Theo tờ Fox Business, đại diện FDIC khẳng định: “Kể từ khi tổ chức BHTG Mỹ ra đời vào năm 1933, người dân chưa phải chịu bất kỳ tổn thất nào đối với tiền gửi của họ”.
FDIC cũng cảnh báo về những gian lận và lừa đảo ngày một gia tăng trong bối cảnh Mỹ đang phải dồn lực đối phó với dịch bệnh do virus Corona gây ra. FDIC cho biết đã có sự gia tăng đáng kể các cuộc gọi, tin nhắn văn bản, thư và email từ những đối tượng lừa đảo giả danh là đại diện của tổ chức này, nhằm tuyên bố sai sự thật rằng các ngân hàng đang hạn chế tiếp cận tiền gửi, hoặc có vấn đề bảo mật với tiền gửi ngân hàng.
Ngoài ra, người gửi tiền cũng bị lừa về việc cung cấp thông tin cá nhân bao gồm số tài khoản ngân hàng, số an sinh xã hội, ngày sinh và các chi tiết khác có thể được sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.
Thành lập từ năm 1933 nhằm đối phó với hàng loạt vụ đổ vỡ ngân hàng trong thời kỳ Đại suy thoái, FDIC bảo vệ người gửi tiền với hạn mức lên tới 250.000 đô la Mỹ cho tiền gửi của người dân tại các ngân hàng liên bang.
"Tiền gửi của khách hàng vẫn an toàn trong các ngân hàng, họ cũng có toàn quyền tiếp cận tiền gửi của mình. Các ngân hàng tiếp tục cung cấp dịch vụ sử dụng ATM, dịch vụ qua điện thoại di động hoặc ngân hàng trực tuyến và nhiều ngân hàng còn tiếp tục cung cấp dịch vụ giao tiếp không dừng khi khách hàng giao dịch ngay cả khi vẫn ngồi trên xe (drive-through window)", cơ quan này cho biết.
Các ngân hàng không có nguy cơ đổ vỡ và số lượng ngân hàng trong danh sách "yếu kém" của FDIC đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.
Tuyên bố của FDIC được đưa ra trong bối cảnh lo ngại về sự bùng phát virus Corona và tác động của nó đối với nền kinh tế Hoa Kỳ. Những nỗ lực để giảm thiểu sự lây lan của Covid-19 đã dẫn đến hàng ngàn người bị sa thải, với mức cảnh báo số người Mỹ mất việc trong tháng 3 có thể vượt quá một triệu người, đe dọa sẽ đẩy quốc gia vào suy thoái sâu sắc.
Thị trường chứng khoán cũng giảm mạnh, xóa bỏ phần lớn lợi nhuận của nhà đầu tư trong ba năm qua.
Nhà Trắng và Quốc hội đã thông qua hai gói kích thích, bao gồm 8,3 tỷ đô la tài trợ cho các nỗ lực và nghiên cứu phòng chống dịch bênh, và một dự luật kéo dài thời gian nghỉ việc cho hầu hết người Mỹ và cung cấp xét nghiệm miễn phí đối với các trường hợp nghi nhiễm COVID-19.
Mỹ cũng đang tiến hành gói cứu trợ thứ ba có thể trị giá tới 1 nghìn tỷ đô la và sẽ bao gồm một khoản cứu trợ cho các ngành công nghiệp khó khăn như các hãng hàng không và hỗ trợ tiền mặt trị giá 1.000 đô la cho người dân Mỹ.