Theo bà Michele Bourque – Giám đốc điều hành CDIC, mặc dù hiện nay người dân Canada đang có xu hướng sử dụng công nghệ vào hoạt động thanh toán, tuy nhiên họ cần có hiểu biết về giới hạn bảo hiểm của CDIC. “Khi đề cập đến vấn đề BHTG, điều quan trọng nhất là xem xét nó trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế” – bà nhấn mạnh.
Cũng theo bà Bourque, hạn mức trả tiền bảo hiểm của CDIC tối đa là 100.000 đô-la Canada bao gồm cả gốc lẫn lãi (tương đương 92.000 đô-la Mỹ) áp dụng khi xảy ra sự cố đổ vỡ, ngoại trừ các thiệt hại có liên quan đến gian lận.
Bên cạnh đó, bà Bourque khuyến cáo người gửi tiền nên kiểm tra số dư tài khoản đối với tiền gửi thuộc đối tượng Quỹ tiết kiệm hưu trí (RRSPs), nếu vượt quá 100.000 đô-la Canada thì số tiền phụ trội sẽ không được bảo hiểm trong trường hợp đổ vỡ ngân hàng. Tuy nhiên, nếu người gửi tiền tách sổ tiết kiệm và gửi ở các hạng mục khác nhau, ví dụ: tiền gửi liên danh hoặc tiền gửi tín thác thì vẫn được bảo hiểm với hạn mức tối đa nêu trên.
CDIC là tổ chức Liên bang đóng vai trò bảo vệ quyền lợi người gửi tiền trong trường hợp xảy ra đổ vỡ tại các tổ chức tham gia BHTG. Tiền gửi hợp pháp tại các tổ chức này được bảo hiểm tự động với hạn mức tối đa lên tới 100.000 đô-la Canada đối với mỗi tài khoản tiền gửi. Các tổ chức tham gia BHTG bao gồm: ngân hàng, liên minh tín dụng liên bang, các công ty cho vay và quản lý tài sản ủy thác, hiệp hội các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi… CDIC vận hành theo nguyên tắc không dùng quỹ công mà thu phí BHTG từ các tổ chức tham gia BHTG để hình thành nguồn vốn hoạt động.