Ngày 04/02, người dân Azerbaijan đón nhận một tin sốc khi Technikabank, ngân hàng lớn thứ 8 nước này, tuyên bố mất khả năng chi trả và đệ đơn cầu cứu tới Quỹ bảo hiểm tiền gửi Azerbaijan (ADIF). Một tuần sau đó, ngày 12/02, ADIF tuyên bố đứng ra thanh toán tiền bảo hiểm cho tất cả các khách hàng của Techinikabank theo đúng luật BHTG hiện hành [1]. Mức thanh toán này lên tới 122,5 triệu manats (AZN), tương đương với 78,4 triệu USD [2], dành cho gần 66 nghìn người gửi tiền bao gồm các cá nhân và doanh nghiệp [3]. Với quy mô như vậy, đây chính thức trở thành sự kiện trả tiền bảo hiểm lớn nhất lịch sử quốc gia Tây Á này.
Cũng từ ngày 12/02, ADIF chỉ định 4 ngân hàng thành viên là Muganbank, Rabita Bank, Unibank và Kapital bank mở cửa các chi nhánh trong hệ thống để cùng Technikabank đứng ra tiếp nhận đơn xin thanh toán tiền bảo hiểm của người gửi tiền. Theo số liệu mới nhất vào ngày 5/7, tức chưa đầy 6 tháng sau sự cố đổ vỡ, ADIF đã đứng ra thanh toán được 118,9 triệu AZN (76,1 triệu USD), tức hơn 97% số tiền cần chi trả [2]. Hạn mức trả tiền bảo hiểm cho mỗi tài khoản là 30.000 AZN (19.200 USD) [1].
Sự kiện này, cùng với những đợt chi trả trước đó vào ngày 29/1 và 4/2 cho ngân hàng Bank of Azerbaijan (15,4 triệu USD) và Gandjabank (0,56 triệu USD) đã tạo nên áp lực to lớn về vốn cho ADIF khi tổng tài sản của quỹ này chỉ dừng ở mức 132 triệu AZN (85,12 triệu USD), thấp hơn tổng mức chi trả cần thiết cho 3 ngân hàng trên.
Giới quan sát đã lo ngại đến khả năng phá sản của chính ADIF, nhưng trong tuyên bố ngày 5/7, ông Ajad Javadov – Giám đốc điều hành ADIF cho biết, điều này không thể xảy ra và khẳng định tình hình đang được giải quyết theo hướng khả quan. Ông kêu gọi các nhà đầu tư nhanh chóng đứng ra góp vốn mua lại các ngân hàng đổ vỡ và cho rằng đây là cách giải quyết tốt nhất. ADIF sẽ đứng ra thanh lý tài sản của Technikabank và Bank of Azerbaijan khi phương án trên trở nên không khả thi. Riêng với Gandjabank, ADIF không đứng ra nhận trách nhiệm này vì những lý do hạn chế về mặt địa lý [2].
Trong một chiều hướng tích cực khác, ADIF đã và đang nhận được sự giúp đỡ về mặt chuyên môn của các tổ chức quốc tế. Từ tháng 4/2016, một nhóm các chuyên gia IMF do ông Philippe Bartolomeu đứng đầu được cử sang làm việc cùng ADIF với hi vọng nhanh chóng giải quyết vấn đề một cách hiệu quả và toàn diện [4].
Đôi nét về Technikabank Technikabank là ngân hàng thương mại cổ phần được thành lập năm 1994 với tên gọi Reshadbank. Năm 1998, ngân hàng đổi tên thành Technikabank. Tính đến năm 2015, vào trước thời điểm xảy ra sự cố, Technikabank đứng thứ 8 về tổng tài sản (384 triệu USD) và ngày càng đóng vai trò quan trọng tới toàn bộ nền kinh tế - xã hội của Azerbaijan, nhất là sau giai đoạn 2005-2007 khi ngân hàng này là đơn vị triển khai phát hành thẻ thanh toán quốc gia. Ngoài ra, hai doanh nghiệp con của Technikabank là Alfa Sigorta và Technika Capital Management cũng lần lượt là những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm và kinh doanh chứng khoán. Ngoài ra, Technikabank còn là ngân hàng tiên phong trong việc kết nối Azerbaijan với thế giới khi đem trái phiếu chính phủ Azerbaijan tới giao dịch lần đầu tiên tại thị trường chứng khoán London [5]. Tuy nhiên, trước những vi phạm về vốn điều lệ tối thiểu và nghĩa vụ nợ theo điều 51 và 52 Luật Ngân hàng Azerbaijan, ngân hàng Trung ương nước này vẫn đưa ra quyết định ngưng giấy phép kinh doanh của Technika Bank kể từ ngày 02/02/2016 [6]. |
Phòng Giám sát - Chi nhánh BHTGVN tại Tp Hà Nội
Nguồn tham khảo:
1. http://www.adif.az/?~/eng/news/full/1/256/
2. http://abc.az/eng/news/97245.html
4. http://abc.az/eng/news/95400.html
5. http://banktechnique.az/en_new/bank/about/?1
6. http://azertag.az/en/xeber/Azerbaijans_Central_Bank_revokes_license_of_Texnikabank-923626