Azerbaijan đang lên kế hoạch áp dụng phương pháp thu phí BHTG trên cơ sở rủi ro theo đúng lộ trình chiến lược phát triển các dịch vụ tài chính tại quốc gia này. Mô hình CAMELS sẽ được nước này sử dụng làm phương pháp đánh giá, xếp loại TCTD.
Mô hình CAMELS là hệ thống giám sát xếp hạng có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, nhằm phân loại tình trạng của các ngân hàng. Theo đó, các cơ quan chức năng giám sát sẽ xếp hạng từng ngân hàng từ mức 1 là ngân hàng có mức độ rủi ro thấp đến mức 5 là ngân hàng có mức độ rủi ro cao. Những ngân hàng được xếp hạng ở mức 1 và 2 được cho là những tổ chức tín dụng có chất lượng cao. Còn những ngân hàng được xếp hạng từ mức 3 trở lên được coi là những tổ chức tài chính chưa đạt yêu cầu. Trên cơ sở phân loại theo CAMELS, các ngân hàng có mức độ rủi ro cao hơn sẽ phải nộp mức phí BHTG cao hơn.
Việc chuyển đổi sang áp dụng phương pháp tính phí trên cơ sở rủi ro nằm trong trong khuôn khổ kế hoạch nâng cao hiệu quả cơ chế BHTG của quốc gia này. Mới đây, dự thảo mô hình thu phí BHTG của Azerbaijan đã được giới thiệu tới các chuyên gia phân tích, đánh giá.
Nhìn chung, các chuyên gia đều đưa ra những đánh giá tích cực đối với mô hình thu phí, đồng thời cũng có một số khuyến nghị. Hiện tại, những khuyến nghị này đang được xem xét và thiếp thu.
Với sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Sĩ, WB bắt đầu triển khai giai đoạn hai dự án Hiện đại hóa ngành Tài chính tại Azerbaijan từ tháng 2/2017. Dự án dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 thông qua khoản tài trợ trị giá 3 triệu đôla Mỹ từ Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO). Mục tiêu chính của dự án là cải thiện khuôn khổ pháp lý và điều tiết ngành tài chính hướng tới phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời phát triển thể chế của Cơ quan Giám sát Thị trường tài chính (FMSB) cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ BHTG Azerbaijan (ADIF). Dự án được kỳ vọng sẽ góp phần ổn định ngành ngân hàng – tài chính, củng cố hệ thống BHTG, tăng cường bảo vệ lợi ích cho người sử dụng các dịch vụ tài chính cũng như tái cơ cấu các khoản vay có vấn đề.
Tại Azerbaijan, Quỹ BHTG (ADIF) được thành lập vào 12/8/2017 sau khi Luật BHTG được Quốc hội nước này thông qua. Mục tiêu của việc thiết lập cơ chế BHTG là ngăn ngừa nguy cơ thất thoát tiền gửi cá nhân và đảm bảo sự phát triển bền vững toàn hệ thống tài chính – ngân hàng ngay cả khi có ngân hàng đổ vỡ.
Theo Luật BHTG Azerbaijan, các khoản tiền gửi với lãi suất tối đa 3% đối với ngoại tệ và 15% đối với Manats – đồng tiền Azerbaijan tại các ngân hàng tham gia BHTG sẽ được bảo hiểm toàn bộ trong vòng 03 năm.
Hiện tại, các tổ chức tham gia BHTG phải đóng phí BHTG theo quý với mức 0.125% (tương đương 0.5%/năm) trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức đó. Theo đó, trung bình hàng năm, ADIF nhận được khoảng 30 triệu Manats (tương đương khoảng 17.65 triệu đôla Mỹ).
Nguồn:
https://en.trend.az/business/economy/2803344.html
https://www.azernews.az/business/119903.html