Bảo hiểm tiền gửi - một lĩnh vực chính sách đặc thù
Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) - theo định nghĩa của Hiệp hội BHTG Quốc tế - là “một hệ thống được thiết lập để bảo vệ người gửi tiền khỏi những tổn thất về tiền gửi được bảo hiểm của họ trong trường hợp tổ chức nhận tiền gửi không thể hoàn thành các nghĩa vụ nợ theo cam kết đối với người gửi tiền”.
Còn tại Việt Nam, Luật BHTG tại Việt Nam quy định: BHTG là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Các tổ chức tham gia BHTG được hiểu là các tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật Các Tổ chức tín dụng, bao gồm ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
Như vậy, BHTG là một cam kết công khai của tổ chức BHTG về việc sẽ hoàn trả một phần hoặc toàn bộ tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả gốc và lãi) cho người gửi tiền khi tổ chức tham gia BHTG được cơ quan chức năng xác định là mất khả năng thanh toán hoặc chấm dứt hoạt động.
Trên thế giới, chính sách BHTG thường được coi là một lĩnh vực chính sách công, hướng đến một hoặc nhiều mục tiêu khác nhau tùy thuộc vào các điều kiện cụ thể trong mỗi thời kỳ. Trong đó, có thể chia các mục tiêu của chính sách này vào 3 nhóm chính. Trước hết là bảo vệ người gửi tiền quy mô vừa và nhỏ - đối tượng có những hạn chế nhất định trong việc tiếp cận thông tin về điều hành và tình hình hoạt động của các tổ chức nhận tiền gửi. Chính sách BHTG cũng góp phần ổn định hệ thống các TCTD. Chính sách BHTG được sử dụng với mục đích tăng cường niềm tin công chúng, góp phần giảm thiểu đột biến rút tiền gửi, góp phần tạo cơ chế chính thức để xử lý các tổ chức nhận tiền gửi gặp sự cố và tham gia quá trình xử lý khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, chính sách BHTG góp phần xây dựng một thị trường có tính cạnh tranh và bình đẳng cho các tổ chức nhận tiền gửi có quy mô và trình độ phát triển khác nhau; giúp tạo điều kiện quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người gửi tiền, tổ chức nhận tiền gửi, chính phủ; giảm chi phí xử lý đổ vỡ ngân hàng và giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người đóng thuế trong trường hợp có ngân hàng đổ vỡ. Để thực hiện mục tiêu chính sách công này, tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, các tổ chức BHTG đều là các tổ chức thuộc Chính phủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận.
Bảo vệ cho tiền gửi tại 1283 tổ chức tín dụng
Theo số liệu của BHTGVN, hiện có 1.283 tổ chức tham gia BHTG, trong đó 97 ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Các tổ chức này đều được BHTGVN cấp Chứng nhận tham gia BHTG và Bản sao Chứng nhận theo quy định của pháp luật. Đồng thời, các tổ chức tham gia BHTG định kỳ nộp phí cho BHTGVN theo số dư tiền gửi được bảo hiểm. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, BHTGVN thu phí đạt 77,7% kế hoạch được NHNN giao năm 2022. BHTGVN cũng thực hiện miễn nộp phí cho một số tổ chức tham gia BHTG theo quy định.
Toàn bộ phí BHTG do tổ chức tham gia BHTG nộp cho BHTGVN được bổ sung vào Quỹ dự phòng nghiệp vụ dùng để chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi phát sinh nghĩa vụ chi trả theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, Quỹ dự phòng nghiệp vụ còn được sử dụng để cho vay đặc biệt khi tham gia kiểm soát đặc biệt các tổ chức tín dụng theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017. Khi chưa phát sinh nghĩa vụ chi trả, BHTGVN thực hiện đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi nhằm gia tăng năng lực tài chính, đồng thời đảm bảo thanh khoản và bảo toàn vốn. Đến hết tháng 7/2022, công tác đầu tư vốn tạm thời nhàn rỗi đã giúp BHTGVN ghi nhận doanh thu đạt hơn 175 tỷ đồng, tương đương 86,5% kế hoạch được NHNN giao.
