Sửa Luật BHTG - bảo vệ tốt hơn quyền lợi người gửi tiền
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN
BHTGVN cần tiếp tục rà soát, đề xuất cơ sở, nội dung sửa đổi, hoàn thiện Luật BHTG và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và bổ sung cơ chế để BHTGVN nâng cao năng lực tài chính, tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD.
Trong thời gian chờ sửa Luật, BHTGVN cần chủ động phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) đề xuất, nghiên cứu phương án, giải pháp để tham gia mạnh mẽ hơn trong việc cơ cấu lại quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) bằng nguồn lực của BHTG.
Nâng cao năng lực tài chính của BHTGVN thông qua các biện pháp: Đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư; tăng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030; đảm bảo nguồn thu từ phí BHTG; xây dựng cơ chế tiếp cận nguồn hỗ trợ trong trường hợp nguồn vốn của BHTGVN tạm thời không đủ để trả tiền bảo hiểm.
Ông Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
Kể từ khi Luật BHTG ra đời, sự vận động và phát triển của thị trường tài chính - ngân hàng Việt Nam đã khiến cho Luật BHTG bộc lộ một số bất cập.
Có thể kể đến một số nội dung như: Luật hiện hành chưa quy định rõ tiền gửi được bảo hiểm; phí BHTG không dựa trên rủi ro nên chưa khuyến khích đối với các định chế tốt và minh bạch thông tin trên thị trường tài chính; quy định về nghiệp vụ kiểm tra, giám sát của BHTGVN còn nhiều hạn chế; BHTGVN chưa có chức năng cao trong việc tham gia tái cơ cấu TCTD, đối với xử lý các TCTD yếu kém mới chỉ giới hạn ở hệ thống QTDND và tổ chức tài chính vi mô; vai trò vị trí và cơ chế phối hợp của BHTGVN với các cơ quan khác trong mạng lưới an toàn tài chính quốc gia chưa được luật hóa cụ thể.
Do đó, để nâng cao hiệu lực thực thi luật và phát huy hơn nữa vai trò của chính sách BHTG, việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG hiện nay là yêu cầu cấp thiết.
Ông Tạ Quang Đôn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN
Bên cạnh những mặt đạt được, Luật BHTG còn một số bất cập, cần thiết phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Một số quy định cần có sự đánh giá lại để phù hợp với tình hình và hệ thống pháp luật thời điểm hiện tại.
Mặt khác, một số quy định cần được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thống nhất với Luật Các TCTD sửa đổi (2017), cụ thể là các quy định để BHTGVN tham gia sâu hơn vào quá trình cơ cấu lại TCTD, đặc biệt là QTDND. Qua đó, tăng thêm nguồn lực cho hoạt động cơ cấu lại TCTD, đồng thời tạo cơ sở để BHTGVN thực hiện được các nhiệm vụ mới được giao cũng như phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò tổ chức bảo đảm quyền lợi cho người gửi tiền tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, NHNN cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về BHTG, cụ thể là sửa Luật BHTG để BHTGVN tham gia có hiệu quả vào cơ cấu lại các TCTD, trước mắt là đối với QTDND.
Bên cạnh đó, nghiên cứu trao thêm quyền hạn phù hợp để BHTGVN ngày càng đảm nhận tốt hơn vai trò, trọng trách bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, duy trì an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD.
Về lâu dài, cần nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, tiềm lực tài chính cũng như thể chế để BHTGVN có thể xử lý hiệu quả các ngân hàng có tổng tài sản ở mức trung bình trở xuống khi cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Tôi cho rằng, điều đầu tiên cần khắc phục của Luật BHTG thời gian tới là sự mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật điều chỉnh hoạt động tiền tệ, ngân hàng; để qua đó hệ thống các TCTD tại Việt Nam sẽ vận hành thuận lợi, dễ dàng, lành mạnh, từng bước nâng cao niềm tin của người dân đối với các TCTD.
