Người dân là trung tâm trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia
Theo World Bank (2012), bảo vệ người tiêu dùng tài chính là việc hệ thống luật pháp và tổ chức chính phủ được thiết lập vận hành để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dung tài chính. Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC, 2015) cho rằng, bảo vệ người tiêu dùng tài chính được hiểu là bất kỳ hoạt động, hành động hoặc bộ quy tắc nào tìm cách giảm thiểu các rủi ro và tác hại cho người tiêu dùng liên quan đến việc sử dụng bất kỳ sản phẩm hoặc dịch vụ tài chính nào. Vậy, bảo vệ người tiêu dùng tài chính có ý nghĩa không chỉ với cá nhân người tiêu dùng, mà còn có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển tài chính toàn diện của các quốc gia.
Trọng tâm của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030 đã coi người dân là trung tâm, chủ thể, nhất là những người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Do vậy, mọi chính sách ban hành phải hướng tới người dân – người tiêu dùng tài chính ở mỗi quốc gia. Một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả sẽ trở thành chìa khóa giúp đảm bảo cho sự thành công của chiến lược tài chính toàn diện dài hạn.
vai trò của bảo vệ người tiêu dùng tài chính trong việc thúc đẩy tài chính toàn diện ở mỗi quốc gia được thể hiện ở những khía cạnh sau:
Bảo vệ người tiêu dùng tài chính giúp khách hàng được đối xử một cách công bằng trong tiếp cận và thực hiện các giao dịch tài chính, không có sự phân biệt đối tượng khách hàng theo mức thu nhập, độ tuổi, khoảng cách địa lý,…Khi những đối tượng khách hàng đều có cơ hội tiếp cận như nhau và không bị loại trừ khỏi các giao dịch tài chính, họ sẽ tự tin, am hiểu và chủ động hơn trong các giao dịch tài chính, từ đó có lựa chọn tốt nhất cho giao dịch tài chính của họ. Qua đó, góp phần gia tăng các giao dịch tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện hiệu quả.
Khi người tiêu dùng tài chính được bảo vệ và có kiến thức, kỹ năng để tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ tài chính, họ sẽ góp phần khiến quá trình tham gia tài chính hiệu quả hơn qua sự đánh giá và hình thành thói quen tiêu dùng tài chính. Điều này sẽ thúc đẩy các tổ chức tài chính cung ứng dịch vụ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng. Vì vậy, một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính hiệu quả sẽ tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao năng lực, qua đó gia tăng lợi nhuận của các tổ chức tài chính. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của Chiến lược tài chính toàn diện.
Hiện nay, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trên thị trường tài chính có rất nhiều dịch vụ, sản phẩm tài chính mới, công nghệ cao. Những sản phẩm dịch vụ này có thể chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, nên có thể gây ra nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Do vậy, một cơ chế bảo vệ người tiêu dùng tài chính hiệu quả sẽ tạo ra môi trường ổn định để vận hành các giao dịch tài chính phát triển, thúc đẩy tài chính toàn diện và bền vững.
BHTGVN tham gia bảo vệ người tiêu dùng tài chính
Việt Nam hiện có 5 cơ quan liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực tài chính, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quản lý trong lĩnh vực ngân hàng; Bộ Tài chính quản lý lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm; Bộ Công Thương, Bộ Thông tin – Truyền thông và Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng chịu trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng nói chung. Cả 5 cơ quan này đều có khả năng tham gia vào quá trình bảo vệ người tiêu dùng, nhưng các cơ quan này đều chưa có bộ phận chuyên trách cũng như quy trình quản lý cụ thể để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ người tiêu dùng, chưa có cơ chế phối hợp để xử lý các xung đột lợi ích xảy ra khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính.
Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 đã đề ra những giải pháp chú trọng bảo vệ người tiêu dùng tài chính như: truyền thông, giáo dục nâng cao kiến thức, hiểu biết tài chính, khả năng tư duy tài chính và kỹ năng cho người dân – người tiêu dùng tài chính. Cụ thể, ngành ngân hàng cần chủ động đưa ra nhóm giải pháp để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Bởi, hoạt động tài chính - ngân hàng được ví như “mạch máu” của nền kinh tế.
