Điều chỉnh hạn mức BHTG để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền
Anh: Tăng hạn mức BHTG lên 85.000 bảng Anh
Việc đồng bảng Anh mất giá so với đồng tiền trong khu vực và đồng đô la Mỹ sau sự kiện nước Anh bỏ phiếu rút khỏi EU đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người gửi tiền ở nước này, vì vậy, Ngân hàng trung ương Anh đã đưa ra các kế hoạch nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền, trong đó đáng chú ý là việc nâng hạn mức tiền gửi được bảo hiểm. Theo đó, bắt đầu từ ngày 30/1/2017, hạn mức bảo hiểm cho người gửi tiền là cá nhân có tiền gửi tại các ngân hàng, hiệp hội xây dựng và hiệp hội tín dụng ở Anh được tăng từ 75.000 bảng Anh, lên mức 85.000 bảng Anh (tương đương 102.548 USD). Hạn mức mới này sẽ bảo vệ được khoảng 500.000 người gửi tiền, chiếm khoảng 98% số người gửi tiền ở Anh.
Được biết, hạn mức 85.000 bảng Anh từng được áp dụng trong vòng gần 5 năm, cho đến tháng 7/2015. Vào tháng 7/2015 hạn mức được giảm xuống mức 75.000 bảng Anh nhằm giữ cho hạn mức BHTG ở Anh phù hợp với các nước khác trong khối EU, khi đồng bảng Anh mạnh lên vào thời điểm này.
Singapore: Lên kế hoạch sớm tăng hạn mức BHTG
Đầu tháng 8/2017, Cục tiền tệ Singapore (MAS) đã công bố và lấy ý kiến về dự thảo đề xuất củng cố Cơ chế BHTG tại nước này. Việc lấy ý kiến này diễn ra từ 4/8 đến 4/9.
Theo đó, dự thảo đề xuất tăng hạn mức BHTGtừ 50.000 đô-la Singapore hiện tại lên 75.000 đô-la Singapore. Lần tăng hạn mức gần đây nhất là từ 20.000 lên 50.000 đô-la Singapore vào năm 2011. Khi đó, hạn mức 50.000 đô-la Singapore chi trả toàn bộ cho khoảng 91% người gửi tiền được bảo hiểm.
Từ năm 2011 tới nay quy mô tiền gửi đã tăng trưởng đáng kể khiến cho tỉ lệ được chi trả toàn bộ đã giảm xuống còn 87%. Theo MAS, đề xuất tăng hạn mức bảo hiểm tiền gửi lên 75.000 đô-la Singapore sẽ khôi phục tỉ lệ được chi trả toàn bộ lên mức trên 90% - phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Hạn mức mới, nếu được thông qua, sẽ sớm được áp dụng vào năm 2018 tại Singapore.
Đổi mới, tăng cường chính sách, cơ chế hoạt động của hệ thống BHTG nhằm góp phần ổn định tài chính
Canada: Tổng Công ty BHTG Canada được chính thức bổ sung nhiệm vụ xử lý các ngân hàng lớn nhất Cananda
Việc bổ sung này công nhận chính thức vai trò của Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) trong việc xử lý các tổ chức tài chính tham gia BHTG – đặc biệt là các ngân hàng lớn nhất Canada – nhằm bảo vệ người gửi tiền, duy trì dòng dịch vụ tài chính, bảo vệ nền kinh tế và giảm thiểu rủi ro xảy ra cho người đóng thuế. Việc sửa đổi bổ sung nhiệm vụ của CDIC là một phần của Đạo luật thực hiện ngân sách 2017, trong đó yêu cầu các ngân hàng lớn nhất Canada nộp kế hoạch xử lý cho CDIC.
Việc bổ sung quyền hạn và công cụ giúp CDIC ổn định các ngân hàng lớn gặp khó khăn và phân bổ thiệt hại cho các cổ đông và chủ nợ của ngân hàng nếu ngân hàng đổ vỡ, chứ không phải người gửi tiền và người đóng thuế. Công cụ mới cho CDIC bao gồm quyền tạo ngân hàng bắc cầu, tăng cường khả năng tái cơ cấu, áp dụng cơ chế tự cứu trợ (bail-in) để tái cấp vốn cho ngân hàng lớn có nguy cơ đổ vỡ.
