Lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản dịp cuối năm
Mới đây, Vietcombank phát đi cảnh báo khách hàng tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Kẻ gian giả mạo đầu tin nhắn SMS VCB gửi tin đến điện thoại khách hàng về việc tài khoản bị khóa và yêu cầu khách hàng đăng nhập vào đường link đính kèm. Vietcombank khuyến cáo khách hàng các trang giả mạo website, fanpage Facebook có đường link và tên gọi tương tự với trang chính thống Vietcombank, những tin này là lừa đảo nên khách hàng không nên bấm vào, đồng thời khẳng định Vietcombank không gửi tin nhắn SMS đi kèm các đường link.
Công an TP. Hà Nội cũng cảnh báo thời gian qua đã có nhiều khuyến cáo về thủ đoạn của kẻ gian giả mạo cơ quan công an nhưng vẫn có người bị sập bẫy. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Dịp cuối năm, xuất hiện các chiêu trò lừa đảo như: Giả mạo các chương trình trúng thưởng, gửi thông báo trúng thưởng, tặng quà hoặc yêu cầu khách hàng vào website đăng nhập tên, mật khẩu internet banking và mã OTP để nhận thưởng… nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản cá nhân và tiền trong tài khoản.
Thời gian qua, nhiều người liên tục nhận được điện thoại của các đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo trúng thưởng hoặc có khoản tiền chuyển đến bị treo, “dụ” nạn nhân cung cấp thông tin, mã OTP. Chỉ cần nghe theo là tiền trong tài khoản bốc hơi ngay lập tức. Nếu không cảnh giác mà nhấp vào những đường link để đăng ký tham dự chương trình, khả năng bị mất thông tin tài khoản ngân hàng rất cao.
Tương tự, nhu cầu về tiền bạc của người dân tăng cao vào cuối năm nên đây cũng là thời điểm kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Các đối tượng giả mạo các công ty tài chính hướng dẫn thủ tục cho vay và yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ tùy thân, cũng như chụp hình CMND/ CCCD…Sau đó, các đối tượng làm giả thông tin và lấy số này để đăng ký vay nhưng từ chối nghĩa vụ trả nợ, dẫn đến việc nhiều người không đi vay nhưng vẫn dính vào nợ xấu. Hoặc kẻ gian tự xưng là nhân viên công ty tài chính liên lạc khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo như đến tận nhà khách hàng thu hồi thẻ do lỗi hoặc đề nghị thu hồi thẻ không sử dụng và tiến hành chiếm đoạt, thực hiện giao dịch rút tiền mặt qua thẻ; lừa hỗ trợ khoản vay tiêu dùng và yêu cầu khách hàng phải đóng phí vào tài khoản cá nhân…
Không những giả mạo nhân viên ngân hàng, công an, kẻ gian còn mạo danh cả nhân viên viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Điển hình là chiêu giả nhân viên nhà mạng gọi điện thoại tới khách hàng hướng dẫn nâng cấp sim điện thoại, khách hàng làm theo và nhanh chóng bị chiếm rồi vô hiệu hóa sim điện thoại. Sau đó, toàn bộ số tiền trong tài khoản tiết kiệm online cũng “không cánh mà bay”. Thực tế, các trường hợp chiếm đoạt sim điện thoại để trộm tiền trong tài khoản ngân hàng không hiếm.
Hàng loạt các thủ đoạn lừa đảo mà kẻ gian đã sử dụng trong thời gian qua được các ngân hàng liệt kê và khuyến cáo người dân cần cảnh giác. Đó là giả mạo nhân viên ngân hàng để lấy thông tin nhân thân, mật khẩu, số thẻ… Một chiêu tưởng chừng đơn giản là chuyển nhầm tiền. Kẻ gian chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, mạo danh ngân hàng gọi điện, gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) thông báo giao dịch bị treo và yêu cầu truy cập link để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mã xác thực một lần (OTP) và mật khẩu). Hoặc cũng với chiêu chuyển nhầm, kẻ gian yêu cầu chuyển lại một tài khoản khác (không phải tài khoản chuyển nhầm). Sau một thời gian, chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đứng ra đòi tiền...
Các thủ đoạn lừa đảo ngày càng nhiều và tinh vi đều vì mục đích đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tiền của khách hàng. So với các lĩnh vực khác, ngân hàng là lĩnh vực đầu tư bảo mật rất tốt. Mặc dù vậy, với các cuộc tấn công nhắm vào người dùng, ngân hàng cũng không thể kiểm soát hết được vì phụ thuộc vào ý thức bảo mật, trình độ của từng khách hàng. Nhiều chiêu thức lừa đảo dù đã cũ nhưng vẫn nhiều khách hàng bị sập bẫy. Những vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng thời gian qua chủ yếu là các đối tượng lừa đảo đã có khá nhiều thông tin cá nhân của nạn nhân trước khi thực hiện lừa đảo. Chính vì vậy, bên cạnh ngân hàng thường xuyên phải tăng cường bảo mật, mỗi khách hàng phải luôn ý thức bảo vệ thông tin cá nhân của mình.
Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin ngân hàng và khách hàng
Về phía ngành Ngân hàng, đảm bảo an toàn thông tin là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và đã được ngành Ngân hàng triển khai khá tốt từ nhiều năm qua.
Thời gian tới, NHNN tiếp tục rà soát, tham mưu cho Chính phủ, sửa đổi Nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng sau khi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi được ban hành; rà soát, sửa đổi các Thông tư quy định về an ninh, an toàn bảo mật hệ thống thông tin trong hoạt động ngân hàng, quy định về cung ứng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng Internet theo các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế. Định kỳ, đột xuất tổ chức các đoàn kiểm tra về an toàn hệ thống công nghệ thông tin tại các TCTD để kịp thời phát hiện, kiến nghị và chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, hạn chế, rủi ro về an ninh, bảo mật công nghệ thông tin.
Ngành Ngân hàng cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin cho toàn thể cán bộ và khách hàng của ngân hàng. Trong đó, chú ý truyền thông về an toàn thông tin khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng điện tử qua website, ứng dụng Internet Banking/Mobile Banking, email, tin nhắn SMS, banner, poster tại các điểm giao dịch và cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan báo chí tổ chức các chương trình truyền thông giáo dục tài chính nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính - ngân hàng trên nền tảng số, qua đó giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng.
Các TCTD tiếp tục triển khai các giải pháp kỹ thuật tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, trong đó có triển khai ứng dụng các công nghệ mới của Cách mạng công nghệ 4.0 (như AI, Bigdata) để triển khai các giải pháp giám sát, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các giao dịch đáng ngờ qua hệ thống dịch vụ ngân hàng điện tử; phối hợp với Bộ Công an triển khai các giải pháp định danh và xác thực điện tử dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; xác thực khách hàng qua thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip (Match on Card -MoC) và ứng dụng VNEID để nâng cao an toàn cho các dịch vụ ngân hàng điện tử.
Các ngân hàng thương mại (NHTM) chú trọng công tác nhân sự, tuyển chọn đội ngũ có tay nghề cao về công nghệ vừa giỏi nghiệp vụ ngân hàng; thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng ứng cứu sự cố an toàn thông tin cho nhân viên công nghệ.
Các NHTM thường xuyên hợp tác, chia sẻ kịp thời thông tin về các nguy cơ, rủi ro mất an toàn thông tin; sẵn sàng ứng cứu sự cố tại các đơn vị trong ngành Ngân hàng vì lợi ích chung.
Đặc biệt, NHNN và các đơn vị trong ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an trong các hoạt động về bảo đảm an toàn các hệ thống thông tin; phối hợp diễn tập ứng cứu sự cố an toàn thông tin; đào tạo chuyên gia an toàn thông tin; điều tra, cung cấp thông tin truy bắt tội phạm sử dụng công nghệ cao liên quan đến ngành Ngân hàng.
Mặt khác, ở khía cạnh luật pháp, cần có những quy định trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với tội phạm công nghệ, các đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Đối với người dân, cần cảnh giác để tự bảo vệ mình trước những hình thức lừa đảo. Người dân không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu của các tài khoản mạng xã hội, ngân hàng, ví điện tử và mã OTP cho những người lạ hoặc chuyển tiền cho tổ chức, cá nhân mạo danh cán bộ, cơ quan nhà nước để giải quyết các thủ tục pháp lý, từ đó đối tượng dễ dàng chiếm đoạt tài sản...Chủ động giữ kín thông tin cá nhân/thông tin tài khoản, không tiết lộ cho bất kỳ ai để tránh các trường hợp chủ quan, bị lợi dụng gây mất tiền, tài sản. Nếu phát hiện đối tượng có hành vi nhờ mở tài khoản ngân hàng, mở thẻ hoặc mua bán tài khoản ngân hàng với số lượng lớn thì cần kịp thời báo Cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý.
Không cung cấp tên, mật khẩu đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mã xác thực một lần (OTP), cũng như số thẻ ngân hàng qua điện thoại, email, mạng xã hội, website. Khách hàng nên gõ trực tiếp địa chỉ các trang web ngân hàng điện tử thay vì chọn đường link có sẵn, chỉ đăng nhập tại website chính thức của ngân hàng; luôn đăng xuất khỏi các website đã nhập thông tin cá nhân.