Trong bài phát biểu mới đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng bí thư nhấn mạnh Đảng ta đã khẳng định: Trọng tâm xây dựng và phát triển văn hoá là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hoá và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên.
Tại BHTGVN,Quy chế Văn hóa công sở tại BHTGVN đã được ban hành ngày 27/12/2016. Mục đích của quy chế này nhằm xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, nhân viên tại BHTGVN trong quá trình công tác, có đầy đủ đạo đức, phẩm chất tốt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo nên thành công cho cán bộ, nhân viên nói riêng và BHTGVN nói chung. Hơn thế nữa, cùng nhau xây dựng môi trường làm việc khoa học, chuyên nghiệp, nghiêm túc, có văn hóa ứng xử chuẩn mực, giải quyết công việc hiệu quả, góp phần tạo hình ảnh riêng cho BHTGVN. Theo đó, văn hóa công sở tại BHTGVN là toàn bộ các giá trị văn hóa được xây dựng gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của BHTGVN, chi phối suy nghĩ và hành vi của tất cả cán bộ, nhân viên tại BHTGVN; từ đó, duy trì, phát triển văn hóa công sở BHTGVN ổn định và bền vững.
Có thể nói, mọi thành công hay thất bại trong hoạt động của công sở phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó yếu tố chủ yếu nhất là con người và hành vi ứng xử văn hóa nơi công sở của các cá nhân, từ cấp lãnh đạo, quản lý, điều hành cho tới các nhân viên. Biểu hiện cụ thể của văn hóa công sở là tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ công việc, ý thức chấp hành kỷ luật của đội ngũ cán bộ, nhân viên cùng với ý thức trau dồi kiến thức văn hóa, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ hiểu biết pháp luật để thực hiện công việc một cách chuyên nghiệp và hiệu quả. Thực tế, văn hóa công sở được hình thành trên cơ sở văn hóa ứng xử. Văn hóa ứng xử tại BHTGVN là các quy định về chuẩn mực trong nội bộ BHTGVN và bên ngoài mà cán bộ, nhân viên tại BHTGVN phải tuân thủ cả về nội dung và hình thức, có tính kế thừa và tiếp thu sáng tạo, có chọn lọc qua các giai đoạn phát triển của tổ chức và không ngừng được bổ sung hoàn thiện đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của chế độ công vụ và sự phát triển của tổ chức.
Với ý nghĩa đó, văn hóa công sở không chỉ thể hiện đạo đức, phẩm chất, năng lực của cán bộ, nhân viên trong khi thực thi nhiệm vụ mà còn thể hiện trình độ văn hóa. Xây dựng văn hóa công sở thực chất là xây dựng con người lao động mới – văn minh, chuyên nghiệp – yếu tố quyết định chất lượng và khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động công sở. Xây dựng văn hóa công sở chính là xây dựng một môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, thân thiện và hiệu quả. Cách hành xử văn hóa chốn công sở vì thế, mang lại rất nhiều lợi ích góp phần tạo dựng niềm tin, sự đoàn kết nhất trí của cả tập thể, từ đó tạo bầu không khí làm việc cởi mở, tích cực, giúp cán bộ nâng cao chất lượng và hiệu quả công việc.
Tại các hội nghị Người lao động BHTGVN, ông Đào Quốc Tính – Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc BHTGVN đã từng chia sẻ và trăn trở: Làm thế nào xây dựng văn hóa công sở mang bản sắc BHTGVN?
Văn hóa tổ chức của BHTGVN là toàn bộ các giá trị vật chất và tinh thần được gây dựng nên trong suốt quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của BHTGVN và là một trong những yếu tố gắn kết lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể, hướng hành vi cá nhân thực hiện tốt nhất mục tiêu và sự kỳ vọng của BHTGVN. Văn hóa tổ chức tại BHTGVN là sản phẩm của tất cả cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống và đáp ứng nhu cầu giá trị bền vững.
