Đoạn trích nói trên nằm trong bài viết "Cái chết của Lehman dưới góc nhìn của một người trong cuộc", đăng trên VnEconomy ngày 19/9/2008, vài ngày sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu chính thức nổ ra với sự kiện Lehman Brothers - định chế ngân hàng đầu tư lớn thứ 4 tại Mỹ - xin phá sản. “Chìm xuồng” với khoản nợ khổng lồ 613 tỷ USD, vụ phá sản của Lehman Brothers được đánh giá là lớn nhất trong lịch sử.
Tác giả bài viết, ông Mạc Quang Huy (bút danh Mạc San), khi đó đã làm việc cho Lehman Brothers trong nhiều năm. Nay đang là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Maritime Bank (MSBS), Mạc Quang Huy đã có cuộc trò chuyện với VnEconomy ở thời điểm tròn 5 năm sau ngày Lehman Brothers tan rã.
Ông Huy nói:
- Kinh doanh luôn hàm chứa các rủi ro. Một quyết định kinh doanh có hàm lượng rủi ro cao trong bối cảnh thị trường bất lợi có thể dẫn đến một kết cục bi thảm cho doanh nghiệp.
Ở thời điểm này nhìn lại, theo tôi, bài học chính vẫn là xây dựng một hệ thống quản trị rủi ro độc lập và đủ mạnh, và người điều hành cần có sự cân nhắc thấu đáo giữa rủi ro và lợi nhuận để xác định ra được khẩu vị rủi ro phù hợp với năng lực rủi ro của mỗi doanh nghiệp trong từng giai đoạn kinh doanh và bối cảnh thị trường nhất định.
Sự cạnh tranh, nhu cầu thúc đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp cũng như sự bùng nổ của thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán từ việc cung tiền quá lớn và cho vay dễ dãi, đã đưa đến khả năng biến đổi những người điều hành vốn thận trọng thành liều lĩnh, tham lam bất chấp mọi rủi ro. Ông nghĩ, đó có phải là yếu tố khách quan chi phối hoàn toàn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 5 năm trước hay không?
Tôi nghĩ, về cơ bản là như vậy. Tuy nhiên, xung quanh kết cục bi thảm của Lehman còn những yếu tố kém may mắn và có thể có những chi tiết sau hậu trường khác.
Như chúng ta cũng biết tại thời điểm đó, cũng có rất nhiều định chế tài chính lớn của Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự như Bear Steans, Merrill Lynch, Washington Mutual, Freddie Mac, Fannie Mae, AIG… nhưng đều được giải cứu bằng cách này, hay cách khác.
Một sự tương đồng lớn giữa thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam, là việc dỡ bỏ những rào cản để tổ chức đầu tư dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tiền gửi của hệ thống ngân hàng thương mại, dẫn đến sự lạm phát giá tài sản. Đã có thời gian dài, thị trường chứng khoán Việt Nam hưởng lợi từ bong bóng tín dụng. Nhưng khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định hạn chế cho vay (Thông tư 03), ngay lập tức vấp phải những phản ứng và sức ép lớn, và đã phải sửa đổi nhiều lần sau đó theo hướng thoáng hơn. Vậy theo ông, việc hạn chế tín dụng trong đầu cơ có phải là nguyên nhân dẫn đến sự suy yếu của thị trường chứng khoán trong nước hiện tại?
Theo tôi, đó chỉ là một phần của câu chuyện. Thực tế cho thấy nguồn tiền, đặc biệt là nguồn tiền thông minh không thiếu, nó luôn biết cách điều chỉnh tìm những kênh đầu tư hấp dẫn và chảy vào những nơi sinh lợi nhất.
Hiện tại, nhiều công ty chứng khoán dồi dào nguồn vốn thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ cho vay ký quỹ (margin), một sản phẩm được chính thức hóa từ tháng 8/2011, nhưng việc giải ngân cũng không phải dễ dàng.
Một nguồn tiền nhàn rỗi lớn của dân chúng vẫn đang nằm trong kênh tiết kiệm ngân hàng để trú ẩn, mặc dù lãi suất bị hạ khá thấp. Như vậy, bài toán của thị trường chứng khoán không chỉ nằm ở vấn đề nguồn vốn, mặc dù đây là một nhân tố quan trọng.
Nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một quá trình tăng trưởng nóng trong giai đoạn 2005 - 2007, do vậy, một sự nghỉ ngơi tạm thời để tái cấu trúc và chấn chỉnh, theo tôi, là cần thiết.
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn yếu và thiếu bền vững hiện nay cộng với bối cảnh quốc tế phức tạp thì chúng ta không thể kỳ vọng thị trường chứng khoán tăng trưởng bền vững được. Các vấn đề của nền kinh tế cần thời gian để giải quyết.
Ngoài ra, chúng ta cần giải quyết các vấn đề kỹ thuật căn bản của thị trường chứng khoán đó là sự minh bạch thông tin, xử nghiêm các hành vi không công bằng trên thị trường chứng khoán, mở rộng hành lang pháp lý theo hướng quốc tế hóa để từ đó cho phép triển khai các sản phẩm mới, các giải pháp tăng cường thanh khoản thị trường như mua bán cùng phiên, mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, qua đó củng cố niềm tin nhà đầu tư cũng như thu hút các dòng vốn ngoại trở lại Việt Nam.
Có một thực tế đáng buồn là việc thuyết phục một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài bỏ 1 tỷ USD vào mua chi phối cổ phần một công ty tốt sẽ dễ hơn rất nhiều thuyết phục họ bỏ ra 100 triệu USD để mua một số ít cổ phần không chi phối của công ty đó.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam, trong giai đoạn 2009-2010 cũng bùng phát sự cạnh tranh khốc liệt giành thị phần giữa một số công ty chứng khoán. Đã có những công ty chấp nhận vay nợ cực lớn so với vốn chủ sở hữu để đạt tăng trưởng doanh thu cao hơn. Nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết cũng vay nợ gấp hàng chục lần vốn tự có. Theo ông, áp lực đó đến từ đâu?
Tôi nghĩ, việc sử dụng đòn bẩy quá lớn của một số doanh nghiệp tài chính hay bất động sản có thể xuất phát từ quan điểm nhận định thị trường cũng như xác định khẩu vị rủi ro của ban điều hành doanh nghiệp trong khi chưa có một bộ phận quản trị rủi ro độc lập, đủ mạnh để đưa ra những tiếng nói phản biện.
Không ban điều hành nào muốn doanh nghiệp mình thua lỗ cũng như lỡ các cơ hội kinh doanh trong tầm ngắm. Chính vì vậy, khi có những biến động kinh tế vĩ mô quá nhanh và phức tạp trong những năm qua, dẫn đến lạm phát và lãi suất cao, giá trị tài sản đi xuống, thanh khoản sụt giảm mạnh với các loại tài sản thì các thua lỗ là khó tránh khỏi.
Độc lập và đủ mạnh dường như là yêu cầu quan trọng nhất của một hệ thống quản trị rủi ro tốt. Ông có thể nói rõ hơn về các tiêu chí này?
Vâng, một hệ thống quản trị rủi ro được coi là tốt khi đáp ứng hai tiêu chí: độc lập và đủ mạnh.
Hệ thống quản trị rủi ro được coi là “độc lập” có nghĩa là: thứ nhất, tách bạch giữa quản trị rủi ro và các bộ phận kinh doanh (front) cũng như bộ phận nghiệp vụ (back). Lương thưởng của quản trị rủi ro không phụ thuộc vào kết quả của các bộ phận kinh doanh.
Thứ hai, quản trị rủi ro cần được báo cáo trực tiếp với ban điều hành và có thể báo cáo một số vấn đề lớn lên một cơ quan trực thuộc hội đồng quản trị chịu trách nhiệm về giám sát rủi ro (ủy ban rủi ro).
Hệ thống quản trị rủi ro được coi là “đủ mạnh” có nghĩa là: quản trị rủi ro có những nhân sự tốt được đào tạo bài bản; quản trị rủi ro phải bao quát những rủi ro cơ bản liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Ngoài ra, quản trị rủi ro có đầy đủ công cụ, mô hình, phương tiện để có thể phát hiện, đo lường, báo cáo và xử lý rủi ro theo các thông lệ tiên tiến. Một bộ phận quản trị rủi ro tốt cần xây dựng được bảng kiểm soát rủi ro tổng hợp và kiểm soát các chỉ số rủi ro so với hạn mức được phê duyệt; quản trị rủi ro có quyền tiếp cận thông tin không hạn chế đối với mọi dữ liệu của doanh nghiệp và được phân quyền nhất định đối với việc xử lý rủi ro, đặc biệt với các quyết định liên quan đến các ngoại lệ vượt chính sách.
Ông nhiều lần nhắc tới nhu cầu phải xây dựng một hệ thống quản lý rủi ro. Nhưng thực tế vừa qua, một số công ty chứng khoán lớn cũng rơi vào trạng thái rủi ro rất cao, thậm chí đối mặt với nguy cơ phá sản. Điều đáng nói là các công ty này có đầy đủ hệ thống quản lý rủi ro. Vấn đề ở đây là làm cách nào để nâng cao tính tuân thủ đối với hệ thống cảnh báo rủi ro của các tổ chức?
Theo tôi, cần xây dựng vấn đề văn hóa doanh nghiệp, trong đó nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng ý thức “quản trị rủi ro” trên toàn tuyến trong doanh nghiệp, từ cấp cao nhất thuộc hội đồng quản trị đến ban điều hành, các phòng ban và đến từng nhân viên.
Khi đã xây dựng được ý thức quản trị rủi ro thì việc một ai đó cố tình không tuân thủ hoặc phá vỡ những nguyên tắc quản trị rủi ro có sẵn, chắc chắn sẽ bị hệ thống hoặc một người khác tuýt còi. Việc còn lại là quyết định xử lý của ban quản trị rủi ro và các cấp cao hơn.
Vậy kinh nghiệm thực tế tại công ty của ông là như thế nào?
Tại MSBS, chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của quản trị rủi ro, coi đó là một phần của văn hóa doanh nghiệp. Các nhân viên mới gia nhập đều được tham gia một khóa đào tạo về nhận diện và ứng xử với rủi ro và được cấp chứng chỉ khóa học nội bộ.
Các tham số quản trị rủi ro được xây dựng dựa trên sự phân tích khẩu vị rủi ro cũng như dựa trên các quy định pháp lý liên quan và được phê duyệt bởi các hội đồng độc lập như hội đồng chính sách (đối với các hạn mức giao dịch, đòn bẩy tài chính của khách hàng), hay hội đồng đầu tư (đối với các hạn mức đầu tư).
Hầu hết các tham số quản trị rủi ro được tự động hóa và xử lý bằng hệ thống, phần mềm hiện đại, hạn chế sự can thiệp của con người. Các trường hợp ngoại lệ với chính sách đều cần có sự đánh giá kỹ lưỡng và phê duyệt của các cấp có thẩm quyền.
Một số công ty có giá trị tài sản ghi nhận rất lớn, nhưng khi đối diện với khó khăn phải thanh lý bớt tài sản thì giá trị thu về lại rất nhỏ. Hiện tại trong danh mục tài sản đầu tư tại Việt Nam, mới chỉ có danh mục đầu tư chứng khoán niêm yết là được định kỳ định giá lại theo thị trường (mark to market), nhưng phần lớn các tài sản khác như cổ phiếu OTC, bất động sản vẫn được phản ánh theo giá gốc. Điều này tạo nên sự thiếu minh bạch trong đánh giá tổng tài sản của tổ chức, doanh nghiệp. Vậy đã đến lúc áp dụng chuẩn quốc tế trong vấn đề này hay chưa?
Kế toán theo giá trị hợp lý (fair value accounting hay mark-to-market accounting) được áp dụng cho một số hạng mục tài sản và công nợ tài chính là một khái niệm phức tạp, gây tranh cãi trên thế giới. Việc áp dụng kế toán theo giá trị hợp lý là một việc vô cùng khó khăn bởi tính thanh khoản của thị trường không phải lúc nào cũng sẵn có, hoặc các giao dịch quan sát trên thị trường không hẳn lúc nào cũng phản ánh giá trị thực của tài sản giao dịch. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp phải xây dựng các mô hình định giá với các giả định thông tin (mark-to-model).
Theo quan điểm cá nhân của tôi, việc áp dụng kế toán theo giá trị hợp lý hoàn toàn không dễ dàng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam khi các giao dịch có thanh khoản không cao, sự minh bạch thông tin còn thấp và ý thức tuân thủ còn chưa cao. Trong một số trường hợp, giá cả giao dịch trên văn bản hợp đồng chỉ thể hiện bề nổi của giao dịch. Do đó, việc áp dụng kế toán hợp lý hoàn toàn có thể dẫn đến những lợi dụng để “mark-up” các giá trị tài sản, và điều này còn nguy hiểm hơn việc không áp dụng như hiện nay.
Cần nói thêm rằng, danh mục đầu tư chứng khoán niêm yết tại Việt Nam chỉ được đánh giá lại theo giá trị thị trường trong trường hợp xuống giá, cần lập dự phòng “mark-down” chứ không được ghi nhận phần tăng giá nên cũng chưa phải là tuân thủ nguyên tắc kế toán “mark-to-market”.
Các tin khác
Tổng quan về Tổng công ty BHTG Đài Loan
Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đài Loan (CDIC, Trung Quốc) là một trong những mô hình tổ chức BHTG tiến bộ điển hình ở Châu Á. Được thành lập năm 1985 trên một nền tảng pháp lý vững chắc là Luật BHTG, CDIC là thành viên không thể thiếu của mạng an toàn tài chính quốc gia Đài Loan.
Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia chính thức hoạt động
Ngân hàng Trung ương Ethiopia (NBE) chính thức thành lập Quỹ bảo hiểm tiền gửi Ethiopia (EDIF) từ tháng 11/2023 với tư cách là một thành viên của Mạng an toàn tài chính, bảo vệ cho cho người gửi tiền của các ngân hàng và tổ chức tài chính vi mô, phòng ngừa việc rút tiền hàng loạt.
Campuchia: Nghiên cứu thành lập bảo hiểm tiền gửi cho hệ thống tài chính quốc gia
Ngày 31/10/2023, tại Kampong Thom, trong sự kiện “Ngày Tiết kiệm Asian”, Ngân hàng Trung ương Campuchia (NBC) đã giới thiệu về bảo hiểm tiền gửi và vai trò đối với hệ thống tài chính quốc gia nhằm nâng cao niềm tin công chúng và thúc đẩy tiền gửi tiết kiệm bằng đồng Khmer Riel.
Uganda: Quỹ bảo hiểm tiền gửi tăng gấp 3 lần
Chính phủ Uganda vừa công bố tăng Quỹ bảo hiểm tiền gửi (DPF) từ 400 tỷ Shs (tương đương 117 triệu đô la Mỹ) lên 1,3 nghìn tỷ Shs (tương đương 345 triệu đô la Mỹ).
PIDM tổ chức Hội nghị chuyên đề xử lý đổ vỡ quốc gia lần thứ nhất
Vừa qua, tại thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi (BHTG)...