Thực tế chưa có một khái niệm cụ thể và thống nhất về CSR của doanh nghiệp, tuy nhiên trong quan niệm chung và mang tính phổ biến hiện nay thì CSR được hiểu là toàn bộ trách nhiệm của một doanh nghiệp về những ảnh hưởng đến xã hội từ các quyết định và hoạt động kinh doanh của chính doanh nghiệp đó. Như vậy, CSR được thực hiện đầy đủ trên cơ sở doanh nghiệp có ý thức tôn trọng pháp luật và tôn trọng tất cả cam kết với các bên có lợi ích liên quan; gắn kết hoạt động kinh doanh với việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, đạo đức, bảo vệ môi trường, bảo vệ quyền con người và đáp ứng các mối quan tâm của khách hàng; ngăn ngừa và giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể có từ hoạt động của doanh nghiệp đến xã hội.
Một tổ chức có CSR cao sẽ luôn nhận thức được, đánh giá được và thể hiện ý thức trách nhiệm đầy đủ đối với những tác động của các hoạt động của tổ chức đó tới xã hội và môi trường. Điều này hàm ý những hành vi minh bạch và ứng xử có đạo đức của tổ chức sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững chung của cả xã hội, đặc biệt là vấn đề sức khỏe và phúc lợi xã hội, có tính đến sự mong đợi của các bên liên quan, tuân thủ nghiêm túc pháp luật hiện hành và phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài vấn đề lợi ích (kinh tế), CSR của doanh nghiệp còn có tác động trực tiếp đến con người (các vấn đề xã hội như môi trường sống, làm việc, các quyền của công dân v.v…), hành tinh (vấn đề an toàn môi trường) và phát triển bền vững.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính nhà nước được thành lập để thực hiện nghiệp vụ BHTG, với mục đích: Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Mục đích hoạt động đó chính là sứ mệnh mà BHTGVN phải gánh vác. Như vậy, có thể thấy ngay trong sứ mệnh của BHTGVN đã hàm chứa CSR của mình và nhiệm vụ của BHTGVN là cần thực hiện nó một cách trọn vẹn với tinh thần đầy trách nhiệm, cao hơn nữa là bổn phận đối với người được BHTG.
Nhiệm vụ cơ bản nhất của BHTGVN là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, những cá nhân có tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại tổ chức tham gia BHTG, có quyền nhận lại đầy đủ số tiền gửi của mình trong hạn mức trả tiền bảo hiểm theo quy định của pháp luật. Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền đã được pháp luật thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ đầy đủ thông qua các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN - cơ quan chuyên trách được Chính phủ thành lập thực hiện trách nhiệm xã hội trực tiếp với người gửi tiền. Ở tầm mức cao hơn, những hoạt động của BHTGVN, theo hiệu ứng lan tỏa cũng là thể hiện CSR với cả xã hội và qua đó cũng là thực hiện nhiệm vụ chính trị của BHTGVN.
BHTGVN thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG tại tổ chức tham gia BHTG theo quy định của các văn bản quy phạm pháp luật, cao nhất là Luật BHTG số 06/2012/QH 13 ngày 18/6/2012; sau đó là Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/6/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHTG và Thông tư số 24/2014/TT-NHNN ngày 06/9/2014 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động BHTG; cuối cùng là Quy chế chi trả tiền gửi được bảo hiểm do Hội đồng quản trị BHTGVN ban hành và văn bản Hướng dẫn thực hiện chi trả tiền gửi được bảo hiểm do Tổng giám đốc BHTGVN ban hành. Trong hệ thống văn bản này đã quy định, công bố, hướng dẫn chi tiết, rõ ràng và minh bạch tất cả các quyền và lợi ích của người gửi tiền được bảo hiểm tiền gửi và các bên liên quan; các quy trình thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền được thực hiện một cách rõ ràng với bước khởi đầu là thông báo công khai, đầy đủ trên các phương tiện thông tin đại chúng (Khoản 3, Điều 26 Luật BHTG): Thời gian chi trả, địa điểm chi trả, phương thức trả tiền bảo hiểm, danh sách những người gửi tiền được bảo hiểm đủ điều kiện chi trả. Điều này cũng phù hợp với khuyến nghị tại Nguyên tắc số 17 trong Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hê thống BHTG hiệu quả của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng (BCBS) và Hiệp hội BHTG quốc tế (IADI): “Hệ thống BHTG cần cho người gửi tiền tiếp cận nhanh chóng tiền gửi được bảo hiểm của họ. Do vậy, tổ chức BHTG cần sớm thông báo hoặc cung cấp đầy đủ thông tin trước trong các trường hợp được yêu cầu chi trả cũng như được tiếp cận nguồn thông tin về người gửi tiền sớm. Người gửi tiền có quyền hợp pháp nhận khoản chi trả đúng hạn mức bảo hiểm và phải được biết thời điểm, điều kiện mà tổ chức BHTG tiến hành quá trình chi trả, khung thời gian chi trả, dù là chi trả trước hay chi trả tạm thời, cũng như hạn mức chi trả tương ứng”.
