Sáng kiến này nhằm hỗ trợ khả năng tiếp cận giáo dục tài chính toàn diện cho cộng đồng người khiếm thị ở Malaysia - những người gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu về tài chính, ngân hàng.
Ông Wan Ahmad Ikram Wan Ahmd Lotfi - Phó Chủ tịch điều hành PIDM khẳng định: Với tư cách là cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm bảo vệ tiền gửi của người dân vào các ngân hàng thành viên, PIDM bảo vệ cho người gửi tiền có nhiều hoàn cảnh khác nhau, bao gồm cả người khiếm thị. Người khiếm thị là những thành viên quan trọng không kém trong hệ sinh thái tài chính tổng thể và cần được cung cấp kiến thức cần thiết để cải thiện tình hình tài chính của họ.
PIDM cũng đã thực hiện các bước để đảm bảo người khiếm thị có thể tiếp cận thông tin về bảo hiểm tiền gửi nhiều hơn, như thông qua trang web của PIDM đã được cải tiến vào đầu năm nay, bao gồm các tính năng hỗ trợ phù hợp với những người khiếm thị.
Ông George Thomas - Giám đốc điều hành của MAB cho biết, MAB rất vinh dự khi được hợp tác với PIDM để mang lại hiểu biết về tài chính cho cộng đồng người khiếm thị, giúp họ có thể tự quản lý tài chính và sinh kế của mình.
Các mô-đun kiến thức tài chính được cung cấp như một phần của khóa đào tạo Sijil Kemahiran Malaysia tại MAB và có sẵn ở định dạng Braille và audio CD. Các mô-đun bao gồm các chủ đề về lập kế hoạch tài chính, lập ngân sách, quản lý nợ, các sản phẩm ngân hàng và bảo hiểm, cũng như kết hợp thông tin về hệ thống bảo vệ tiền gửi của PIDM và các gian lận tài chính.
Đĩa CD sẽ được phân phát cho sinh viên và thành viên của MAB, cũng như các trường học và thư viện với các trang thiết bị tích hợp dành cho người khiếm thị. Các thành viên của cộng đồng người khiếm thị chưa đăng ký với MAB cũng có thể yêu cầu nhận bản sao CD từ MAB.
PIDM đã khởi động chương trình hỗ trợ người khiếm thị thông qua MAB từ năm 2020 bằng việc hỗ trợ 1.000 bộ đồ dùng sử dụng cho việc chống dịch covid-19 cho người khiếm thị. Năm 2021, PIDM đã tài trợ 10 chiếc bút viết chữ nổi cơ học Perkins Brailler cho học sinh khiếm thị theo học các lớp dạy chữ và truyền thông, ngoài ra còn tài trợ 2.000 suất ăn đóng gói cho những người khiếm thị khi đi tiêm chủng và những người ở tuyến đầu chống dịch covid, 170 phần thức ăn cho các gia đình người khiếm thị.
PIDM cũng đang triển khai phần 2 của chương trình phổ biến kiến thức có tên SediaPayungKewangan từ 26/7/2022 đến ngày 30/9/2022. Công chúng được mời tham gia vào các hoạt động kỹ thuật số và trên thực địa của chiến dịch để tìm hiểu cách cải thiện khả năng phục hồi tài chính của mình. Chương trình này đặc biệt nhắm đến những người sinh ra từ khoảng năm 1980 đến những năm đầu thập niên 2000, những người độc thân hoặc những cặp vợ chồng đang đi làm để người dân chuẩn bị tốt hơn khi đối mặt với những thách thức và tình huống khẩn cấp về tài chính. Chương trình ra mắt vào năm 2021 và thu hút hơn 9,5 triệu lượt xem trên nhiều kênh truyền thông, nội dung là những chuỗi video của người gửi tiền với những trải nghiệm về tài chính thực tế, giúp người dân hiểu biết về các sản phẩm tài chính, rủi ro cũng như quyền lợi của mình. Điểm đặc biệt của chiến dịch lần này là chiếc máy tính SPK được phát miễn phí và không cần phải đăng ký. Đây là công cụ tương tác xem xét thu nhập và chi phí của cá nhân và thông báo số tiền họ cần tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Bất kỳ ai muốn xây dựng quỹ khẩn cấp đều có thể sử dụng máy tính SPK để đánh giá khả năng tài chính của chính họ.