Trách nhiệm xã hội của ngân hàng cần được khai thác, đầu tư và thúc đẩy
Hoạt động ngân hàng theo nghĩa hiện đại đã phát triển từ thế kỷ 14 tại các thành phố giàu có của Ý thời Phục hưng. Ngân hàng, ở mức độ khác nhau, đã thực hiện trách nhiệm xã hội. Mặc dù vậy, nghiên cứu về khía cạnh này trong hoạt động ngân hàng mới được triển khai từ năm 2002 và tập trung ở các quốc gia phát triển. Mảng trống nghiên cứu về trách nhiệm xã hội của quản trị ngân hàng cần được khai thác, đầu tư và thúc đẩy.
Hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) được khởi xướng đầu tiên ở Mỹ, và chính thức được công nhận và triển khai phổ biến ở Mỹ năm 1934. Tới nay, hoạt động BHTG đã phổ cập tại hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, và ngày càng chứng tỏ hiệu quả thiết thực trong bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, góp phần tích cực kiểm soát rủi ro trong hoạt động ngân hàng.
Thực hiện trách nhiệm xã hội mang lại 4 lợi thế cho ngân hàng:
(1) Cải thiện môi trường làm việc: Mang đến sự khích lệ cho đội ngũ làm việc, làm cho họ có lý do để tự hào về ngân hàng mình làm việc;
(2) Phát triển kinh doanh: Xây dựng đội ngũ nhân sự để khai thác khía cạnh kinh doanh mới (ví dụ: phát hành cổ phiếu cho dự án về bảo vệ môi trường, dự án về năng lượng sạch…);
(3) Thu hút nhóm khách hàng mới, khách hàng hướng tới hoạt động vì cộng đồng, không thuần túy vì mục tiêu lợi nhuận;
(4) Cải thiện hình ảnh của ngân hàng trong cộng đồng: Mặc dù khủng hoảng ngân hàng ảnh hưởng tới hình ảnh ngân hàng, nhưng các hoạt động cho tiêu chí trách nhiệm xã hội sẽ tăng cường uy tín và hình ảnh của ngân hàng trong cộng đồng.
Nghiên cứu của Simpson và Kohers (năm 2002) về các ngân hàng ở Mỹ giai đoạn 1993-1994 cho kết quả về mối liên hệ chặt chẽ giữa mức độ đáp ứng trách nhiệm xã hội của ngân hàng với cải thiện kết quả kinh doanh, giảm nợ xấu. Nghiên cứu của Wu và Shen (năm 2013) với quy mô lớn, 162 ngân hàng từ 22 quốc gia trong giai đoạn 2003-3009, cho thấy hoạt động ngân hàng gắn liền với thực hiện trách nhiệm xã hội cho kết quả tích cực về cải thiện lợi nhuận và giảm mức độ nợ khó thu hồi.
Bảo hiểm tiền gửi thúc đẩy sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động ngân hàng
Hoạt động ngân hàng đảm bảo duy trì tính ổn định, an toàn, còn trách nhiệm xã hội đòi hỏi xử lý rủi ro phát sinh từ hoạt động ngân hàng một cách có trách nhiệm và hiện thực; tính minh bạch đối với khách hàng và đối tác có liên quan về quản trị và dịch vụ cung ứng, luôn đảm trách nhiệm vụ cốt lõi là “xương sống” của nền kinh tế (Febelfin, 2012). Sự xuất hiện của BHTG phản ánh tính trách nhiệm xã hội của hoạt động ngân hàng, được cụ thể hóa bằng mức độ trách nhiệm trực tiếp đối với người gửi tiền và gián tiếp đối với sự phát triển ổn định và bền vững của hoạt động ngân hàng.
Các nội dung cơ bản của chính sách BHTG cho phép ngân hàng thực hiện trách nhiệm với người gửi tiền - đối tượng tin tưởng trao tài chính của mình cho ngân hàng kinh doanh. Điều kiện tham gia BHTG, loại tiền gửi được bảo hiểm, phí bảo hiểm, hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi, quy trình, thủ tục chi trả, hoạt động giám sát, kiểm tra của tổ chức BHTG, phổ cập chính sách BHTG, và tổ chức BHTG tham gia giải quyết khó khăn cho ngân hàng huy động tiền gửi là những nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. Mức độ thực hiện các nội dung này phản ánh mức độ đáp ứng tiêu chí đạo đức và trách nhiệm xã hội của hoạt động ngân hàng, xét trên góc độ người gửi tiền.
