Khủng hoảng tài chính ở Tây Ban Nha – Khó khăn chất chồng khó khăn
Vỡ bong bóng bất động sản được đánh giá là khởi nguồn của khủng hoảng tài chính ở Tây Ban Nha. Từ những năm 1987 đến 2007, thị trường bất động sản ở Tây Ban Nha bắt đầu “lên cơn sốt”, các nguồn tín dụng đua nhau đầu tư vào bất động sản khiến“bong bóng” bất động sản bắt đầu phình to. Điều đó đã dẫn đến sự mất cân bằng trong nền kinh tế. Tác động của “vỡ bong bóng” bất động sản đã khiến cho nền kinh tế của Tây Ban Nha đi vào khủng hoảng. Giá nhà đất đỉnh điểm tăng tới 200% tại rơi vào giảm sâu. Điều này gây ra hệ lụy cho ngành ngân hàng. Hàng loạt tài sản thế chấp bằng bất động sản của doanh nghiệp tư nhân mất giá, không thanh khoản được, khiến nhà đầu tư không trả được nợ, ngân hàng bị ảnh hưởng nặng nề (2).
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nằm trong số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng tài chính của Tây Ban Nha. Vào cuối năm 2007, tỷ lệ thất nghiệp của Tây Ban Nha tăng tới 8,3%, đến cuối năm 2010 là 20,1%, và đến quý 2 năm 2012 tỷ lệ thất nghiệp đã tăng đến gần 25%. Trong đó gần một nửa số người thất nghiệp là giới trẻ dưới 25 tuổi (3). Thị trường bất động sản suy giảm khiến cho một loạt công trình mới bắt đầu thi công và những công trình chuẩn bị thi công không thể tiếp tục theo tiến độ, dẫn đến một lực lượng lớn lao động không tìm được việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp cao sẽ khiến cho nhu cầu chi tiêu giảm, tiết kiệm để tái đầu tư cũng sẽ giảm, điều đó càng khiến cho tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại .
Và những biện pháp khắc phục
Trước những khó khăn chồng chất khó khăn, nhà chức trách Tây Ban Nha đã đưa ra một số biện pháp để cải thiện tình hình kinh tế của đất nước. Việc đầu tiên nhà chức trách Tây Ban Nha triển khai là tập trung cải cách và củng cố hệ thống tài chính. Đây là điều kiện quan trọng hỗ trợ quá trình phục hồi hệ thống tài chính. Cơ cấu trong ngành ngân hàng được chuyển dịch. Khuôn khổ pháp lý của ngành ngân hàng được cải cách. Biện pháp đầu tiên trong việc tái cơ cấu ngành ngân hàng là sáp nhập những ngân hàng yếu kém thông qua một cơ quan trung ương.Tây Ban Nha yêu cầu các ngân hàng công khai thông tin tài chính minh bạch, đưa ra các biện pháp cụ thể để làm sạch bảng cân đối kế toán, tăng cường kiểm tra, giám sát các ngân hàng, nâng cao chất lượng đội ngũ giám sát và quản lý. Những hoạt động được đặc biệt quan tâm là củng cố đội ngũ kiểm tra, giám sát đảm bảo mang tính chuyên nghiệp cao, được hỗ trợ bởi quy trình giám sát kỹ lưỡng và các hệ thống công nghệ thông tin đầy đủ, kịp thời. Tính độc lập trong quản lý ngân hàng, hoạt động khắc phục hậu quả và chế tài xử phạt trong lĩnh vực ngân hàng và chứng khoán được tăng cường. Biện pháp thắt chặt tài chính, đặc biệt là cho vay, chỉ chủ yếu tập trung cho vay những doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, được áp dụng. Cho vay đầu tư bất động sản và phát triển ngành xây dựng được kiểm soát chặt chẽ theo hướng hạn chế. Chỉ tiêu vốn tự có được yêu cầu nâng cao trên 8%. Huy động vốn trong dân được chú trọng và khích lệ. Tất cả các ngân hàng phải công bố thông tin trong tài khoản hàng năm của họ và phải có xác nhận của kiểm toán viên độc lập. Ngân hàng yếu kém được yêu cầu sáp nhập phải nộp một kế hoạch tái cơ cấu vốn và có được sự chấp thuận của Ngân hàng Trung ương. Những biện pháp này có tác dụng nâng cao hiệu quả của ngân hàng, giúp cải thiện kinh doanh.
Mặc dầu cải cách thị trường lao động được đánh giá có nhiều sự quan tâmnhưngcác nhà hoạch định chính sách của Tây Ban Nha cũng chưa tìm ra được hướng giải quyết hiệu quả cho vấn đề này.
Từ thực tiễn Tây Ban Nha và những khó khăn quốc gia này đang phải đối mặt, một vài khía cạnh có thể là bài học kinh nghiệm được tham khảo. Hiện nay kinh tế Việt Nam có dấu hiệu giảm sút, bong bóng bất động sản và khó khăn của ngân hàng đang đặt ra thách thức cần được vượt qua. Nhiều biện pháp để khôi phục hệ thống tài chính nói chung và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói riêng được đề xuất và ưu tiên triển khai. Mặc dù vậy, một số thách thức trong lĩnh vực tài chính vẫn đang cần sự quan tâm hơn nữa. Cụ thể, tăng vốn chủ sở hữu, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát ngân hàng, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, tăng cường vốn đầu tư vào sản xuất, công nghệ, khích lệ huy động vốn trong dân.v.v. Hơn nữa, thực tiễn khó khăn của doanh nghiệp và ngân hàng cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời. Những khoản nợ xấu của ngân hàng chưa có biện pháp giải quyết triệt để, công cuộc tái cấu trúc ngành ngân hàng gặp khó khăn nhất định, quỹ dự phòng vốn rủi ro của các ngân hàng chưa cao.
Từ việc xác định chính xác nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính, đến đưa ra những biện pháp chính sách khắc phục đúng đắn là một bước tiến lớn. Đề xuất và tạo điều kiện để những biện pháp đối phó với khủng hoảng tài chính phát huy được hết hiệu quả là một bài toán khó khăn. Theo kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia trong đó có Tây Ban Nha, chính sách tài chính đúng đắn và được thực hiện một cách quyết liệt để tránh rơi vào khó khăn đòi hỏi sự nỗ lực tổng thể và quyết tâm cao của toàn xã hội.
Hồ Thanh Xuân và Vũ Thị Vân Anh
(Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam- Chi nhánh khu vực Hà Nội)
(1)Khủng hoảng ngân hàng: Hiệu ứng Domino từ Tây Ban Nha?
Mỹ lao đao vì khủng hoảng châu Âu
http://vef.vn/2012-07-25-my-lao-dao-vi-khung-hoang-chau-au
(2)Nền kinh tế Tây Ban Nha đã được cứu? – Đào Dũng, Thùy Vân– ngày 19/7/2012
http://vov.vn/Home/Nen-kinh-te-Tay-Ban-Nha-da-duoc-cuu/20127/217637.vov
(3)Kinh tế Tây Ban Nha: khó khăn chồng chất khó khăn – 14/05/2012- Quỳnh Chi
http://www.doiserbia.nb.rs/img/doi/1452-595X/2011/1452-595X1103309C.pdf