An dân là mục tiêu hàng đầu
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) được thành lập trong bối cảnh nền kinh tế nước ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Pháp lệnh ngân hàng ban hành năm 1990 chuyển hệ thống hoạt động của ngân hàng từ một cấp sang hai cấp, theo đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện quản lý nhà nước trong hoạt động ngân hàng, các hoạt động kinh doanh do các tổ chức tín dụng thực hiện. Sự phát triển nhanh về quy mô, loại hình và các hình thức sở hữu của các tổ chức tín dụng đã tạo thêm nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.
Hàng loạt Hợp tác xã (HTX) tín dụng đổ vỡ đầu thập niên 90 đã để lại hậu quả trong nhiều năm sau đó về mặt kinh tế, chính trị - xã hội tại một số địa phương. Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 57-CT/TW về “Củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân” trong đó nhấn mạnh cần phải xử lý thu hồi giấy phép hoạt động của các Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) không đủ điều kiện chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX và những QTDND hoạt động yếu kém, thua lỗ kéo dài, có nguy cơ mất khả năng chi trả, khả năng thanh toán. Việc thu hồi giấy phép hoạt động các QTDND phải chú trọng yêu cầu ổn định chính trị, xã hội, không gây đổ vỡ ngoài sự kiểm soát của Nhà nước.
NHNNVN với vai trò là cơ quan thuộc Chính phủ đồng thời là Ngân hàng trung ương của các ngân hàng đứng trước trách nhiệm lớn lao phải kiểm soát lạm phát đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định tỷ giá, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng và bảo vệ người gửi tiền. Để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chung của ngành ngân hàng, NHNN cần có những công cụ hỗ trợ hiệu quả và Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một trong những công cụ đó.
Khoản 1 điều 17 Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 quy định “Tổ chức tín dụng có trách nhiệm tham gia tổ chức bảo toàn hoặc BHTG”. Luật các Tổ chức tín dụng năm 1997 đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho việc thành lập tổ chức BHTG và xây dựng các văn bản pháp lý dưới luật điều chỉnh hoạt động của BHTGVN.
Trên thế giới, cuộc khủng hoàng tài chính Châu Á năm 1997-1998 bắt nguồn từ Thái Lan rồi ảnh hưởng tới nhiều quốc gia châu Á thậm chí lan truyền và gây nên sự khủng hoảng tài chính trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, việc cần có một tổ chức chuyên trách để nghiên cứu, đề xuất một mô hình tổ chức BHTG ở Việt Nam đặt ra rất cấp bách. Ngày 25/6/1999, Thống đốc NHNNVN đã ký quyết định thành lập Ban Trù bị thành lập Công ty BHTG ở Việt Nam nhằm giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế vận hành và các văn bản có liên quan đến tổ chức và các hoạt động của Công ty Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Theo đó, Ban trù bị gồm 2 bộ phận là bộ phận thường trực và bộ phận kiêm nhiệm. Bộ phận Thường trực có từ 3 đến 5 người do đồng chí Vụ trưởng – Trưởng Ban trù bị chỉ đạo, điều hành. Bộ phận kiêm nhiệm gồm một đồng chí lãnh đạo cấp vụ thuộc các đơn vị Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Các ngân hàng, Vụ Tín dụng, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ và Đào tạo, Thanh tra và Văn phòng NHNN. Bộ phận kiêm nhiệm hoạt động theo chế độ bán chuyên trách và trên nguyên tắc phối hợp do đồng chí Trưởng ban Trù bị điều phối theo kế hoạch đã được Thống đốc phê duyệt.
Ngày 01/9/1999, Chính phủ phê duyệt Nghị định số 89/1999/NĐ-CP về Bảo hiểm tiền gửi tạo cơ sở pháp lý đầu tiên cho việc triển khai chính sách BHTG tại Việt Nam.
Ngày 09/11/1999, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 218/1999 QĐ-TTg về việc thành lập Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam. Theo đó, BHTGVN là tổ chức tài chính Nhà nước được thành lập nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của các tổ chức tham gia Bảo hiểm tiền gửi và sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Sau 15 năm kể từ khi đất nước bước vào đổi mới kinh tế, một tổ chức tài chính Nhà nước được ra đời là sự kiện có ý nghĩa to lớn trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế đất nước, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy quá trình hội nhập với đời sống kinh tế thế giới. Đây cũng là lần đầu tiên quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền được bảo vệ bởi một định chế tài chính của Nhà nước. Điều này giúp củng cố niềm tin đã bị giảm sút nghiêm trọng sau cuộc đổ vỡ HTX tín dụng vào đầu những năm 90 của thế kỷ XX. Sự ra đời của BHTGVN đã và đang trở thành chỗ dựa vô cùng quan trọng trong việc củng cố, duy trì, làm tăng lòng tin của dân chúng đối với hệ thống tổ chức tín dụng và góp phần duy trì sự ổn định trong đời sống chính trị và xã hội của đất nước.
