Ông Marcus Agius sẽ tuyên bố việc từ chức trước ban lãnh đạo. Mặc dù việc ông Agius phải ra đi là điều bắt buộc vào lúc này, song điều đó vẫn khiến nhiều người bất ngờ. Trong thông báo cuối tuần trước, vị Chủ tịch Barclays đã thừa nhận rằng, vụ bê bối làm hủy hoại nghiêm trọng danh tiếng của định chế tài chính này và đưa ra lời xin lỗi với nhân viên, khách hàng và cổ đông.
Trước đó, hôm 27/6, ngân hàng Anh này đã thông báo sẽ nộp khoản tiền phạt 290 triệu Bảng Anh (tương đương 452 triệu USD) cho nhà chức trách Anh và Mỹ do thao túng lãi suất cho vay liên ngân hàng. Sau khi nộp phạt, Giám đốc điều hành của Barclays, ông Bob Diamond, nói ông và các quan chức cấp cao khác của ngân hàng này sẽ bị cắt tiền thưởng trong năm nay vì sự cố trên.
Thỏa thuận trên đạt được sau cuộc thương lượng khó khăn với Cơ quan Quản lý tài chính Anh (FSA), Ủy ban Quản lý giao dịch tương lai Mỹ và Vụ Điều tra lừa đảo, Bộ Tư pháp Mỹ. Việc dàn xếp trên làm dấy lên nhiều câu hỏi về mức độ đáng tin cậy của lãi suất liên ngân hàng London (Libor), vốn đang là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay và hợp đồng tài chính đến 360.000 tỷ USD.
Lãi suất thực mà các ngân hàng vay mượn trên Libor từ lâu được xem là thước đo quan trọng để đánh giá độ an toàn của tổ chức tài chính. Nhưng nhiều ngân hàng đã khai báo thấp hơn thực tế, khiến nhà đầu tư tưởng lầm là đang bỏ tiền vào nơi an toàn. Kết quả điều tra ban đầu của FSA cho thấy, dấu hiệu gian lận rõ nhất nằm ở Barclays và ngân hàng này phải nộp phạt 452 triệu USD.
Quyền giám đốc phụ trách tội phạm tài chính của Cơ quan Quản lý tài chính Anh, bà Tracey McDermott, cho rằng hành vi sai trái của ngân hàng Barclays là “vô cùng nghiêm trọng, có quy mô lớn và đã kéo dài nhiều năm trời”. Theo bà, “sự minh bạch trong những chỉ số có tính chất tiêu chuẩn có tầm quan trọng nền tảng với cả thị trường tài chính ở nước Anh cũng như thế giới”.
FSA thông báo họ sẽ tiếp tục “tiến hành hàng loạt cuộc điều tra quan trọng xuyên biên giới khác” liên quan tới vụ việc này. “Barclays đã hợp tác đầy đủ trong cuộc điều tra của FSA và đồng ý thu xếp một thỏa thuận từ sớm. Nhờ thế công ty đã được giảm 30% trong khoản dàn xếp với FSA”, FSA tuyên bố.
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố rằng sẽ điều tra đến cùng vụ việc. Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh cho rằng sẽ có trừng phạt thích đáng hoạt động gian lận lãi suất của Barclay và các ngân hàng khác. “Những người có trách nhiệm trong vụ việc này sẽ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi mong muốn các tổ chức tài chính hỗ trợ tạo việc làm và thịnh vượng cho hàng triệu người dân”, ông nói.