PV: Mạng an toàn tài chính của Hàn Quốc bao gồm những cơ quan nào? Vai trò của mỗi cơ quan và sự phối hợp trong mạng an toàn tài chính như thế nào, thưa ông?
Ông JaeHoon Yoo: Hàn Quốc có mạng an toàn tài chính vững chắc và có sự phân chia rõ ràng về nhiệm vụ cũng như quyền hạn giữa các thành viên. Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC) là cơ quan quản lý tài chính chịu trách nhiệm chung trong việc xây dựng chính sách tài chính và giám sát các tổ chức tài chính. Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) có vai trò giám sát tài chính dưới sự hướng dẫn và giám sát của FSC. KDIC đóng vai trò là cơ quan xử lý và tổ chức bảo hiểm tiền gửi, chịu trách nhiệm về quy trình xử lý cùng với FSC. Bộ Kinh tế và Tài chính (MoEF) và Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng là thành viên của mạng an toàn tài chính Hàn Quốc.
Các cơ quan trên tổ chức các cuộc họp định kỳ để tăng cường phối hợp liên cơ quan và có Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) để chia sẻ thông tin giữa các cơ quan.
PV: Tại Hàn Quốc, cơ quan nào có thẩm quyền quyết định xử lí TCTD yếu kém? Là một thành viên của mạng an toàn tài chính, KDIC có vai trò như thế nào trong quá trình xử lí?
Ông JaeHoon Yoo: FSC và KDIC đều có thẩm quyền quyết định xử lý các tổ chức tài chính có vấn đề. Tuy nhiên, trên thực tế, FSC thường quyết định biện pháp xử lý và tuyên bố tổ chức tài chính đổ vỡ. Đối với KDIC, trước khi FSC tuyên bố tổ chức tài chính bị đổ vỡ, KDIC thực hiện kiểm tra chi phí tối thiểu để FSC có thể lựa chọn biện pháp xử lý ít tốn kém nhất cho quỹ BHTG.
KDIC chịu trách nhiệm về một số vấn đề thực tiễn liên quan đến xử lý như hỗ trợ tài chính, chi trả cho người gửi tiền, thực hiện quy trình đấu giá công khai cho biện pháp mua lại và tiếp nhận (P&A) và sáp nhập và mua lại (M&A), thành lập và quản lý ngân hàng bắc cầu, thu hồi tiền hỗ trợ tài chính...
PV: Trải qua gần 30 năm thành lập và phát triển, vai trò của KDIC ngày càng được tăng cường. Theo ông, việc sửa đổi bổ sung Luật BHTG có tác động và ý nghĩa như thế nào trong việc định hình vai trò của KDIC?
Ông JaeHoon Yoo: Cơ quan KDIC chúng tôi được thành lập vào năm 1996 khi Luật Bảo vệ tiền gửi lần đầu tiên được chế định tại Hàn Quốc. Kể từ đó, bộ luật đã trải qua nhiều lần sửa đổi bổ sung. Trong số đó, có hai lần sửa đổi lớn nhất. Một là trong thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997; và một lần khác là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ở những giai đoạn đó, vai trò của KDIC càng trở nên quan trọng hơn và nhiệm vụ của cơ quan chúng tôi tăng lên.
PV: Thông qua nhiều hoạt động hợp tác trong thời gian qua, KDIC và DIV có những hiểu biết nhất định về nhau trên nhiều phương diện. Ông có nhận xét gì về sự phát triển của DIV?
Ông JaeHoon Yoo: Tôi nghĩ rằng sự phát triển của DIV thật sự là một bước tiến vượt bậc. Chúng tôi thường xuyên tham gia các cuộc họp hội đồng với các tổ chức BHTG trên toàn thế giới ở Basel, Thụy Sĩ. Tôi cho rằng, trong số khoảng 120 tổ chức bảo vệ tiền gửi trên toàn cầu, không có nhiều tổ chức thể hiện tốt năng lực và thực hiện tốt nhiệm vụ như DIV. Vì vậy, tôi cho rằng việc làm sao để phát triển hơn nữa năng lực và nhiệm vụ của một tổ chức xuất sắc như vậy cũng là một nhiệm vụ quan trọng của DIV trong tương lai.
PV: Ông có gợi ý gì đối vói các nhà hoạch định chính sách về vai trò của DIV thời gian tới?
Ông JaeHoon Yoo: Trước hết, tôi muốn nhắc đến một nguyên tắc chung lớn nhất - đó là các cơ quan giám sát tài chính và cơ quan xử lí tài chính sẽ khác nhau về vai trò và chức năng. Hai chức năng giám sát và xử lí này rất cần thiết để duy trì mạng lưới an toàn tài chính.
Tuy nhiên, ba chức năng giám sát tài chính, chính sách tài chính và xử lí các tổ chức tài chính không thể được thực hiện tập trung tại một cơ quan mà phải được giao cho các cơ quan chuyên trách riêng biệt thực hiện. Về mặt này, Việt Nam đã hình thành được các cơ quan đảm nhiệm tốt và đã có môi trường pháp lý đầy đủ. Do đó, cần duy trì và phát triển năng lực của các cơ quan này.
PV: DIV sẽ kỉ niệm 25 năm thành lập vào năm nay. Ông có thể chia sẻ một vài điều với DIV nhân dịp này, thưa ông?
Ông JaeHoon Yoo: Vâng, trước hết, xin chúc mừng DIV nhân kỷ niệm 25 năm thành lập. Như đã đề cập ở trên, tôi đánh giá DIV là một tổ chức đã có sự phát triển xuất sắc, vượt bậc so với các tổ chức BHTG khác trên thế giới. Vì nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa và thị trường tài chính cùng hệ thống tài chính của Việt Nam ngày càng mở rộng, vai trò của DIV theo đó ngày càng quan trọng.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn là một quốc gia dẫn đầu trong khu vực ASEAN. Chính vì vậy, DIV không chỉ phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ để góp phần phát triển hệ thống ngân hàng, nền tài chính của Việt Nam, mà còn hướng đến đóng góp vào sự phát triển của khu vực nói chung. Tôi cho rằng, DIV cần phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai và KDIC luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ sự phát triển của DIV.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
TTTT và NCTH (thực hiện)