ký thuê bao di động và số thuê bao di động của khách hàng phải có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp viễn thông. Điều này để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile-Money là 10 triệu đồng/tháng.
Theo Quyết định 316, khách hàng có thể sử dụng Mobile Money để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: nạp, rút tiền, thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền. Khách hàng có thể nạp, rút bằng tiền mặt tại các điểm kinh doanh, nạp/rút từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ Ví điện tử của khách hàng tại chính doanh nghiệp viễn thông thực hiện thí điểm. Sau khi mở tài khoản Mobile-Money, khách hàng có thể nhận tiền và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc tài khoản Mobile-Money khác.
Khách hàng không được cho thuê, mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile-Money để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ.
Theo thông tin từ các nhà mạng, khách hàng không có điện thoại thông minh vẫn có thể giao dịch chuyển nhận tiền qua dịch vụ Mobile Money. Tuy nhiên, thông tin tài khoản cần được xác thực trước đó.
Hiện phía VNPT và Viettel đã công bố các thông tin về cách thức đăng ký, sử dụng dịch vụ này.
Đáng chú ý, bên cạnh sử dụng các ứng dụng như VNPT Pay hay Viettel Money, người dân không có điện thoại thông minh có thể sử dụng dịch vụ này thông qua giao thức USSD (bấm mã nhanh).
Cụ thể, với thuê bao Vinaphone, từ màn hình quay số, người dùng thao tác nhập *9191# và bấm gọi. Hệ thống hiển thị các lựa chọn, khách hàng nhập 1 để đăng ký, sau đó bấm Gửi. Hệ thống sẽ hiển thị kết quả đăng ký, nếu đăng ký thành công sẽ có nhân viên VinaPhone liên hệ để hướng dẫn kích hoạt tài khoản.
Để chuyển tiền, khách hàng có thể chuyển tiền từ tài khoản Mobile Money đến tài khoản Mobile Money trong cùng mạng bằng cách thực hiện bấm phím *9191# và làm theo hướng dẫn.
Để nạp và rút tiền, với những khách hàng sử dụng điện thoại phổ thông, việc nạp và rút tiền mặt sẽ được thực hiện tại các điểm giao dịch VNPT và điểm giao dịch ủy quyền VNPT trên toàn quốc.
Còn với khách hàng sử dụng điện thoại thông minh, cần thực hiện đăng ký tài khoản VNPT Pay. Sau khi đăng nhập tài khoản VNPT Pay thành công, hệ thống sẽ hiển thị thông báo mời Đăng ký Tài khoản Tiền di động (Mobile Money) trên trang chủ ứng dụng.
Với thuê bao của Viettel, người dùng điện thoại phổ thông chỉ cần thực hiện lệnh *998# trên bàn phím và bấm gọi là có thể bắt đầu các giao dịch Viettel Money.
Cụ thể, sau khi thực hiện lệnh trên, một loạt các tính năng của Viettel Money sẽ hiện ra trên màn hình điện thoại gồm: 1. Chuyển tiền; 2. Chuyển tiền đến số điện thoại; 3. Chuyển tiền ngân hàng/tiền mặt; 4. Viễn thông; 5. Điện, nước...; 6. Mua hàng; 7. Cài đặt. Từ đây, tuỳ theo nhu cầu sử dụng, khách hàng sẽ lựa chọn tính năng phù hợp.
Khách hàng của Viettel nếu đăng ký Mobile Money trên điện thoại thông minh cũng có thể qua đăng ký ví điện tử Viettel Pay. Sau khi đăng nhập tài khoản Viettel Pay thành công, hệ thống sẽ hiển thị thông báo mời Đăng ký Tài khoản Tiền di động (Mobile Money) trên trang chủ ứng dụng và làm theo hướng dẫn của nhà mạng.
Để đảm bảo an toàn, bảo mật, trong dịch vụ thanh toán số, khách hàng cần lưu ý:
Thứ nhất, tất cả các dịch vụ thanh toán đều có bảo mật (bảo mật 2 lớp). Ngoài mật khẩu vào dịch vụ, bất kỳ một thanh toán nào đều xác thực gửi về chính điện thoại. Khi sử dụng dịch vụ không được cung cấp mật khẩu OTP cho bất kỳ ai tránh việc lộ thông tin.
Thứ hai, liên quan thông tin cá nhân như số điện thoại, chứng minh thư nhân dân, hình ảnh cá nhân tuyệt đối không cung cấp, chia sẻ.
Thứ ba, không đặt mật khẩu liên quan tới thông tin cá nhân của mình như ngày tháng năm sinh… dễ bị lợi dụng.
Thứ tư, đối với giao dịch không xác định rõ nguồn gốc thì tốt nhất không giao dịch.
Cuối cùng, tài khoản chỉ riêng mình dùng, không dùng chung. Khách hàng không được cho thuê, mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile-Money để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ.