Theo tài liệu hướng dẫn Mục tiêu chính sách công cho các hệ thống BHTG (IADI, 2020), một hệ thống BHTG sẽ không hoạt động hiệu quả nếu các mục tiêu chính sách công không rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức BHTG với tư cách là thành viên mạng an toàn tài chính quốc gia. Mặt khác, cũng cần tránh có quá nhiều mục tiêu chính sách công nhằm đảm bảo sự tập trung tốt hơn và tránh xung đột. Các hệ thống BHTG có hai mục tiêu chính sách công thiết yếu là bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định hệ thống tài chính.
Để bảo vệ người gửi tiền, tổ chức BHTG cần cung cấp hạn mức BHTG phù hợp cho người gửi tiền và cho phép người gửi tiền nhanh chóng tiếp cận tiền gửi của họ khi ngân hàng đổ vỡ. Người gửi tiền, chủ yếu là những người gửi tiền cá nhân cần được ưu tiên bảo vệ, vì: (i) BHTG giúp những người gửi tiền cá nhân tránh bị tổn thất do một tổ chức tài chính đổ vỡ gây ra. Điều này giúp giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt; (ii) Người gửi tiền cá nhân gặp khó khăn trong việc đánh giá tình trạng tài chính của các tổ chức tài chính do không có đầy đủ thông tin về tài chính. BHTG giúp người gửi tiền là cá nhân giảm bớt mối lo giám sát và đánh giá điều kiện các tổ chức tài chính.
Góp phần ổn định hệ thống tài chính cũng là một mục tiêu chính sách công quan trọng của các tổ chức BHTG. Theo đó, niềm tin của công chúng đối với hệ thống tài chính là nền tảng cho sự thành công của bất kỳ hệ thống tài chính nào.
Theo kết quả khảo sát về Mục tiêu chính sách công của IADI (có 52 tổ chức BHTG tham gia), tổ chức BHTG góp phần ổn định tài chính thông qua: góp phần giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt (100%), cung cấp hạn mức BHTG phù hợp sao cho bảo vệ phần lớn người gửi tiền nhưng vẫn đảm bảo duy trì kỷ luật thị trường (79%), đánh giá rủi ro (56%), thúc đẩy quản lý rủi ro lành mạnh (52%), quyền hạn xử lý (46%), quyền can thiệp sớm (35%), thông qua quyền hạn khác như cung cấp hỗ trợ thanh khoản và/hoặc các hoạt động hỗ trợ tài chính trước khi thanh lý, tham gia xử lý ngân hàng khi cơ quan xử lý không phải là tổ chức BHTG, có quyền giám sát, thúc đẩy nhận thức công chúng và hiểu biết tài chính (33%).
Kết quả khảo sát trên cho thấy, giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt, giúp ổn định hệ thống tài chính. Khi người gửi tiền bắt đầu đổ xô đi rút tiền tại một tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng khác cũng có thể bị ảnh hưởng do người gửi tiền không phân biệt được tổ chức tín dụng đang hoạt động tốt hay gặp vấn đề. Khi đó, kể cả các tổ chức tín dụng đang hoạt động tốt cũng có thể phải đối mặt với khó khăn thanh khoản. Khả năng giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm hạn mức BHTG, nhận thức công chúng, mức độ chi trả nhanh chóng cho người gửi tiền, độ tin cậy của hệ thống BHTG… trong đó hạn mức BHTG phù hợp là một yếu tố quan trọng.
Ngoài hai mục tiêu chính trên, một số tổ chức BHTG còn có các mục tiêu chính sách công khác cần thiết đối với hoàn cảnh cụ thể của từng quốc gia như: Kích thích đầu tư vào hệ thống ngân hàng trong nước (Ukranie); Tăng cường cạnh tranh trong lĩnh vực tài chính bằng cách giảm thiểu một số rào cản cạnh tranh trong ngành công nghiệp nhận tiền gửi (Zimbabwe); Khuyến khích tiết kiệm (Jordan và Nga)… Nhìn chung, các mục tiêu này nhằm hỗ trợ cho việc bảo vệ người gửi tiền hoặc góp phần ổn định tài chính. Trong mọi trường hợp, tất cả các mục tiêu chính sách công phải hỗ trợ cho hai mục tiêu thiết yếu của các hệ thống BHTG.
Nhìn chung, cần có sự thống nhất giữa mục tiêu chính sách công và quyền hạn của tổ chức BHTG nhằm đảm bảo vai trò và chức năng của tổ chức BHTG phù hợp với các mục tiêu của hệ thống BHTG. Các nhà hoạch định chính sách cần cân nhắc các vấn đề như hạn mức BHTG, các biện pháp giảm thiểu rủi ro đạo đức, cơ chế tài chính, phí BHTG, khả năng đánh giá rủi ro và kiểm soát tổn thất ước tính, các thoả thuận chia sẻ thông tin, nhận thức công chúng và xem xét các hoạt động cần thiết khác. Tổ chức BHTG cần có đầy đủ quyền hạn cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ của mình một cách hiệu quả. Ví dụ, các tổ chức BHTG cần được tiếp cận thông tin người gửi tiền trước khi ngân hàng phá sản để có thể chi trả kịp thời cho người gửi tiền.
Liên hệ Việt Nam
Mục tiêu chính của BHTGVN là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Như vậy, mục tiêu chính sách công của BHTGVN chính là hai mục tiêu thiết yếu của các hệ thống BHTG, đó là bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định hệ thống tài chính.
Trong quá trình hoạt động, BHTGVN đã thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao nhằm đạt được các mục tiêu chính sách công của tổ chức BHTG như: (i) Thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục và kiểm tra định kỳ các tổ chức tham gia BHTG; (ii) Thực hiện tốt công tác quản lý thu phí bảo hiểm tiền gửi, đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi đảm bảo an toàn và hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN nhằm sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động hỗ trợ tài chính; (iii) Thường xuyên theo dõi bám sát diễn biến tình hình các tổ chức tham gia BHTG được kiểm soát đặc biệt; (iv) Chuẩn bị sẵn sàng phương án chi trả, thực hiện chi trả kịp thời cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả tiền gửi được bảo hiểm…
Để có thể tiếp tục phát huy hiệu quả vai trò của tổ chức BHTG, BHTGVN cần nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh những quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi người gửi tiền, như việc nâng hạn mức BHTG hướng đến khoảng 90-95% tổng số người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ, góp phần giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt; có quy định cụ thể về việc BHTGVN được tiếp cận thông tin người gửi tiền trước khi ngân hàng phá sản nhằm rút ngắn thời gian chi trả thực tế để người gửi tiền có thể nhanh chóng tiếp cận tiền gửi của họ khi ngân hàng đổ vỡ. Ngoài ra, BHTGVN có thể xem xét các hoạt động cần thiết khác để đề xuất tăng cường nhiệm vụ hoặc quyền hạn của mình tương ứng với mục tiêu chính sách công đã đề ra.
Tài liệu tham khảo
Mục tiêu chính sách công cho hệ thống BHTG, IADI, 2020
Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, IADI, 2014.