Mục tiêu chính của hệ thống BHTG là bảo vệ người gửi tiền và góp phần ổn định tài chính; giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt; đánh giá rủi ro của ngân hàng, can thiệp sớm, thúc đẩy quản lý rủi ro lành mạnh và thực hiện các biện pháp xử lý tổ chức tài chính yếu kém. Tuy nhiên, hệ thống BHTG không thể tự đảm bảo hoặc tự khôi phục sự ổn định của hệ thống tài chính, đặc biệt khi xảy ra khủng hoảng. Một hệ thống BHTG sẽ càng phát huy vai trò của mình khi là một nhân tố của mạng an toàn tài chính; đồng thời có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên cũng như cơ chế phối hợp giữa thành viên trong mạng.
Để có cái nhìn thực tiễn về việc tổ chức BHTG góp phần phát huy vai trò trong ổn định tài chính, bài viết xin giới thiệu kinh nghiệm của Tổng công ty BHTG Liên bang Mỹ (FDIC).
FDIC – Nhân tố góp phần khôi phục và duy trì niềm tin công chúng vào sự ổn định của hệ thống tài chính
Trong số các tổ chức BHTG trên thế giới, FDIC là tổ chức BHTG được thành lập sớm nhất vào năm 1933. Mục tiêu chính sách công của FDIC là khôi phục và duy trì niềm tin của công chúng và sự ổn định của hệ thống tài chính.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, cùng với các biện pháp cứu trợ khẩn cấp khác, hạn mức BHTG đã được tạm thời nâng từ 100.000USD lên 250.000USD. FDIC tích cực triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức công chúng về việc tăng hạn mức BHTG giúp người gửi tiền nhận được thông tin nhanh chóng, không rơi vào tâm lý hoang mang lo lắng nên đã không xảy ra hiện tượng rút tiền hàng loạt.
Đến nay, hạn mức BHTG 250.000 USD vẫn được áp dụng tại Mỹ. Với hạn mức này, theo kết quả khảo sát thường niên IADI 2018, 99% tài khoản tiền gửi được bảo hiểm toàn bộ. Hiện nay, khi đại dịch Covid -19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới và Mỹ đang là nước chịu nhiều ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, FDIC đã tích cực truyền thông tới người gửi tiền về sự an toàn của tiền gửi tại các ngân hàng được FDIC bảo vệ. Bên cạnh đó, FDIC cũng tuyên bố các ngân hàng được FDIC bảo hiểm vẫn là nơi an toàn nhất để người dân Mỹ cất giữ tiền, đồng thời bất chấp những thách thức do dịch Covid-19 gây ra, FDIC luôn sẵn sàng thực hiện sứ mệnh BHTG, thúc đẩy sự ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo hoạt động an toàn và lành mạnh của các tổ chức tài chính do FDIC giám sát.
FDIC cũng tích cực góp phần ổn định tài chính thông qua đánh giá rủi ro của ngân hàng, can thiệp sớm, thúc đẩy quản lý rủi ro lành mạnh và thực hiện các biện pháp xử lý tổ chức tài chính hiệu quả yếu kém. FDIC là cơ quan giám sát liên bang đối với các ngân hàng cấp tiểu bang không phải thành viên của Cục dự trữ Liên bang (FED) và các tổ chức tiết kiệm cấp tiểu bang.
Đối với các tổ chức này, FDIC thực hiện giám sát rủi ro (an toàn và lành mạnh) và thực hiện các cuộc kiểm tra liên quan đến tín thác, Luật Bảo mật ngân hàng/phòng chống rửa tiền, công nghệ thông tin với sự hợp tác của các cơ quan giám sát ngân hàng cấp bang. FDIC cũng thực hiện giám sát tuân thủ các quy định về bảo vệ người tiêu dùng, tái đầu tư cộng đồng và các quy định về cho vay.
Đối với các tổ chức tài chính được bảo hiểm khác, FDIC cũng có trách nhiệm giám sát với vai trò là tổ chức BHTG. FDIC thực hiện đánh giá các báo cáo kiểm tra và các thông tin có sẵn từ các cơ quan chịu trách nhiệm giám sát liên bang chính và có quyền thực hiện các cuộc kiểm tra đặc biệt đối với các tổ chức tài chính này. Khi tổ chức tài chính tham gia BHTG có vấn đề, FDIC có quyền ban hành lệnh áp dụng Biện pháp khắc phục kịp thời (Prompt Corrective Action - PCA), được coi là cảnh báo chính thức đầu tiên. Tại thời điểm này, tổ chức vẫn chưa bị thu hồi giấy phép hoạt động nhưng một số giao dịch, hoạt động và trả cổ tức sẽ bị hạn chế, lãnh đạo ngân hàng có thể bị thay thế hoặc cách chức.