Đề cập đến mục tiêu để không ai bị bỏ lại phía sau trong Chiến lược tài chính toàn diện, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh: Chiến lược sẽ bao trùm đến tất cả người dân, đặc biệt là người dân ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là những khu vực người dân thường gặp khó khăn, người nghèo hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 95% tổng số doanh nghiệp của Việt Nam cho nên cũng là khu vực tạo công ăn việc làm rất lớn cho người dân hay phụ nữ - đối tượng vừa quản lý chi tiêu cho gia đình, vừa là người đi vay vốn để phục vụ sản xuất – kinh doanh cho cuộc sống. Họ cũng là đối tượng tuyên truyền trọng tâm mà chính sách bảo hiểm tiền gửi hướng đến.
Mục tiêu của chính sách bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền – người tiêu dùng tài chính trong nền kinh tế. Khi người gửi tiền có kiến thức và niềm tin vào các tổ chức tài chính, sẽ thúc đẩy các giao dịch tài chính và khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm. Từ đó, góp phần tác động tích cực đến tài chính toàn diện quốc gia.Tại Việt Nam, hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn cung ứng vốn chính của nền kinh tế, do vậy người gửi tiền là một thành phần rất quan trọng đối với hệ thống tài chính Việt Nam. BHTGVN được thành lập với sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần vào sự ổn định, phát triển lành mạnh của hệ thống tài chính quốc gia. Hiện nay, BHTGVN đang bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG. BHTGVN bảo vệ người gửi tiền thông qua 2 hình thức: trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, BHTGVN bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền gián tiếp qua việc triển khai những nghiệp vụ như: giám sát và kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về bảo hiểm tiền gửi và an toàn trong hoạt động ngân hàng. Ngoài ra, để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, BHTGVN còn triển khai các nhiệm vụ: cho vay đặc biệt đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi quỹ tín dụng nhân dân; thực hiện tuyên truyền, phổ biến chính sách bảo hiểm tiền gửi đa dạng qua nhiều kênh, phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức công chúng, đặc biệt hướng tới sinh viên, người gửi tiền ở vùng sâu, vùng xa – những người dễ bị tổn thương vì thiếu thông tin, kiến thức tài chính.
Không chỉ vậy, trong trường hợp tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi gặp phải sự cố mất khả năng thanh toán, BHTGVN sẽ bảo vệ trực tiếp người gửi tiền thông qua nghiệp vụ chi trả tiền bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền với hạn mức theo quy định của pháp luật. Số tiền vượt hạn mức sẽ được chi trả trong quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó. Nhờ vậy, người gửi tiền sẽ an tâm hơn khi gửi tiền tại các tổ chức tín dụng có tham gia bảo hiểm tiền gửi, qua đó chủ động hơn trong các giao dịch tài chính, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.
Sau hơn 20 năm hoạt động, có thể nói, BHTGVN đã bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, cũng chính là bảo vệ người tiêu dùng tài chính – chủ thể, trọng tâm của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia thông qua việc cụ thể hóa chính sách bảo hiểm tiền gửi, triển khai đồng bộ các nghiệp vụ để củng cố niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, nâng cao nhận thức tài chính, nhờ đó đưa ra lựa chọn tốt nhất để tham gia các giao dịch tài chính, đồng thời khuyến khích họ sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, hợp pháp, từ đó thúc đẩy tài chính toàn diện quốc gia.
Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh và mạnh của hệ thống ngân hàng với hàng loạt các sản phẩm, dịch vụ mới được giới thiệu ra thị trường, cùng với đó là xu hướng áp dụng các sản phẩm mang tính công nghệ cao đặt ra nhiều thách thức đối với nhiệm vụ bảo vệ người gửi tiền của BHTGVN. Do vậy, trong ngắn hạn, BHTGVN cần nghiên cứu tăng hạn mức trả tiền bảo hiểm; nâng cao nhận thức công chúng về bảo hiểm tiền gửi, nhất là với những đối tượng yếu thế trong xã hội và có ít hiểu biết về mặt tài chính như người già, người khuyết tật, người dân ở vùng sâu vùng xa... Trong trung và dài hạn, BHTGVN cần nghiên cứu để áp dụng các nguyên tắc về bảo vệ người tiêu dùng tài chính nhằm nâng cao hiệu lực bảo vệ người gửi tiền.