Lãnh đạo NHTW Bangladesh cho biết, những thay đổi chính sách này được đề xuất trên cơ sở thực tế quy mô tiền gửi tại các công ty cho thuê tài chính đang tăng nhanh do mức lãi suất tiền gửi cao. Theo dữ liệu của NHTW, tính đến tháng 12/2017, số dư tiền gửi tại 29 tổ chức tài chính phi ngân hàng ở nước này đã đạt 4.679.700.000 Taka Bangladesh (tương đương khoảng 56,4 triệu USD), trong khi các tổ chức này đang cho vay khoảng 6.456.000.000 Taka Bangladesh (tương đương khoảng 77,8 triệu USD).
Dự luật quy định, mỗi người gửi tiền tại mỗi tổ chức tài chính phi ngân hàng được bảo hiểm với hạn mức tới 100.000 Taka Bangladesh (tương đương khoảng 1.200 USD). Cơ chế này được áp dụng tương tự như với người gửi tiền tại các ngân hàng.
Luật BHTG hiện hành của Bangladesh đảm bảo 88% người gửi tiền tại các ngân hàng được bảo vệ toàn bộ. 12% còn lại là những người gửi tiền quy mô lớn với mức tiền gửi tại mỗi ngân hàng vượt quá 100.000 Taka Bangladesh.
Một quan chức cao cấp của NHTW Bangladesh tiết lộ, từ năm 2014, NHTW đã hối thúc Chính phủ nước này sửa đổi luật nhằm bảo vệ người gửi tiền tại các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Tuy nhiên, quá trình phê duyệt đạo luật này bị chậm trễ do Bộ Tài chính muốn bổ sung vào đó quy định nhằm bảo vệ người sử dụng các dịch vụ tài chính trên di động (mobile financial service – MFS), trong khi NHTW lại có quan điểm khác. NHTW nước này cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ tài chính trên di động không có chức năng nhận tiền gửi, do đó theo logic, không hề có khoản tiền gửi nào cần bảo vệ. Cuối cùng, NHTW đã soạn thảo dự luật mà không bao gồm quy định bảo hiểm cho người sử dụng các dịch vụ tài chính trên di động. Dự luật hiện đang được đăng tải trên website của cơ quan này nhằm lấy ý kiến góp ý của các bên liên quan, sau đó sẽ được gửi sang Bộ Tài chính.
Lãnh đạo một công ty tài chính – đầu tư tại Bangladesh đánh giá, dự luật sẽ nâng cao niềm tin của người gửi tiền, làm giảm nguy cơ rút tiền hàng loạt tại các tổ chức tài chính phi ngân hàng.