Nam Phi: Lên kế hoạch thành lập hệ thống BHTG
Thời gian qua, một số ngân hàng ở Nam Phi bị đổ vỡ trong khi nước này chưa có cơ chế để bảo vệ người gửi tiền, vì vậy Ngân hàng Trung ương Nam Phi (Ngân hàng Dự trữ Nam Phi– SARBarb) và Bộ tài chính đã xác định cần thành lập một hệ thống BHTG. Hiện nay, hệ thống BHTG ở Nam Phi đang dần thành hiện thực như một phần của luật mới để điều chỉnh các tổ chức tài chính. Vào tháng 5/2017, SARB đã xuất bản trên website của mình một bài thảo luận nhan đề “Thiết kế một hệ thống BHTG cho Nam Phi” để lấy ý kiến góp ý của công chúng. Theo tuyên bố của SARB, hệ thống BHTG của Nam Phi nhằm đảm bảo rằng, khi ngân hàng đổ vỡ, những khách hàng dễ tổn thương nhất, hay những khách hàng ít có khả năng nhất trong việc bảo vệ bản thân thông qua các biện pháp như đa dạng hóa, cấu trúc tài chính, hoặc các biện pháp quản lý rủi ro phức tạp khác không phải chịu một cách bất hợp lý chi phí của việc đổ vỡ ngân hàng.
Ấn Độ: Chính phủ thông qua Dự luật xử lý tài chính và BHTG 2017 để trình Quốc hội
Tháng 6/2017, Chính phủ liên hiệp Ấn Độ đã thông qua Dự luật Xử lý tài chính và BHTG2017 (FRDI) để trình Quốc hội. Vào đầu tháng 9/2017, Dự luật đã được chuyển cho Ủy ban Liên viện của Thượng viện và Hạ viện Quốc hội xem xét, rà soát để báo cáo Quốc hội.
FRDI là luật xử lý phá sản riêng nhằm tới các vụ mất thanh khoản và phá sản của các công ty trong lĩnh vực tài chính, với đối tượng áp dụng là tất cả các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm các ngân hàng, các công ty tài chính phi ngân hàng, các tổ chức tài chính vi mô và các công ty bảo hiểm. Dự luật này tương tự như Luật vỡ nợ và phá sản 2016 được thực thi từ năm 2016 nhằm xử lý các vấn đề liên quan tới vỡ nợ và phá sản của các công ty trong tất cả các lĩnh vực, trừ lĩnh vực tài chính.
Mục tiêu chính của FRDI là đảm bảo phát hiện sớm một tổ chức tài chính gặp vấn đề và cung cấp cơ chế xử lý nhằm giảm thiểu tác động của vấn đề đó tới người gửi tiền và toàn bộ nền kinh tế đất nước. FRDI là một khung quy định cơ chế xử lý một số loại hình nhà cung cấp dịch vụ tài chính và việc thành lập Công ty xử lý nhằm duy trì sự ổn định và sức khỏe của hệ thống tài chính Ấn Độ. Ngoài ra, Tổng công ty cũng có chức năng bảo vệ các khách hàng của các tổ chức tài chính và các quỹ tới một mức nhất định. Vì vậy, sau khi Luật này được ban hành, Tổng công ty Bảo đảm tín dụng và BHTG (DICGC) sẽ được giải thể và tất cả các chức năng của Tổng công ty này sẽ được Tổng công ty xử lý thực hiện.
Azerbaijan: Xem xét áp dụng mô hình tính phí BHTG mới theo mức độ rủi ro
Azerbaijan đang xem xét việc áp dụng mô hình CAMELS để tính phí bảo hiểm tiền gửi theo mức độ rủi ro. Theo mô hình này, các cơ quan giám sát sẽ tính điểm xếp hạng cho mỗi ngân hàng theo một thang điểm, trong đó số điểm xếp hạng 1 được xem là tốt nhất, và mức xếp hạng 5 là tệ nhất đối với mỗi yếu tố đánh giá. Các ngân hàng nhận được số điểm trung bình ít hơn 2 được coi là có chất lượng tốt, nhiều hơn 3 được xếp vào loại có chất lượng không tốt.
Việc lên kế hoạch áp dụng mô hình này là đề xuất nằm trong khuôn khổ cải thiện hệ thống BHTG thuộc một báo cáo theo dõi việc thực hiện các giải pháp trong Lộ trình chiến lược phát triển ngành dịch vụ tài chính.
Mô hình đề xuất đã được gửi cho các chuyên gia phân tích trong khuôn khổ giai đoạn hai của Dự án “Hiện đại hóa khu vực tài chính của Azerbaijan” do Ngân hàng thế giới tài trợ. Theo trích dẫn từ báo cáo, các chuyên gia đã đánh giá tích cực việc áp dụng mô hình CAMELS vào tính phí BHTGvà đã góp một số ý kiến để thúc đẩy việc áp dụng.
