Trong bài phát biểu đề dẫn, TS. Thomas Hoenig – nguyên Phó Chủ tịch Tổng công ty BHTG Liên Bang Mỹ (FDIC) nêu rõ việc các tổ chức BHTG có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng bao trùm cũng như ổn định tài chính thông qua các chương trình phổ cập dịch vụ tài chính hiệu quả. Ông Hoenig cũng dẫn chứng kinh nghiệm của FDIC trong việc triển khai các chương trình phổ cập dịch vụ tài chính, gia tăng hiểu biết và niềm tin công chúng vào hệ thống ngân hàng, tăng cường tiện ích đối với người sử dụng các dịch vụ tài chính.
TS. Peter Morgan - đồng Chủ tịch Viện nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á giới thiệu một nghiên cứu thực nghiệm cho thấy phổ cập dịch vụ tài chính có thể góp phần gia tăng hoạt động lành mạnh của các tổ chức tài chính thông qua quá trình đa dạng hóa tài sản, qua đó góp phần vào sự ổn định tài chính.
TS. Soonho Lee – Nghiên cứu sinh tại Học viện Tài chính Hàn Quốc và TS. Seungkon Oh – Trưởng nhóm Nghiên cứu thực nghiệm của KDIC đã đưa ra những đề xuất chính sách, như nâng cao cơ chế bảo vệ gia đình và cá nhân sử dụng các dịch vụ tài chính, hạn chế những góc khuất của công tác bảo vệ người tiêu dùng trong bối cảnh phát triển các dịch vụ công nghệ - tài chính, cũng như xây dựng chính sách khuyến khích trách nhiệm xã hội trong ngành tài chính. Các diễn giả cũng đề cập tới những vai trò của tổ chức BHTG trong quá trình gia tăng phổ cập dịch vụ tài chính.
Theo KDIC, tổ chức này đang đóng góp cho quá trình phổ cập dịch vụ tài chính thông qua các nỗ lực phổ biến kiến thức tài chính; tái cơ cấu các khoản nợ của những người vay nhỏ gặp khó khăn tại các ngân hàng đổ vỡ; tổ chức các hội thảo với sự tham gia của cán bộ cao cấp thuộc các cơ quan chính phủ, các chuyên gia, nhà nghiên cứu để trao đổi về các vấn đề trong nước và quốc tế liên quan đến phổ cập dịch vụ tài chính.
Đ.T.T
Nguồn: KDIC