Việc chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định chuyển giao một ngân hàng yếu kém cho một ngân hàng đang hoạt động tốt, đủ điều kiện để tiếp nhận. Ngân hàng tốt tiếp nhận toàn bộ cả nghĩa vụ nợ và tài sản có của ngân hàng yếu kém, nghĩa là cả tài sản xấu và tài sản tốt. Như vậy, toàn bộ tiền gửi của người gửi tiền (kể cả cá nhân và pháp nhân) đều được đảm bảo, do ngân hàng nhận chuyển giao chi trả. Người dân có thể hoàn toàn yên tâm tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng nhận chuyển giao. Giai đoạn đầu nhận chuyển giao, bảo hiểm tiền gửi có thể có biện pháp tham gia hỗ trợ cho ngân hàng nhận chuyển giao nhanh chóng hoạt động bình thường. Tuy nhiên, việc lựa chọn một ngân hàng nhận chuyển giao rất mất thời gian; do phải thẩm định chất lượng tài sản, tính toán chênh lệch tài sản nợ, tài sản có, các chi phí nhận chuyển giao…Vì vậy, trong điều kiện thực tế, ở một số quốc gia, Chính phủ có thể lựa chọn một hình thức khác phù hợp hơn.
Tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thông qua việc chuyển giao tiền gửi và tài sản tốt sang một ngân hàng tốt hơn là một giải pháp được nhiều quốc gia áp dụng. Ưu điểm của phương pháp này là giúp bảo vệ tiền gửi của khách hàng, đặc biệt là tiền gửi của cá nhân, tránh bị mất mát khi ngân hàng yếu kém bị giải thể hoặc phá sản. Chuyển giao tài sản tốt và tiền gửi sang ngân hàng khác giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hệ thống tài chính; giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, tránh gây ra khủng hoảng tài chính. Việc chuyển giao tiền gửi và tài sản tốt sang một ngân hàng khác có thể mang lại lợi ích cho ngân hàng tiếp nhận, bao gồm: Ngân hàng tiếp nhận sẽ có thêm khách hàng gửi tiền và vay tiền, giúp tăng trưởng quy mô và phạm vi hoạt động. Ngân hàng tiếp nhận sẽ có thêm tài sản tốt, giúp tăng trưởng tài sản và cải thiện chất lượng tài sản. Với việc có thêm khách hàng và tài sản, ngân hàng tiếp nhận có thể tăng lợi nhuận thông qua việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Chính những lợi ích có thể mang lại, nên việc chuyển giao này làm cho có nhiều ngân hàng tham gia hơn, có tính thị trường hơn (không phải bắt buộc). Chính vì vậy, việc chuyển giao diễn ra một cách tự nguyện, nhanh chóng ổn định thị thường. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng có thể tham gia hỗ trợ tài chính giai đoạn đầu để việc chuyển giao diễn ra nhanh hơn, người gửi tiền luôn được đảm bảo, yên tâm tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng tiếp nhận.
Tuy nhiên, biện pháp này cũng có những nhược điểm: Quá trình tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thông qua chuyển tiền gửi và tài sản tốt sang ngân hàng khác có thể tốn kém, bao gồm cả chi phí hành chính và tài chính. Việc thẩm định và định giá tài sản tốt, tài sản xấu cũng mất nhiều thời gian. Ngân hàng yếu kém có thể bị ảnh hưởng đến uy tín nếu việc tái cơ cấu không được thực hiện một cách minh bạch và hiệu quả. Việc bảo vệ tiền gửi và tài sản của ngân hàng yếu kém có thể tạo ra rủi ro đạo đức, khi các ngân hàng khác có thể cảm thấy luôn được Nhà nước bảo vệ nên không thực hiện các biện pháp quản lý rủi ro cần thiết. Việc xử lý tài sản xấu để lại ngân hàng yếu kém là một vấn đề khó khăn. Thông thường các nước chuyển tài sản xấu này cho công ty quản lý tài sản (VAMC) hoặc các nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, việc xử lý này cũng sẽ mất rất nhiều thời gian và phức tạp.
Chính vì vậy, yêu cầu ngân hàng tiếp nhận sẽ phải đánh giá và quản lý rủi ro liên quan đến tài sản được chuyển giao, điều này có thể là một thách thức. Việc tích hợp khách hàng và tài sản mới vào hệ thống của ngân hàng tiếp nhận có thể tốn kém và mất thời gian. Ngân hàng tiếp nhận sẽ phải đảm bảo rằng việc tiếp nhận không ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và thương hiệu của mình. Do đó, chỉ những ngân hàng có đủ năng lực tài chính, quản lý rủi ro tốt và có khả năng tích hợp tốt sẽ tham gia vào việc tiếp nhận này. Số lượng ngân hàng tham gia sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như: Ngân hàng cần có đủ vốn và tài chính để tiếp nhận và quản lý tài sản mới; Có khả năng đánh giá và quản lý rủi ro liên quan đến tài sản được chuyển giao; Ngân hàng cần có chiến lược kinh doanh phù hợp để tận dụng cơ hội từ việc tiếp nhận tài sản và khách hàng mới.
Tóm lại, việc tái cơ cấu ngân hàng yếu kém thông qua chuyển giao tiền gửi và tài sản tốt sang một ngân hàng tốt hơn có cả ưu và nhược điểm. Việc thực hiện phương pháp này cần được cân nhắc kỹ lưỡng và thực hiện một cách minh bạch, hiệu quả để đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng có thể tham gia hỗ trợ ngân hàng nhận chuyển giao để nhanh chóng ổn định tình hình và đảm bảo tiền gửi của người gửi tiền, tạo niềm tin cho công chúng tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng./.
Hiếu Ngân