Báo cáo này cũng cho biết việc rà soát chỉnh sửa Luật BHTG đã được khởi động và các đề xuất chỉnh sửa sẽ được đem ra thảo luận tại kỳ họp mùa thu của Quốc hội Azerbaijan.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức công chúng về quyền lợi người gửi tiền và phổ biến kiến thức tài chính
Philippines: Cảnh báo công chúng về trò quay thưởng gian lận
Tổng Công ty BHTG Philippines (PDIC) đã cảnh báo công chúng về một trò chơi quay thưởng được thiết kế nhằm lừa người dân bỏ tiền vào trò chơi mà việc quay thưởng không hề có thật. PDIC cho biết, trong trò gian lận này, các nạn nhân nhận được cuộc gọi về việc trúng giải thưởng bằng tiền trong lần quay thưởng do một mạng truyền thông thực hiện. Người bị lừa sau đó sẽ được yêu cầu trả một số tiền nhất định “cho mục đích bảo hiểm từ PDIC” qua một đại lý chuyển tiền. Theo thông báo của PDIC, PDIC không hề liên quan tới bất cứ một trò quay số hay các cuộc thi nào của các mạng truyền thông và các tổ chức khác.
Thông báo của PDIC cũng cung cấp số điện thoại, emai, địa chỉ facebook để người dân có thể cung cấp thông tin về các trò gian lận hoặc có khả năng gian lận cho PDIC.
Mỹ: Khuyến khích người tiêu dùng sử dụng tiết kiệm tự động
Nhân Tuần lễ Nước Mỹ tiết kiệm (từ 27/02 – 04/3/2017), Tổng công ty BHTGliên bang Mỹ (FDIC) khuyến khích người tiêu dùng tiết kiệm bằng cách sử dụng dịch vụ tiết kiệm tự động để đạt được những mục tiêu tài chính. Cụ thể, sau một đơn vị thời gian, một khoản tiền gửi nhỏ được gửi tự động đến tài khoản tiết kiệm hay tài khoản hưu trí của người tiêu dùng sẽ được hưởng lãi suất kép.
Đây là cơ hội dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi. Cha mẹ và người giám hộ cho trẻ được khuyến khích để có thể hướng dẫn trẻ học cách tiết kiệm thông qua thiết lập hay gia tăng tích lũy tài khoản tiết kiệm với ngân hàng.
Nigeria: Hướng dẫn học sinh cách tiết kiệm cho tương lai
Tổng công ty BHTG Nigeria (NDIC) đánh dấu sự kiện Ngày tiết kiệm thế giới năm 2017 bằng việc hướng dẫn học sinh cách tiết kiệm vì những lợi ích trong tương lai.
NDIC tổ chức sự kiện này cho các học sinh đến từ khoảng 16 trường trung học ở bang Nasarawa và vùng thủ đô liên bang (FCT). Theo NDIC, học sinh trung học dù đang chịu sự phụ thuộc về mặt tài chính, nhưng lại dễ bị những cám dỗ và tác động bởi những yếu tố bên ngoài, nên việc giáo dục học sinh biết cách tiết kiệm đúng cách không chỉ giúp các em vượt qua những khó khăn về mặt tài chính, mà còn trang bị những kiến thức cần thiết để các em giải quyết những vấn đề thường gặp như học phí, chi tiêu hàng ngày, chăm sóc bản thân và gia đình…, và hơn hết là các em sẽ có được sự độc lập về mặt tài chính trong tương lai. Các chuyên gia của NDIC đã đưa ra những lời khuyên hữu ích để giúp học sinh tiết kiệm như hạn chế chi tiêu không cần thiết, gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tài chính đáng tin cậy, đồng thời cũng cảnh giác với những chương trình tiết kiệm không được tổ chức hợp pháp, hay có dấu hiệu lừa đảo, tham gia vào câu lạc bộ tiết kiệm tại trường học.
Hợp tác quốc tế về BHTG được tăng cường và mở rộng
Canada thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin về ngân hàng đổ vỡ với Mỹ
Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) đã ký thỏa thuận về chia sẻ thông tin với Văn phòng kiểm soát tiền tệ (OCC) của Mỹ để tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong trường hợp một tổ chức lớn, phức tạp, có quy mô hoạt động tại hai nước xảy ra đổ vỡ.
Cơ chế này điều chỉnh hoạt động phối hợp giữa CDIC và OCC nhằm xử lý khủng hoảng, lập kế hoạch dự phòng tại thời điểm bình thường và khi xảy ra khủng hoảng.
Mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới trong xử lý ngân hàng là một trong những đặc điểm cơ bản của một hệ thống xử lý hiệu quả đối với các tổ chức tài chính lớn, theo nhận định của Ủy ban Ổn định tài chính.
Cơ chế này tương tự như các thỏa thuận khác được CDIC thiết lập với các tổ chức BHTG và cơ quan giám sát tại các nước lớn nhằm gia tăng quan hệ hợp tác, chia sẻ thông tin và xử lý khủng hoảng. CDIC sẽ tiếp tục nỗ lực thiết lập với các đối tác trong và ngoài nước nhằm củng cố và nâng cao mối quan hệ hợp tác xuyên biên giới.
