Trong một thập kỷ trở lại đây, công tác đánh giá kế hoạch dự phòng đổ vỡ ngày càng quan trọng nhằm nâng cao khả năng xử lý đổ vỡ. Theo CDIC, kế hoạch dự phòng là một thành tố trong tổng thể các biện pháp dự phòng, nhằm bảo vệ tiền gửi của người gửi tiền, đồng thời đảm bảo kịp thời phản ứng, xử lý đổ vỡ của các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Bên cạnh kế hoạch dự phòng, CDIC cũng đề cập đến giả lập ứng phó khủng hoảng, giám sát, đánh giá rủi ro, liên tục nâng cao năng lực và quy trình nội bộ là các biện pháp nhằm dự phòng đổ vỡ.
Khảo sát của CDIC tại khu vực Bắc Mỹ đã cho thấy những cách tiếp cận khác nhau trong việc thực hiện kiểm tra kế hoạch dự phòng. Cụ thể, đối với phương pháp tiếp cận tập trung, chỉ có duy nhất một đơn vị được trao trách nhiệm kiểm tra. Đối với phương pháp tiếp cận phân tán, trách nhiệm được phân chia cho nhiều đơn vị. Một số tổ chức sử dụng phương pháp kết hợp, trong đó một đơn vị ở cấp trung ương giám sát toàn bộ chương trình, những đơn vị khác chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện kiểm tra. Việc quyết định sử dụng mô hình nào phụ thuộc vào tính linh hoạt và nguồn lực của tổ chức đó, vì thế không một mô hình nào được coi là lý tưởng.
Các tổ chức BHTG và cơ quan chức năng xử lý ngân hàng đã xây dựng các kế hoạch kiểm tra cho nhiều năm. Diễn tập thảo luận và ứng phó điều kiện giả lập là những hoạt động kiểm tra được sử dụng phổ biến nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng đang ngày càng gia tăng kiểm tra với sự tham gia của các thành viên mạng an toàn tài chính. Vai trò điều phối trong quá trình thực hiện kiểm tra là rất trọng yếu, qua đó dẫn dắt và đưa ra các tình huống giả định vào thời điểm phù hợp. Các tổ chức BHTG và cơ quan chức năng xử lý ngân hàng đánh giá, quá trình báo cáo và phản hồi góp phần quan trọng nhằm đưa ra các cải tiến liên tục trên góc độ hệ thống.
Nghiên cứu của CDIC chỉ ra, các tổ chức trong khu vực đã nỗ lực không ngừng để tìm kiếm giải pháp cho những thử thách mà họ gặp phải trong quá trình thực hiện hoạt động kiểm tra. Hạn chế về nguồn nhân lực trình độ cao gây khó khăn trong việc thiết kế các hoạt động quy mô lớn. Điều này dẫn đến thách thức không nhỏ khi xác định mức độ kiểm tra. Ví dụ: nguồn nhân lực bị quá tải có thể khiến vấn đề trở nên trầm trọng thêm, qua đó thu hẹp phạm vi kiểm tra. Bên cạnh đó, các hoạt động kiểm tra cần phải cân bằng với hoạt động chuyên môn của tổ chức. Xây dựng một kịch bản kiểm tra cụ thể, chi tiết, sát thực tế và chia sẻ đầy đủ thông tin với các tổ chức có liên quan là khó khăn chung của nhiều tổ chức trong khu vực. Quá trình kiểm tra có thể tốn thời gian, tạo nên khó khăn trong việc giả lập các tình huống có mức độ khẩn cấp cao. Đồng thời, hạn chế về nguồn lực cũng như khả năng đáp ứng các nhu cầu hoạt động có thể ảnh hưởng tới thời gian phản hồi các báo cáo.
Qua nghiên cứu của CDIC, các tổ chức trong khu vực Bắc Mỹ đã thể hiện sự linh hoạt khi điều chỉnh các kế hoạch triển khai kiểm tra phù hợp với diễn biến của đại dịch COVID-19. Cơ quan quản lý thị trường tài chính (AMF) và CDIC đã khắc phục ảnh hưởng đến các hoạt động thử nghiệm được lên kế hoạch từ trước do chuyển sang làm việc từ xa. Trong khi đó, Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) và Viện Bảo vệ Tiết kiệm ngân hàng (IPAB) chứng minh được khả năng quản lý qua việc xử lý các trường hợp đổ vỡ ngân hàng trong suốt đại dịch.
Tài liệu do CDIC biên soạn đề cập đến 4 nghiên cứu trường hợp nhằm minh họa các tình huống khác nhau và các yếu tố thực tế liên quan đến các chương trình thử nghiệm kế hoạch dự phòng.
Trong tương lai, IADI có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu ra ngoài khu vực Bắc Mỹ. Bên cạnh đó, IADI cũng có thể mở rộng nội dung nghiên cứu nhằm khảo sát về cơ chế giả lập ứng phó khủng hoảng đối với các tổ chức có tầm ảnh hưởng hệ thống, hoặc phát triển các chương trình đánh giá kế hoạch dự phòng hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu./.