Tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tới nền kinh tế Tây Ban Nha diễn ra theo 3 giai đoạn. Ngay trong giai đoạn đầu, Tây Ban Nha đã áp dụng một số biện pháp đặc biệt, trong đó nâng hạn mức BHTG từ 20.000 euro lên 100.000 euro, tuân thủ Chỉ thị 2009/14 của EU là tăng hạn mức BHTG từ 20.000 euro lên tối thiểu là 50.000 euro ở các quốc gia thành viên EU. Ở giai đoạn thứ hai, cuộc khủng hoảng tác động mạnh mẽ hơn buộc nước này phải thành lập một Ngân hàng Tái thiết nhằm khuyến khích việc hợp nhất các ngân hàng và tăng cường dự phòng vốn của các tổ chức tín dụng. Hiện Tây Ban Nha vẫn đang ở trong giai đoạn thứ ba của cuộc khủng hoảng, khiến người dân càng thêm lo ngại về tình trạng nợ nần của Chính phủ.
Đã có những tồn tại, hạn chế cản trở tổ chức BHTG Tây Ban Nha trong việc đối phó và xử lý khủng hoảng. Trên cơ sở đó, IMF xem xét những khuyến nghị quốc tế để nâng cao hiệu quả của tổ chức này.
Một số hạn chế đối với hoạt động của FGD
Thứ nhất, trong trường hợp thanh lý tài sản của ngân hàng đổ vỡ, FGD và người gửi tiền đều không được hưởng chế độ ưu đãi nào về tài sản của ngân hàng đổ vỡ. Khi xảy ra đổ vỡ, FGD chỉ định bên thanh lý, sau đó kiểm soát quá trình chi trả. Sau khi tiến hành chi trả tiền gửi được bảo hiểm cho người gửi tiền, FGD cùng với người gửi tiền được hoàn lại tiền từ việc thanh lý tổ chức bị đổ vỡ nhưng theo thứ tự giống như một chủ nợ không được bảo đảm, nghĩa là sau chủ nợ được đảm bảo.
Thứ hai, là cơ quan có chức năng bảo vệ cho người gửi tiền, nhưng FGD lại không có quyền truy cập các dữ liệu của ngân hàng; mà NHTW với tư cách là cơ quan giám sát ngân hàng mới có quyền thu thập số liệu về tiền gửi được bảo hiểm, và yêu cầu thường xuyên hơn khi tình trạng tài chính của ngân hàng xấu đi. Chính vì vậy, những hành động can thiệp của FGD có thể bị chậm trễ do không chỉ được tiến hành theo ý muốn chủ quan của tổ chức này mà còn dựa trên những sự kiện được quy định trong luật và theo thông tin mà Ngân hàng Trung ương Tây Ban Nha (BdE) cung cấp.
Thứ ba, tổng tài sản tích lũy của FGD hiện rất thấp. Sự hỗ trợ của FGD đối với việc mua lại ngân hàng CAM trên thực tế đã làm giảm nguồn vốn của FGD mà được khôi phục bằng việc thu phí thường xuyên gần đây của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, nguồn vốn vẫn còn thấp. Có thể chính thức thu thêm phí từ các ngân hàng thành viên, nhưng những mức phí cao đối với các ngân hàng vốn đã gặp khó khăn về tài chính có thể phản tác dụng. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ thị trường để khôi phục lại quỹ FGD không dễ trong giai đoạn khủng hoảng. Các mức phí bất thường vẫn phải được sự đồng ý của các đại diện ngân hàng, phải có sự nhất trí của 2/3 số thành viên của Hội đồng Quản trị của FGD, bao gồm ít nhất hai đại diện của ngành ngân hàng.
Cuối cùng, ở Tây Ban Nha còn thiếu cơ chế xử lý đặc biệt, để có thể đảm bảo khả năng hỗ trợ về tài chính của FGD theo những thông lệ tốt nhất về xử lý đổ vỡ hiện tại. Bên cạnh đó, các hình thức xử lý can thiệp của các cơ quan trong mạng an toàn tài chính của Tây Ban Nha dường như có sự chồng chéo, chẳng hạn như giữa việc hỗ trợ tài chính của FGD và việc hỗ trợ thanh khoản của Ngân hàng Trung ương.
Một số khuyến nghị của IMF đối với hệ thống BHTG của Tây Ban Nha
Theo IMF, sự can thiệp xử lý của FGD nên tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xử lý ngân hàng, nhờ đó đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả quỹ bảo hiểm và duy trì các dịch vụ ngân hàng. Theo phương án chi phí tối thiểu, việc hỗ trợ tài chính của FGD nên theo hướng chuyển ngân hàng yếu kém hoặc hoạt động kinh doanh của nó sang cho một tổ chức lành mạnh hơn hoặc một ngân hàng bắc cầu.
Mặc dù cơ chế cấp vốn trước của FGD là một nhân tố tích cực, nhưng vẫn cần xem xét việc hỗ trợ công khai của Chính phủ. Theo Luật, FGD được phép vay từ bên thứ ba, từ khu vực tư nhân hay công, nếu Quỹ này không đủ mức vốn cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình. Căn cứ trên quyền hạn hiện tại, việc Chính phủ hoặc Ngân hàng Tái thiết của nước này cấp tín dụng vào lúc cần thiết ở mức lãi suất thị trường sẽ giúp tăng cường niềm tin của các bên hưởng lợi rằng FGD có thể hoàn thành nhiệm vụ trong thời hạn ngắn. Các khoản vay như vậy sẽ phải do các tổ chức tín dụng là thành viên của FGD hoàn trả trong thời kỳ trung hạn.
Do nguồn vốn của FGD còn khá thấp nên IMF đề xuất có thể chính thức thu thêm phí từ các ngân hàng thành viên, nhưng không nên ở mức quá cao đối với các ngân hàng vốn đã gặp khó khăn về tài chính vì có thể gây tác dụng ngược là đẩy họ lún sâu hơn vào khó khăn. Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ thị trường để khôi phục lại quỹ FGD không dễ trong giai đoạn khủng hoảng.