Tham gia BHTG là điều kiện bắt buộc đối với tất cả các ngân hàng có huy động tiền gửi. Quy định này loại bỏ rủi ro chọn nhầm đối tượng trong tham gia BHTG. Thông thường ngân hàng hoạt động an toàn, lợi nhuận ổn định sẽ có khuynh hướng không muốn tham gia BHTG để giảm chi phí. Còn ngân hàng hoạt động với độ rủi ro cao hơn, uy tín trên thị trường đang trong quá trình củng cố và xây dựng lại mong muốn tham gia BHTG để cải thiện hình ảnh, tăng cường niềm tin từ cộng đồng, tăng khả năng huy động tiền gửi. Với quy định bắt buộc các ngân hàng có huy động tiền gửi phải tham gia BHTG, hai loại ngân hàng này đều bình đẳng về trách nhiệm tham gia BHTG.
Nguồn thu phí BHTG từ tất cả các ngân hàng thành viên hình thành nên quỹ BHTG, được dùng để chi trả cho người gửi tiền trong tình huống có ngân hàng đóng cửa mà không đủ khả năng trả tiền gửi và các trách nhiệm tài chính khác cho khách hàng. Hơn nữa, với sự tham gia của tất cả các ngân hàng có huy động tiền gửi, quỹ BHTG sẽ có khả năng chi trả cho số lượng lớn người gửi tiền ở ngân hàng đóng cửa. Điều này giảm đáng kể khả năng rủi ro xảy ra ở diện rộng, liên quan tới nhiều ngân hàng.
Loại tiền gửi được bảo hiểm thông thường được thiết kế tùy thuộc vào mức độ phát triển hoạt động ngân hàng của mỗi quốc gia. Đối với quốc gia có hệ thống ngân hàng phát triển lâu đời, chuẩn hóa, đồng tiền quốc gia có tính chuyển đổi ở mức cao, có thương hiệu trên thị trường và nhu cầu bảo vệ đồng nội tệ không đặt ra nhiệm vụ lớn cho hệ thống ngân hàng quốc gia thì loại tiền gửi được bảo hiểm có thể xem xét tới ngoại tệ. Cho tới nay, tiền gửi là ngoại tệ chưa được nhiều quốc gia xem xét đưa vào danh sách tiền gửi được bảo hiểm. Hầu hết các quốc gia triển khai chính sách BHTG đều tập trung sự bảo vệ đối với đồng tiền nội địa, là cơ sở bền vững cho ổn định kinh tế, chính trị và xã hội.
Phí bảo hiểm tiền gửi được xác định theo hai hình thức: Phí tham gia (phí thành viên) thường được tính và nộp vào thời điểm ngân hàng được chấp nhận tham gia BHTG, và phí đóng góp thường xuyên. Hình thức phí thành viên rất ít được áp dụng, mà phổ biến là phí đóng góp thường xuyên. Có hai cách tính phí thường xuyên, đó là tính theo một tỷ lệ đồng hạng cho tất cả các ngân hàng tham gia BHTG và tính theo tỷ lệ phân biệt theo mức độ rủi ro được đánh giá cho từng ngân hàng. Trong giai đoạn mới triển khai BHTG, hầu hết các quốc gia đều lựa chọn tỷ lệ phí đồng hạng để tính mức phí phải đóng của mỗi ngân hàng. Việc áp dụng tỷ lệ phí đồng hạng cho thấy yếu tố đáp ứng trách nhiệm xã hội, bởi nếu có sự phân biệt trong mức phí áp dụng sẽ tạo nên phản ứng thiếu tích cực trên thị trường. Ngân hàng bị áp dụng phí cao sẽ là tín hiệu cho hoạt động ở mức độ rủi ro cao hơn. Độ trễ trong áp dụng phí phân biệt theo rủi ro cho phép ngân hàng khó khăn có lộ trình vươn lên và nhận được sự hỗ trợ tích cực từ chính sách BHTG.