Trận đầu ra quân thắng lợi
Những ngày đầu đi vào hoạt động, BHTGVN đã phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, nhiều QTDND cơ sở trên địa bàn khác nhau hoạt động yếu kém dẫn đến nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình an ninh kinh tế, trật tự xã hội tại một số địa phương. Trong khi đó, bộ máy tổ chức của BHTGVN chưa ổn định, cơ chế hoạt động chưa được cụ thể hoá và ban hành đồng bộ. Đội ngũ cán bộ khung ban đầu có 17 người, hầu hết được điều động từ NHNN và NHTM tuy đã có thâm niên trong ngành ngân hàng nhưng chưa có nghiệp vụ BHTG.
Xác định không thể chậm chễ trong việc xử lý những QTDND này nhằm an dân và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, do đó, ngay sau khi khai trương hoạt động, BHTGVN đã phải vừa xây dựng hệ thống văn bản và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động vừa phải xây dựng phương án chi trả cho người gửi tiền ở những QTDND yếu kém. Đây thực sự được coi là trận đầu ra quân thắng lợi mang lại ý nghĩa to lớn, như một minh chứng về việc thực thi cam kết của Đảng, Chính phủ trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Để đối phó với tình hình lúc đó, ban lãnh đạo NHNN, Bộ Tài chính, Ban, Ngành của Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời, sát sao, kết hợp với sự hỗ trợ hiệu quả của các cơ quan chức năng và các đơn vị thuộc NHNN cũng như chính quyền địa phương các tỉnh. Các văn bản chỉ đạo được ban hành rõ ràng, thông suốt từ Trung ương tới địa phương. Cụ thể, ngay sau khi có chỉ đạo của NHNN trong tháng 4/2001 về việc xử lý, thu hồi giấy phép hoạt động của các QTDND yếu kém trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, UBND tỉnh Kiên Giang, Chi nhánh NHNN tỉnh Kiên Giang đã ban hành những quyết định có liên quan cho việc tiến hành công tác chi trả được tiến hành một cách kịp thời nhất.
Và không thể không kể đến sự dốc sức, dốc lòng của những cán bộ BHTGVN, một thế hệ đầu tiên còn non trẻ nhưng nhất quyết không vì khó khăn mà nản chí. Họ đã không quản ngại khi phải đi tới vùng sâu, vùng xa, nghèo khó, thậm chí không có chỗ để nghỉ trọ. BHTGVN nhanh chóng tiến hành làm việc với QTDND Giồng Riềng, Rạch Sỏi để xác định số dư tiền gửi của dân cư nhằm chuẩn bị các thủ tục để tiến hành chi trả tiền gửi cho người dân tại đơn vị. Tổng số tiền gửi dân cư được chi trả từ các nguồn của BHTGVN và nguồn vay hỗ trợ đặc biệt tại QTDND Giồng Riềng là hơn 1,6 tỷ và tại QTDND Rạch Sỏi là hơn 1,625 tỷ đồng. Những cuộc họp định kỳ thường xuyên được tổ chức nhằm xây dựng những phương án tốt nhất, đảm bảo đúng quy định. Việc chi trả tiền bảo hiểm tại hai QTDND Rạch Sỏi và Giồng Riềng và sau này là rất nhiều quỹ khác trên địa bàn cả nước từ Bắc vào Nam đã thể hiện được vai trò của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền, tạo được niềm tin cho người dân, góp phần ổn định chính trị, trật tự xã hội và ngăn ngừa ảnh hưởng rủi ro đổ vỡ dây chuyền trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.
BHTGVN đã bước đi trên chặng đường 25 năm, khoảng thời gian không dài nhưng với những gì đã đạt được, đặc biệt dấu ấn những ngày đầu thành lập chính là cội rễ, là sự thắng lợi quan trọng vun đắp cho những thành quả sau này trên bước đường khẳng định vai trò của định chế tài chính thiết yếu trong đời sống kinh tế của đất nước, góp phần rất quan trọng vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của người gửi tiền.
Nguyễn Văn Sản
Nguyên Chủ tịch HĐQT BHTGVN (2000-2001)