Theo nội dung báo cáo, việc chi trả được tiến hành trên cơ sở Dữ liệu dành riêng cho người gửi tiền (SDV) - nguồn thông tin giúp xác định tiền gửi thuộc đối tượng được bảo hiểm và trách nhiệm của Ngân hàng SME đối với người gửi tiền. Ngoài ra, thời gian chi trả người gửi tiền đủ điều kiện cũng đã được rút ngắn.
“Mặc dù sự cố đổ vỡ tại một ngân hàng nhỏ có thể khiến người gửi tiền lo lắng, tuy nhiên, với sự hiện diện kịp thời và vận hành hiệu quả của mô hình bảo hiểm tiền gửi có thể được coi như một lưới an toàn tài chính để bảo vệ cho họ” - báo cáo nhấn mạnh.
Được biết, DPC hiện đang bảo vệ cho 98% trên tổng số 74 triệu người gửi tiền tại các ngân hàng thương mại theo lịch trình tại Pakistan với hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên tới 500.000 Pakistan Rupee (tương đương 1.764 đô la Mỹ) trong trường hợp xảy ra đổ vỡ. Theo số liệu thống kê, tiền gửi tại các tổ chức thành viên tại thời điểm cuối tháng 6/2023 đã đạt 25,6 nghìn tỷ Rs (tương đương 90,5 tỷ đô la Mỹ) - mức cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, lượng tiền gửi đủ điều kiện được bảo hiểm tương đương 14 nghìn tỷ Rs. Tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại Pakistan giảm từ mức 15% cùng kỳ năm 2022 xuống 12% trong năm 2023.
Tính đến 30/6/2023, 98,9% người gửi tiền tại các ngân hàng thông thường và 98,7% người gửi tiền tại các ngân hàng Hồi giáo đủ điều kiện được bảo hiểm tiền gửi trong trường hợp đổ vỡ ngân hàng. Về mặt giá trị, tương đương 52% tổng tiền gửi tại các ngân hàng thông thường và 63% tiền gửi tại các ngân hàng Hồi giáo thuộc đối tượng được bảo hiểm tiền gửi. Trong đó, các khoản tiền gửi đủ điều kiện được bảo vệ toàn bộ lần lượt là 13% tại các ngân hàng thông thường và 10% tại các ngân hàng Hồi giáo.
TH