Tính đến hết tháng 7 năm 2022, BHTGVN đã thực hiện kiểm tra tại chỗ đối với 195 tổ chức tham gia BHTG, đạt gần 70% kế hoạch kiểm tra định kỳ và kiểm tra 26 QTDND theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN. Kết quả kiểm tra được BHTGVN báo cáo NHNN nhằm kịp thời theo dõi, đánh giá diễn biến, tình hình hoạt động của các tổ chức tín dụng, qua đó chấn chỉnh các vấn đề phát sinh. Bên cạnh đó, 100% các tổ chức tham gia BHTG được giám sát từ xa thông qua thông tin báo cáo từ các tổ chức nói trên, đồng thời từ dữ liệu chia sẻ của NHNN.
Thời gian qua, BHTGVN chưa phát sinh các khoản vay đặc biệt từ các tổ chức tham gia BHTG, cũng như chưa phát sinh nghĩa vụ chi trả theo quy định. Tuy nhiên, BHTGVN luôn theo dõi sát sao các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời đảm bảo năng lực tài chính, nguồn nhân lực và nguồn lực kỹ thuật để có thể nhanh chóng ứng phó trong mọi trường hợp phát sinh.
Thực hiện chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG, BHTGVN đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền trên các kênh truyền thông đa dạng, có độ bao phủ lớn như truyền hình, phát thanh, các báo, tạp chí, báo điện tử, website BHTGVN và Bản tin BHTG, qua đó nâng cao hiểu biết của công chúng về BHTG.
Trên bình diện quốc tế, BHTGVN tăng cường hợp tác với các tổ chức BHTG trên thế giới nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm xây dựng hệ thống BHTG hiện đại, hiệu quả. BHTGVN hiện là một trong những thành viên tích cực của Hiệp hội BHTG Quốc tế (IADI) và Ủy ban Châu Á – Thái Bình Dương (APRC) thuộc IADI, đồng thời tham gia các hoạt động hội thảo, tọa đàm quốc tế về các vấn đề BHTG nhận được sự quan tâm.
Sửa đổi khuôn khổ pháp lý về bảo hiểm tiền gửi để nâng cao khả năng bảo vệ người gửi tiền
Theo Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 8/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025, một trong những giải pháp chủ yếu là nghiên cứu, rà soát, sửa đổi một số Luật, văn bản pháp luật, trong đó có Luật BHTG. Nghiên cứu, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN được tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém. Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện tái cơ cấu TCTD cũng được xác định có thể huy động từ nguồn Quỹ dự phòng nghiệp vụ của tổ chức BHTG. Đây là những định hướng chính sách để nâng cao vai trò của tổ chức BHTG trong quá trình tái cơ cấu một cách phù hợp với nhu cầu thực tiễn cũng như thông lệ quốc tế.
Ông Vũ Văn Long – Phó Tổng giám đốc BHTGVN cho biết, một trong những ưu tiên hàng đầu của BHTGVN những tháng còn lại của năm 2022 và trong thời gian tới là việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Trong thời gian qua, BHTGVN đã tổng kết quá trình thi hành Luật và đệ trình NHNN một số đề xuất, kiến nghị về chính sách BHTG.
Cũng theo BHTGVN, các nội dung đề xuất, sửa đổi bổ sung Luật BHTG sẽ xoay quanh 3 nội dung chính: hoàn thiện cơ sở pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao vị thế, vai trò của BHTGVN để tham gia sâu hơn, hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại hệ thống TCTD, nhằm bảo vệ tốt hơn, kịp thời hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền; giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai Luật BHTG trong thời gian qua; thống nhất quy định với các luật có liên quan như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD (Luật số 17/2017/QH14), Luật Phá sản…
Để phát huy vai trò của tổ chức BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, việc xem xét sửa đổi, bổ sung Luật BHTG cần được triển khai một cách mạnh mẽ, nhanh chóng trong thời gian tới. Đồng thời, BHTGVN cũng cần không ngừng nâng cao nguồn lực tài chính, chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động nghiệp vụ nhằm sẵn sàng gánh vác những nhiệm vụ mới được giao phó.