Hội thảo đã làm rõ những thay đổi trong mô hình đánh giá mức độ rủi ro tại các tổ chức tài chính, ví dụ như: thay đổi các chỉ báo nhằm cải thiện hiệu suất dự báo trước khả năng tổ chức tài chính có thể gặp rủi ro đổ vỡ; giải thích các phương pháp đo lường nhằm thúc đẩy kinh doanh an toàn trong lĩnh vực tài chính, bao gồm một bản đánh giá thử đối với nửa đầu năm nay.
Theo nội dung tại các hội thảo, KDIC sẽ cải tiến mô hình đánh giá mức độ rủi ro nhằm nâng cao hiệu quả dự báo khả năng đổ vỡ của tổ chức tài chính thông qua cải tiến, bổ sung các chỉ báo về rủi ro: Kết hợp với những thay đổi trong tiêu chuẩn giám sát sau khi áp dụng các tiêu chuẩn Basel III vào mô hình tính phí, đồng thời áp dụng 10 chỉ số mới để phản ánh những thay đổi gần đây trên thị trường tài chính. Trên cơ sở đó, KDIC thay đổi các tiêu chuẩn phân loại đối với các tổ chức tài chính tham gia BHTG, loại bỏ điểm cơ sở và điều chỉnh các phương pháp tính điểm đánh giá bổ sung (chiếm 20% điểm số cuối cùng) để đảm bảo rằng mô hình này phản ánh những rủi ro hiện tại trên thị trường tài chính một cách kịp thời.
Cùng với việc thay đổi mô hình lượng giá, số lượng tổ chức tài chính được xếp loại 1 tới loại 3 – những tổ chức có mức độ rủi ro thấp nhất – tối đa chỉ chiếm 50% tổng số tổ chức BHTG cho đến khi cơ quan BHTG áp dụng các biện pháp chính sách nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính.
Thông thường, cuối mỗi năm kinh doanh, việc đánh giá rủi ro nhằm xác định mức phí BHTG sẽ được thực hiện. Mỗi tổ chức tài chính sẽ được cung cấp một bản báo cáo đầy đủ mô tả hoạt động của tổ chức đó trong tương quan phát triển của ngành cũng như so sánh vị trí xếp hạng của tổ chức tài chính qua thời gian so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường, chỉ ra điểm yếu cùng với những giải pháp nâng hạng xếp loại cũng như quản lý rủi ro tổng thể. Mục tiêu là tạo cho các tổ chức tài chính có động lực lớn hơn để tự quản lý một cách an toàn và lành mạnh.
Kể từ năm 2018, KDIC sẽ thực hiện đánh giá thử vào giữa năm và kết quả được chia sẻ với các tổ chức tài chính nhằm giúp họ nhận thức được những điểm còn hạn chế và giải quyết trước khi tiến hành đánh giá chính thức. Theo KDIC, việc đánh giá thử vào giữa năm sẽ không tạo ra thêm gánh nặng cho các tổ chức tài chính trong việc cung cấp dữ liệu, cũng như không tác động đến kết quả đánh giá chính thức cuối năm.
Nguồn: http://www.kdic.or.kr/english/what/view.jsp?tbl=E_BODO_LIST&ser_no=100