Hạn mức chi trả BHTG phản ánh mức độ bồi thường cho người gửi tiền khi ngân hàng không có khả năng hoàn trả tiền gửi tức thì. Hạn mức chi trả được xác định dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người, mức độ lạm phát và mức độ đáp ứng giao động từ 80 - 90% số người gửi tiền tại ngân hàng. Hơn nữa, hạn mức chi trả được xác định trả ngay tức thì cho người gửi tiền với số lượng tiền trong hạn mức. Số tiền gửi vượt hạn mức sẽ được xem xét trả trong giai đoạn thanh lý tài sản của ngân hàng đóng cửa. Như vậy trật tự ưu tiên trong sử dụng quỹ BHTG là để chi trả tiền gửi của người có ít tiền. Điều này thể hiện rõ đặc tính ưu tiên đáp ứng trách nhiệm xã hội của chính sách. Yeung (2011) đánh giá đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền thông qua hạn mức chi trả và thủ tục chi trả thuận lợi, công khai minh bạch là một trong số yếu tố cơ bản đáp ứng trách nhiệm xã hội của ngân hàng.
Quy trình, thủ tục chi trả tiền bảo hiểm được quy định chi tiết, cụ thể và công khai. Các tổ chức BHTG luôn nỗ lực chi trả tiền bảo hiểm nhanh nhất có thể để đảm bảo đáp ứng nhu cầu chi tiêu của chủ tiền gửi, hạn chế thấp nhất lo lắng và phiền hà cho người gửi tiền. Kinh nghiệm của Mỹ cho thấy, tổ chức BHTG Mỹ khi nhận được thông tin ngân hàng có khó khăn và có thể dẫn tới tình trạng đóng cửa, cần được chi trả BHTG cho người gửi tiền, tổ chức BHTG Mỹ tiếp cận ngay lập tức hệ thống sổ sách của ngân hàng, nhanh chóng xác nhận đối tượng, mức độ và phương thức chi trả tiền bảo hiểm; cố gắng thu xếp cho ngân hàng khó khăn tuyên bố đóng cửa vào cuối ngày thứ 6 của tuần làm việc. Tổ chức BHTG Mỹ sẽ tiến hành chi trả cho người gửi tiền vào đầu ngày thứ 2 tuần làm việc kế tiếp. Với cách thức như vậy đã hạn chế tối đa mức độ gián đoạn tiếp cận tiền gửi của người gửi tiền cho chi tiêu sinh hoạt. Với thiết kế như vậy, trách nhiệm xã hội của ngân hàng đóng cửa được tổ chức BHTG phối hợp hoàn thành ở mức độ cao nhất, giảm thiểu được mức độ gián đoạn tiếp cận tài chính của người gửi tiền, giảm ảnh hưởng lan truyền về tâm lý đối với người gửi tiền ở ngân hàng khác.
Hoạt động giám sát, kiểm tra của tổ chức BHTG đối với tổ chức tham gia BHTG là hoạt động nòng cốt, cho phép tổ chức BHTG đóng góp trực tiếp vào giảm thiểu rủi ro phát sinh trong hoạt động ngân hàng. Tùy vào mức độ triển khai và phát triển chính sách BHTG của mỗi quốc gia mà chức năng kiểm tra và giám sát được xây dựng, đảm bảo tính đồng bộ trong giám sát hoạt động ngân hàng, tránh chồng chéo với các thiết chế khác trong mạng lưới an toàn hoạt động ngân hàng quốc gia. Thành công của tổ chức BHTG ở Mỹ được đánh giá cao, trong đó có đóng góp đáng kể của hoạt động giám sát và kiểm tra của tổ chức này. Nội dung giám sát và kiểm tra có bao gồm yếu tố xác định loại tiền gửi được bảo hiểm và không được bảo hiểm liên quan tới đội ngũ nhân sự quản lý ngân hàng huy động tiền gửi là tiêu chí đáp ứng tính minh bạch, đạo đức và thực thi trách nhiệm xã hội của người quản lý trong điều hành ngân hàng mà họ có gửi tiền.