Thiết nghĩ, với vai trò, vị thế là cơ quan thay mặt Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, từ đó nâng cao niềm tin của người dân đối với chính sách BHTG của Nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng quốc gia, chính vì vậy, cán bộ, người lao động BHTGVN cần rèn luyện để trở thành những cán bộ, người lao động đáng tin cậy.
Cần thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại trong thực hiện văn hóa công sở tại BHTGVN có lúc có nơi còn chưa tốt như việc chấp hành kỷ luật lao động; chủ động chào hỏi đồng nghiệp, lãnh đạo; ý thức giữ gìn vệ sinh chung, ý thức tiết kiệm trong sử dụng điện nước; ý thức trách nhiệm với công việc được giao chưa cao… đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, đến đồng nghiệp, đến hình ảnh của cả cơ quan đơn vị.
Xây dựng cán bộ, người lao động BHTGVN "Đáng tin cậy" không chỉ là khắc phục những nội dung còn tồn tại trên đây, hướng tới những hành vi ứng xử đạo đức như là một yếu tố nền tảng của văn hóa ứng xử. Thực tế, văn hóa công sở còn phải xuất phát từ những hành vi, thái độ, quy trình tác nghiệp mang tính quy chuẩn, cần có quá trình đào tạo thường xuyên liên tục ở mỗi cơ quan đơn vị. Quy chế về văn hóa công sở cần cụ thể hóa quy định về trang phục, về chấp hành kỷ luật lao động, về quy định giữ gìn vệ sinh, sử dụng công cụ, dụng cụ lao động, thiết bị hỗ trợ công việc...
Do đó, bên cạnh các quy định mang tính nguyên tắc, cần thường xuyên tuyên truyền về văn hóa công sở nhằm nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ, nhân viên về tầm quan trọng của việc thực hiện văn hóa công sở trong môi trường làm việc hiện nay; về ý nghĩa của việc đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở trong việc hoàn thiện nhân cách của người cán bộ, nhân viên. Cán bộ và nhân viên BHTGVN cùng nhau kiến tạo môi trường làm việc thân thiện, hiệu quả; quan tâm đến đời sống của cán bộ, nhân viên khi ốm đau, hiếu, hỷ tạo động lực và môi trường cho những nét đẹp về ứng xử văn hóa được nhân rộng trong cơ quan.
BHTGVN cần tiếp tục tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa công sở, tập huấn cho toàn thể cán bộ, nhân viên trong cơ quan về kỹ năng giao tiếp, ứng xử nơi công sở, kỹ năng trao đổi thông tin, kỹ năng quản lý thời gian làm việc trong nội bộ phòng, ban, nội bộ cơ quan... nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nhân viên với đầy đủ phẩm chất “Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng” làm nền tảng cho việc xây dựng một phong cách làm việc của thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Cũng tại hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa qua, Tổng Bí thư xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi"! Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội; kế thừa những truyền thống văn hóa tốt đẹp của Dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc những thành tựu, tinh hoa văn hóa của thế giới, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao.
Tin rằng người BHTGVN nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về đường lối văn hóa của Đảng, nhất là trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Phương thức lãnh đạo và quản lý văn hóa tổ chức, văn hóa công sở đã dần đổi mới sao cho thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hóa trong thời kỳ công nghệ 4.0, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
Trách nhiệm của các cấp ủy đảng, các tổ chức đoàn thể trong toàn hệ thống BHTGVN là cùng nhau tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển văn hóa của tổ chức BHTGVN, văn hóa công sở của BHTGVN tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", là "động lực phát triển", và "soi đường cho cán bộ, đảng viên và người lao động đi". Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh của mỗi cá nhân trong toàn hệ thống BHTGVN, khơi dậy khát vọng đóng góp vì sự phát triển chung của BHTGVN, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa BHTGVN trở thành tổ chức BHTG đáng tin cậy trong lòng công chúng, vì sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảosự an toàn lành mạnh hoạt động của các tổ chức tín dụng, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng quốc gia.