Theo ông Kim So-young – Phó chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hàn Quốc, Tổng Công ty BHTG Hàn Quốc (KDIC) sẽ được trao nhiệm vụ đứng ra hỗ trợ các công ty tài chính nhằm giảm nguy cơ đổ vỡ, đồng thời ngăn ngừa khủng hoảng kinh tế lan rộng, tấn công vào ngành tài chính.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối thập niên 90, Hàn Quốc thiếu chút nữa đã lâm vào tình trạng vỡ nợ và chỉ “thoát hiểm” nhờ sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nước này cũng phải hứng chịu sự sụt giảm dòng vốn nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008-2009. Thời kỳ đó, các công ty tài chính và các ngân hàng đã mất thanh khoản nghiêm trọng, khiến cho cuộc khủng hoảng càng trở nên trầm trọng.
Theo quy định hiện hành, cơ quan BHTG chỉ có thể vào cuộc khi thanh lý tổ chức tài chính bị đổ vỡ chứ không được quyền hỗ trợ tài chính, bơm vốn để phục hồi tổ chức tài chính đó ở thời điểm chưa đổ vỡ.
Ông Kim So-young cho biết, kế hoạch gia tăng quyền hạn của KDIC đã được đưa ra bàn thảo tại một phiên họp giữa các lãnh đạo cấp cao thuộc Ủy ban Dịch vụ Tài chính (FSC), Cơ quan Giám sát Tài chính (FSS) và KDIC, trong bối cảnh những lo ngại về một cuộc suy thoái quy mô toàn cầu sắp diễn ra, đe dọa tới các nền kinh tế và thị trường thế giới.
Những lo ngại nói trên xuất hiện khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng mạnh lãi suất, xu hướng đồng đô la mạnh lên, lạm phát cao và sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra đã gây xáo trộn thị trường Hàn Quốc.
Người đứng đầu FSS, ông Lee Bok-hyun chia sẻ: Một số chuyên gia so sánh tình trạng kinh tế hiện tại với cú sốc dầu mỏ (trong những năm 1970) khi thế giới phải hứng chịu lạm phát và suy thoái kinh tế cùng một lúc. Ông Lee Bok-huyn đánh giá, Hàn Quốc có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng hơn, do chuỗi giá trị toàn cầu đã ngày càng đan xen chặt chẽ hơn so với trước đây, dẫn tới một cơn bão kinh hoàng chưa từng có.
Bên cạnh việc giao cho KDIC chức năng bơm vốn hỗ trợ cho các tổ chức tài chính, các cơ quan quản lý tài chính Hàn Quốc cũng đã xem xét tới việc nâng cao các biện pháp giám sát, đặc biệt là giám sát, đo lường tỷ lệ an toàn hoạt động, tăng cường quản lý thanh khoản ngoại hối của các tổ chức tài chính trong nước…