Hoạt động phổ cập chính sách BHTG được tổ chức BHTG chủ trì triển khai dưới nhiều hình thức và bao gồm nhiều đối tác cùng tham gia. Mức độ phổ cập nội dung chính sách BHTG quyết định tới tác dụng và hiệu quả triển khai chính sách. Các biểu hiện hoang mang, mất niềm tin, hiệu ứng đám đông bất lợi v.v khi có thông tin bất lợi về hoạt động ngân hàng sẽ được kiểm soát và hạn chế nếu nội dung chính sách BHTG được phổ cập cụ thể, sâu rộng tới công chúng.
Yếu tố nhắc đến cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng trong thực thi tính đạo đức và trách nhiệm xã hội là quá trình tổ chức BHTG tham gia giải quyết khó khăn cho ngân hàng huy động tiền gửi. Khi ngân hàng có khó khăn, tổ chức BHTG là kênh hỗ trợ đắc lực, sẽ triển khai các hoạt động hỗ trợ cần thiết để khắc phục, chuyển giao xử lý khó khăn. Tổ chức BHTG có thể cho vay hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng có khó khăn, kiểm tra phát hiện sai phạm, phối hợp tìm đối tác chuyển giao (mua lại) ngân hàng và cuối cùng có thể đảm trách là người điều hành chèo lái ngân hàng có khó khăn (triển khai ngân hàng bắc cầu)... Những hoạt động này có tác dụng trực tiếp giải quyết khó khăn của ngân hàng trước, trong và sau khi chi trả BHTG, góp phần giải quyết tối ưu quyền lợi của người gửi tiền, chủ nợ và cổ đông của ngân hàng.
Tính hiệu quả của chính sách BHTG tùy thuộc vào mức độ khởi xướng, phát triển và vai trò được thiết kế của công cụ này ở mỗi quốc gia. Cho tới nay, tổ chức BHTG Mỹ được đánh giá là hình mẫu có hiệu quả vượt trội trong giải quyết khó khăn ngân hàng. Là công cụ đã đảm bảo không một người gửi tiền nào của ngân hàng Mỹ bị mất tiền khi ngân hàng gặp khó khăn từ năm 1934 tới nay. Đồng thời công cụ này cũng được đánh giá là giải pháp góp phần giảm đáng kể số lượng ngân hàng Mỹ đóng cửa từ khi triển khai chính sách BHTG phổ cập ở Mỹ. Thành công của công cụ BHTG có thể được đánh giá ở nhiều góc độ, hơn hết và trước tiên, khi hầu hết người gửi tiền được bảo vệ quyền lợi, dòng lưu chuyển tài chính của nền kinh tế không bị gián đoạn, khó khăn ngân hàng không bị trầm trọng hơn… có thể khẳng định công cụ BHTG đã góp phần thực hiện tối ưu trách nhiệm xã hội của hoạt động ngân hàng, xét trên góc độ người gửi tiền.
Nguyễn Ngọc Trâm
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam
TS. Nguyễn Thị Kim Oanh
Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Quốc gia Hà Nội
Tài liệu tham khảo
Febelfin VZW/asb (2012), What do we mean by corporate social responsibility and socially responsible banking? http://www.bankingforsociety.be/what-do-we-mean-corporate-social-responsibility-and-socially-responsible-banking;
History of banking, 2018, https://vi.wikipedia.org/wiki/Ng%C3%A2n_h%C3%A0ng
McDonald, Lynette M. (2015) Corporate Social Responsibility (CSR) in banking: what we know, what we don't know, and what we should know
Richardson, M. & Chapman, S.(2011), Key Concepts in VCE, Business Management (2nd ed), Jacaranda Plus Queensland
Quan N. T., Thuy T. L. và Huynh L. N. T. (2017), Perception of Bank Customers towards Banking Corporate Social Responsibility in Vietnam, International Research Journal of Finance and Economics ISSN 1450-2887 Issue 161, May, http://www.internationalresearchjournaloffinanceandeconomics.com
Yeung, S. (2011). The role of banks in corporate social responsibility. Journal of Applied Economics and Business Research, 1(2), 103-115