Trường hợp tổ chức tài chính không khắc phục được theo PCA, FDIC có thể được giao quyền xử lý tổ chức tài chính đó. Khi được giao quyền xử lý, FDIC được quyền quyết định biện pháp xử lý. Các biện pháp xử lý chính mà FDIC sử dụng là giao dịch Mua lại và tiếp nhận (P&A) và chi trả bảo hiểm tiền gửi. Nếu lựa chọn biện pháp chi trả BHTG, FDIC chịu trách nhiệm thanh lý tài sản và giải quyết những vấn đề liên quan đến tài sản của tổ chức tài chính đó.
Liên hệ với Việt Nam
Tại Việt Nam, Luật BHTG quy định “BHTG nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng”.
Hiện nay, theo Quyết định số 21/2017/QĐ-TTg ngày 15/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia BHTG tối đa là 75 triệu đồng. Tại thời điểm 2017, với hạn mức BHTG này, tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm là 87,32%, vẫn thấp so với thông lệ quốc tế để có thể bảo vệ phần lớn người gửi tiền. Để thực hiện tốt vai trò góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, BHTGVN nên đề xuất tăng hạn mức BHTG hướng đến bảo vệ toàn bộ trên 90% người gửi tiền, đồng thời tích cực truyền thông về chính sách BHTG để củng cố niềm tin công chúng vào hoạt động ngân hàng, qua đó góp phần ngăn ngừa trường hợp rút tiền hàng loạt khi xảy ra tin đồn thất thiệt trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, với quyền và nghĩa vụ được quy định trong Luật BHTG, BHTGVN còn góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng thông qua hoạt động giám sát, kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG, tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt, chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG.
Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng, BHTGVN còn có nhiệm vụ: Cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt; Mua trái phiếu dài hạn của tổ chức tín dụng hỗ trợ theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tham gia đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính, quỹ tín dụng nhân dân; Tham gia xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Như vậy, vai trò của BHTGVN trong việc xử lý tổ chức tín dụng yếu kém đã được tăng cường. Để thực hiện mục tiêu góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng, trong thời gian tới, BHTGVN cần tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được quy định trong Luật BHTG ; đồng thời triển khai thực hiện các nhiệm vụ được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo tài liệu Mục tiêu chính sách công 2020 của IADI , tuỳ thuộc vào nhiệm vụ và quyền hạn của tổ chức BHTG, có sự khác biệt trong việc tổ chức BHTG đóng góp cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Vai trò ổn định tài chính là cơ bản nhưng cần thiết cho tất cả các hệ thống BHTG là giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt. Mục tiêu này dựa trên những lo ngại người gửi tiền có thể mất niềm tin vào tổ chức tín dụng và đổ xô đi rút tiền, dẫn đến việc các tổ chức này phải đối mặt với khó khăn thanh khoản, thậm chí phải thanh lý tài sản với giá thấp để đáp ứng nhu cầu rút tiền hàng loạt của người gửi tiền. Bằng cách bảo vệ người gửi tiền, BHTG làm giảm rủi ro người gửi tiền đi rút tiền hàng loạt. Bên cạnh đó, khả năng giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm hạn mức BHTG, nhận thức công chúng, mức độ chi trả nhanh chóng cho người gửi tiền, độ tin cậy của hệ thống BHTG… Theo tài liệu Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả 2013 của IADI, để ngăn chặn việc rút tiền mất kiểm soát, hạn mức BHTG cần đủ lớn để bảo hiểm toàn bộ phần lớn người gửi tiền (khoảng 90-95% tổng số người gửi tiền) và đảm bảo người gửi tiền được thông tin đầy đủ về những hạn chế của hạn mức BHTG. Đồng thời, theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả 2014 của IADI, cần đảm bảo công chúng được thông tin thường xuyên về lợi ích và hạn chế của hệ thống BHTG. Việc truyền tải thông điệp tích cực và cung cấp thông tin chính xác cho người gửi tiền sẽ góp phần ngăn ngừa trường hợp rút tiền hàng loạt. |
Tài liệu tham khảo
Hướng dẫn nâng cao về phát triển hệ thống BHTG hiệu quả - Hạn mức BHTG, IADI 2013
Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả, IADI 2014
Mục tiêu chính sách công của hệ thống BHTG, IADI 2020