Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2016, liên quan đến lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các cân đối về tiền tệ cơ bản ổn định và đúng định hướng, tín dụng tiếp tục tăng trưởng đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế. Thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến tích cực. Các chỉ tiêu tiền tệ tăng trưởng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 14,03%. Mặt bằng lãi suất về cơ bản diễn biến ổn định. Tỉ giá tháng 11/2016 có biến động chủ yếu do yếu tố tâm lý trước bối cảnh đồng USD tăng mạnh so với các đồng tiền khác. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn đảm bảo, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ. Thị trường vàng diễn biến ổn định và tự điều tiết tốt. Lãi suất cho vay có xu hướng giảm khoảng 0,5-1% đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Trong cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng trả lời một số câu hỏi của phóng viên liên quan đến tăng trưởng tín dụng. Phó Thống đốc khẳng định, kế hoạch đầu năm đặt ra chỉ tiêu là 18%-20% tăng trưởng tín dụng của năm 2016 là con số có tính chất định hướng trong chỉ đạo điều hành, không phải là con số mang tính chất pháp lệnh, hay kế hoạch phải đạt được. Bởi trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung, đặc biệt là việc gia tăng tăng trưởng tín dụng nói riêng, việc tăng trưởng tín dụng đến mức độ nào, mục tiêu chủ yếu nhằm phục vụ trước hết cho việc tăng trưởng nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. Vì vậy mức độ gia tăng tín dụng phải đáp ứng được yêu cầu, đó là mục tiêu cao nhất. Thứ hai, phải bảo đảm việc tăng trưởng tín dụng đồng thời với kiểm soát chất lượng tín dụng và đặc biệt trong năm 2016 cũng như những năm tiếp theo, kiểm soát chất lượng tín dụng để không phát sinh thêm nợ xấu trong khi đang phải xử lý nợ xấu những năm trước đây còn để lại.Phó Thống đốc nhấn mạnh: “Với mức 14,03% hiện nay là hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu quan trọng đặt ra và còn hơn 1 tháng nữa, theo thông lệ nhiều năm vừa qua, thời điểm cuối năm là thời điểm tăng tín dụng rất nhanh. Từ 14% tăng lên 18% chắc chắn chúng tôi có thể điều hành được. Nhưng nếu mở rộng tín dụng chỉ vì dư nợ đạt được 18%-20% là hoàn toàn không khó, nhất là trong điều kiện vừa qua nhiều tổ chức tín dụng, NHTM muốn NHNN nới thêm hạn mức tín dụng tăng trưởng trong năm nay của từng ngân hàng. Tuy nhiên, vì yêu cầu kiểm soát lạm phát, bảo đảm giữ mặt bằng lãi suất cũng như xu hướng giảm lãi suất, bảo đảm thanh khoản của các ngân hàng thương mại thì chúng tôi xác định tỉ lệ tăng trưởng dư nợ khoảng 14% ở thời điểm hiện nay, cũng như 17%-18% vào cuối năm là hợp lý và có thể đạt được. Trong điều kiện đó, dòng vốn hiện nay chúng tôi xác định tập trung chủ yếu cho các lĩnh vực, trước hết là 5 lĩnh vực ưu tiên mà Chính phủ đã chỉ đạo và đặc biệt quan tâm đến các gói tín dụng chính sách hiện nay cho khắc phục khó khăn do thiên tai, do vấn đề môi trường đặt ra vừa qua cũng như tập trung vào một số lĩnh vực cần thiết để tạo giá trị gia tăng và tăng trưởng kinh tế”.
Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tín dụng hiện nay đang tăng trưởng ở mức hợp lý, cơ cấu tín dụng vẫn chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất các lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ tích cực quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thủy sản, công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam) đến cuối tháng 11/2016 ước đạt 940.000 tỷ đồng, tăng 11,14% so với cuối năm 2015, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 18% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Dư nợ cho vay đối với 4 lĩnh vực ưu tiên tăng so với cuối năm 2015 (theo số liệu Vụ Dự báo thống kê cung cấp đến cuối tháng 08/2016): Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 1.115.386 tỷ đồng, tăng 6%, chiếm tỷ trọng 21,84% tổng dư nợ nền kinh tế; Cho vay lĩnh vực công nghiệp ưu tiên phát triển đạt khoảng 130.563 tỷ đồng, tăng 9,98% và chiếm tỷ trọng 2,56%;Cho vay sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu đạt 184.654 tỷ đồng, giảm 1,44%, chiếm tỷ trọng 3,54%; Đối với lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 27.505 tỷ đồng, giảm 2,49%, chiếm tỷ trọng 0,54%.