Tiếp đến, để BHTGVN tiếp tục phát huy các nhiệm vụ được giao tại Luật Các TCTD sửa đổi 2017, cũng như tại một số văn bản khác. Trong khi Luật BHTG chưa được sửa đổi, bổ sung, nên chăng có những quy định thấp hơn Luật, thậm chí thấp hơn Nghị định để tạo điều kiện cho BHTG thực hiện tốt vai trò của mình. Chẳng hạn, nâng cao năng lực tài chính, đầu tư phát triển công nghệ để tăng cường khả năng giám sát thông tin. Bởi vì trong hoạt động ngân hàng, thông tin không đầy đủ, không chính xác, không kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự lành mạnh của hệ thống các TCTD.
Ông Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế
Bên cạnh nghiệp vụ chi trả BHTG, BHTGVN còn dùng nguồn lực tài chính của mình cho vay đặc biệt khi tham gia KSĐB các QTDND theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2017; Khoản 13 Điều 13 Luật Bảo hiểm tiền gửi và Quyết định số 593/QĐ-BHTG ngày 7/9/2018, cũng như hướng dẫn thực hiện quy chế về cho vay đặc biệt đối với TCTD được KSĐB số 1327/HD-BHTG ngày 29/10/2019.
Với phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTGVN cần phối hợp với NHNN đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các quy định có liên quan trong việc phát huy vai trò, sử dụng nguồn lực của BHTG để hỗ trợ, xử lý các QTDND yếu kém, đảm bảo an toàn hệ thống QTDND.
Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức người dân về BHTG
Ông Đỗ Đức Hồng Hà – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội
BHTGVN thời gian qua đã có đóng góp tích cực trong việc triển khai chính sách BHTG, góp phần thúc đẩy phát triển kênh huy động tín dụng chính thức vào hệ thống ngân hàng, chung tay cùng Chính phủ, NHNN trong công cuộc đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
Đặc biệt, chính sách BHTG cần được truyền thông rộng rãi. Tôi được biết BHTGVN còn xây dựng Cẩm nang BHTG cho người gửi tiền để người dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu chính sách.
Thời gian tới, BHTGVN cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHTG, “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, trong đó chú trọng tạo sức lan tỏa chính sách tới người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa.
Tăng cường kết nối với các QTDND, tổ chức tài chính vi mô để truyền thông chính sách BHTG. Từ đó, củng cố niềm tin của người gửi tiền, gia tăng nguồn vốn cho các QTDND, tổ chức tài chính vi mô; kết hợp đồng bộ các chính sách khác để các QTDND, tổ chức tài chính vi mô có điều kiện phát triển an toàn, lành mạnh và hiệu quả; là địa chỉ tin cậy để người dân, nhất là người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa gửi /vay tiền, dần loại bỏ nạn “tín dụng đen” ra khỏi đời sống.
Ông Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an
Theo tôi, tới đây cần thường xuyên đánh giá, tổng kết để từ đó nâng tầm chính sách, các quy định về BHTG, bảo vệ tốt hơn người gửi tiền. Người dân phải nhận thấy, thông qua các quy định về BHTG, họ thực sự được bảo vệ. Chẳng hạn, hạn mức trả tiền BHTG cần được định kỳ xem xét, có sự điều chỉnh phù hợp với thực tế tình hình kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường…
Mặt khác, cần mở rộng kênh truyền thông để người gửi tiền - người dân biết, hiểu về BHTG cũng như các thông tin liên quan đến hoạt động tiền gửi, giao dịch ngân hàng. Khi được thông tin một cách đầy đủ - kịp thời - chính thống, họ sẽ có lựa chọn đúng thay vì dễ dàng sa vào những cái bẫy tín dụng phi chính thức, trong đó có hoạt động tín dụng đen.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
BHTGVN cũng như các tổ chức tham gia BHTG cần đẩy mạnh công tác truyền thông, để mọi người dân hiểu được đầy đủ hơn chính sách của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi của họ khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Điều này sẽ giúp người dân cẩn trọng, lựa chọn gửi tiền tại các tổ chức nhận tiền gửi hợp pháp, có uy tín thay vì chỉ quan tâm đến lãi suất.