Ủy ban xử lý thống nhất của EU và Tổng Công ty BHTG Mỹ thỏa thuận về chia sẻ thông tin và xử lý tổ chức tài chính xuyên biên giới
Ủy ban xử lý thống nhất của EU (SRB) và Tổng Công ty BHTG Mỹ (FDIC) thông báo đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm chia sẻ thông tin và hợp tác trong việc lập chính sách và lên kế hoạch xử lý đối với các tổ chức tài chính xuyên quốc gia. Thỏa thuận có hiệu lực từ tháng 9/2017.
Thỏa thuận nhấn mạnh trong bối cảnh mà hệ thống tài chính toàn cầu có sự liên kết chặt chẽ, việc hợp tác giữa SRB và FDIC là cần thiết nhằm thúc đẩy ổn định tài chính khi có sự đổ vỡ của một tổ chức tài chính. Mặc dù không mang tính ràng buộc về pháp lý, nhưng Thỏa thuận này thiết lập khuôn khổ chung cho sự hợp tác và các nguyên tắc được thiết kế để thúc đẩy việc xử lý của SRB và FDIC. Thỏa thuận cũng thiết lập các chính sách và thủ tục điều chỉnh quan hệ giữa SRB và FDIC, bao gồm phạm vi, việc sử dụng thông tin được chia sẻ giữa 2 tổ chức và các cơ chế mà mỗi tổ chức có thể sử dụng để thực hiện việc tư vấn, hợp tác và chia sẻ thông tin.
Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc hợp tác với Ngân hàng Thế giới phát triển các hệ thống BHTG
Tổng công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với Ngân hàng Thế giới nhằm hợp tác phát triển các hệ thống BHTG và nâng cao năng lực của các nước đang phát triển.
MOU này được ký kết theo đề nghị của một số nước khu vực Châu Á Thái Bình Dương như Indonesia và Philippines, những nước đánh giá cao hệ thống BHTG của Hàn Quốc và kinh nghiệm phản ứng với khủng hoảng tài chính của KDIC. Những nước này đề nghị KDIC thông qua Ngân hàng Thế giới, chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình.
Theo nội dung MOU, KDIC và Ngân hàng Thế giới sẽ thực hiện một loạt dự án dành cho chính phủ và các tổ chức BHTG tại các nước đang phát triển. Phạm vi của các dự án bao gồm tư vấn hệ thống, hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực.
Tổng Công ty BHTG Nigeria thực hiện chương trình xây dựng năng lực cho cán bộ cao cấp của Tổng Công ty BHTG Ghana).
Tổng Công ty BHTG Nigeria (NDIC) đã tổ chức chương trình xây dựng năng lực dành cho các cán bộ cao cấp của Tổng Công ty Bảo vệ tiền gửi Ghana (GDPC). Đây là một phần trong nỗ lực của NDIC để giúp các nước thành viên Tiểu vùng Tây Phi nắm được vai trò của hệ thống BHTG trong việc đảm bảo sự ổn định hệ thống tài chính.
Các cấu phần của chương trình xây dựng năng lực được thiết kế để đề cập đến các chủ đề rộng và có tính chiến lược, gồm: vai trò của hệ thống BHTG trong việc thúc đẩy ổn định tài chính, sự thành lập hệ thống BHTG tại Nigeria; cơ sở, cấu trúc quản trị và nhiệm vụ cốt lõi; các đặc điểm thiết kế của hệ thống BHTG tại Nigeria; địa vị pháp lý và khung chính sách cho hệ thống BHTG tại Nigeria; xác định phạm vi, hạn mức BHTG; nguồn vốn cho hệ thống BHTG tại Nigeria; đánh giá rủi ro của các tổ chức tài chính tham gia BHTG; tổng quan về hoạt động tăng cường nhận thức công chúng, giáo dục tài chính và các sáng kiến giáo dục của NDIC; quản lý tài sản trong xử lý ngân hàng đổ vỡ và hợp tác quốc tế; Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI) và các hệ thống BHTG trên thế giới.
Những diễn biến trên cho thấy, trong năm qua, các hệ thống BHTG quốc tế đã được chú ý tăng cường củng cố rõ rệt, qua đó góp phần bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích của người gửi tiền cũng như góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia cũng như khu vực. Việc tăng cường, củng cố các hệ thống BHTG được thực hiện thông qua nhiều biện pháp đa dạng, tùy tình hình và điều kiện thực tế ở mỗi quốc gia như: thành lập mới hệ thống BHTG; xây dựng và thông qua luật tạo hành lang pháp lý cho BHTG; điều chỉnh chính sách BHTG, mở rộng, bổ sung nhiệm vụ cho hệ thống BHTG, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức tài chính và BHTG hay tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia để nâng cao năng lực, vai trò của tổ chức BHTG… Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống BHTG đáp ứng được các thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội mỗi nước, qua đó giúp hệ thống BHTG hoạt động ngày một hiệu quả hơn.