Những năm qua, hạn mức trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG đã có những thay đổi tích cực. Ngày 20/10/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm của tổ chức bảo hiểm tiền gửi đối với người được BHTG. Theo đó, từ ngày 12/12/2021, số tiền tối đa tổ chức BHTG trả cho các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng, tăng 50 triệu đồng so với hạn mức cũ trước đó là 75 triệu. Điều này cũng thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đối với việc bảo vệ quyền lợi thiết thực của đa số người dân khi gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG, đồng thời thể hiện sự quan tâm đến trách nhiệm xã hội trong các chính sách và chủ trương của Chính phủ.
Việc BHTGVN tôn trọng pháp luật và thực hiện đầy đủ các cam kết với các bên có lợi ích liên quan trong hoạt động chi trả tiền bảo hiểm, cụ thể ở đây là các tổ chức tham gia BHTG và những người gửi tiền được bảo hiểm tại các tổ chức đó đã góp phần ổn định tâm lý và tư tưởng người gửi tiền, góp phần ổn định trật tự xã hội khi có sự cố tại các tổ chức tham gia BHTG. Việc người gửi tiền được nhận tiền bảo hiểm cũng giúp họ có thêm nguồn lực tài chính góp phần ổn định cuộc sống hoặc đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đó chính là việc BHTGVN thực hiện CSR thông qua hoạt động chi trả tiền bảo hiểm, góp phần gắn kết một hoạt động nghiệp vụ BHTG với việc tham gia giải quyết các vấn đề xã hội, đạo đức, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và qua đó đáp ứng được các mối quan tâm chung của tất cả các bên liên quan trong hoạt động BHTG.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền, BHTGVN cũng đã lồng ghép hoạt động truyền thông về BHTG khi giải quyết các trường hợp cụ thể của từng người gửi tiền để giúp cho người dân có thêm những hiểu biết nhất định về BHTG, quyền và lợi ích của người gửi tiền, trách nhiệm của BHTGVN và các tổ chức tham gia BHTG. Nhờ vậy, người gửi tiền có thể cân nhắc, lựa chọn các tổ chức tham gia BHTG có chất lượng hoạt động tốt để đảm bản an toàn cho khoản tiền gửi của mình.
Việc lồng ghép hoạt động nghiệp vụ với công tác truyền thông mang tính phổ biến kiến thức cho người gửi tiền cũng chính là cách thức mà Công ty BHTG Philippine (PDIC) thực hiện đối với những người gửi tiền tại đất nước này. Hiện tại, PDIC là tổ chức có thông điệp rõ ràng và mạnh mẽ hơn cả trong IADI về CSR của hệ thống BHTG. Ngay từ năm 2009, PDIC đã thực hiện một chiến dịch trên pham vi toàn quốc mang tên: Hãy là người gửi tiền thông thái (The Be A Wise Saver-BAWS). Mục đích cốt lõi của chiến dịch này là phổ biến những kiến thức cơ bản về tiền gửi tiết kiệm, hoạt động ngân hàng và các biện pháp bảo vệ tiền gửi tiết kiệm cho những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội như sinh viên, người về hưu, người kinh doanh nhỏ lẻ, những người yếu thế trong xã hội. Đây là một chương trình thấm đẫm SCR của PDIC. Sau đó, vào tháng 9/2020, PDIC đã ra tuyên bố chính thức về SCR của mình: “PDIC sẽ nỗ lực để giúp mọi người dân Philippine đều có những hiểu biết nhất định về tài chính”. Thông điệp thể hiện rất rõ dấu ấn SCR của PDIC: PDIC sẽ phổ biến các kiến thức cơ bản về tài chính cho người dân và giúp họ có thể hiểu biết về lĩnh vực này, từ đó có thể ra những quyết định về tiền gửi tốt hơn, biết lựa chọn tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng phù hợp.
Theo quan điểm của Hội đồng kinh doanh thế giới về phát triển bền vững (World Business Council for Sustainable Development - WBCSD), doanh nghiệp cần có trách nhiệm với xã hội thể hiện thông qua những cam kết và hành xử có trách nhiệm, đạo đức và đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế nhằm nâng cao điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần chung cho xã hội. Hoạt động của BHTGVN nói chung và nghiệp vụ chi trả tiền bảo hiểm nói riêng cũng không thể nằm ngoài chuẩn mực chung đó của thời đại, của thế giới.
Hoạt động của BHTGVN có những đóng góp giá trị không đong đếm được về mặt kinh tế - xã hội khi BHTGVN gắn kết và làm hài hòa được các hoạt động nghiệp vụ với việc thực hiện các trách nhiệm xã hội (Bussiness for Social Responsibility-BSR). Đó là sự thành công trọn vẹn của BHTGVN, sự thành công đạt được theo cách tôn trọng các giá trị đạo đức và các quyền cơ bản của người gửi tiền, cộng đồng và môi trường tự nhiên.
Tài liệu tham khảo:
http://www.pdic.gov.ph/csr_literacy_activities
https://ndic.gov.ng/resources/corporate-social-responsibility/
https://www.iadi.org/en/assets/File/Papers/Approved%20Guidance%20Papers/IADI_Guidance_paper-Developing_Effective_Reimbursement_Systems_and_Processes-Final_201210_(2012-12_to_IADI).pdf