Các tổ chức tham gia BHTG ngoài việc quảng bá sản phẩm dịch vụ mới, cần tăng cường phối hợp với BHTGVN trong quá trình cấp lại Chứng nhận tham gia BHTG liên quan đến hạn mức BHTG; triển khai các hoạt động truyền thông chính sách BHTG trên các ấn phẩm, sản phẩm của ngân hàng. Đồng thời, tại nơi giao dịch bắt buộc phải niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG để người gửi tiền nắm rõ quyền lợi hợp pháp của mình khi gửi tiền tại các TCTD.
Đối với BHTGVN, mục tiêu cơ bản là bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Để nâng cao niềm tin của công chúng, trong thời gian tới, BHTGVN cần tiếp tục củng cố năng lực tài chính, nâng cao chất lượng hoạt động nghiệp vụ; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, kết hợp phổ biến kiến thức tài chính và BHTG đến người gửi tiền.
Ông Hà Huy Tuấn - Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia
Tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG là nghiệp vụ quan trọng trên thị trường tài chính trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là đối với người gửi tiền - lực lượng chiếm số đông trong tầng lớp nhân dân, nhưng lại dễ bị tổn thương trước các thông tin sai lệch trong hoạt động ngân hàng.
Thời gian qua, BHTGVN đã xây dựng và phát triển có hiệu quả nhiều sản phẩm truyền thông, trong đó có 2 kênh truyền thông chính thức là website và Bản tin BHTG nhằm truyền tải tiếng nói của tổ chức, cũng như trở thành diễn đàn thu hút nhiều đối tượng công chúng và là nguồn thông tin tham khảo của người gửi tiền cũng như các cơ quan có liên quan.
Trong thời gian tới, để ngày càng góp phần củng cố niềm tin người gửi tiền vào hoạt động của hệ thống các TCTD, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm, công cụ truyền thông đã làm tốt thời gian qua, BHTGVN cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức công chúng, đặc biệt là lựa chọn hình thức chuyển tải nội dung chính sách trực quan, gần gũi, dễ hiểu, giúp công chúng dễ dàng tiếp nhận và tạo sức lan tỏa lớn hơn nữa.
Bà Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia
Một nội dung theo tôi rất quan trọng trong Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đó là “nhận thức công chúng”. Để thực hiện nhiệm vụ chính trị là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần bảo đảm hoạt động an toàn của các tổ chức tín dụng, giữ gìn niềm tin của công chúng đối với hệ thống ngân hàng, BHTGVN cần xác định mức độ nhận thức mục tiêu, đồng thời coi đây là tiền đề để tiếp tục đẩy mạnh truyền thông trong giai đoạn tiếp theo.
Bà Tạ Thị Anh – Phó Giám đốc QTDND Hùng Việt, Cẩm Khê, Phú Thọ
Tôi mong muốn việc tuyên truyền, quảng bá chính sách BHTG ngày càng được thực hiện mạnh mẽ nhằm đem chính sách BHTG, hình ảnh của BHTGVN tới với người dân một cách sâu rộng hơn, để công tác huy động tiền gửi của các QTDND cũng như của các NHTM sẽ dễ dàng, hiệu quả hơn..
BHTGVN có thể phát huy việc tổ chức các sự kiện truyền thông có sự tham gia của người gửi tiền và tổ chức tín dụng nơi người dân gửi tiền, bởi đây là những cơ hội để người dân được trực tiếp nghe cán bộ BHTGVN giới thiệu một cách toàn diện, cụ thể các quy định của pháp luật về BHTG, các cơ chế bảo vệ người gửi tiền, để người dân càng tin tưởng vào chính sách của Đảng, Chính phủ, yên tâm với sự bảo vệ của NHNN và BHTGVN, yên tâm vào hoạt động an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng
Cuối cùng, chúng tôi rất mong BHTGVN sẽ đóng vai trò hạt nhân để lan tỏa chính sách BHTGVN rộng rãi hơn nữa, thông qua các tổ chức tham gia BHTG tới người gửi tiền. Có như vậy, chính sách BHTG sẽ phát huy tối đa hiệu quả là một công cụ an dân.