Vài năm trở lại đây, tình hình tài chính – ngân hàng của khu vực châu Âu có nhiều thay đổi tích cực. Theo thông tin từ Hội đồng số liệu và phân tích kinh tế Châu Âu đánh giá tóm tắt rủi ro ngân hàng khu vực giai đoạn 2014-2017, có nhiều biến động về tỷ lệ nợ, chất lượng tài sản, và lợi nhuận. Trong giai đoạn này, tỷ lệ vốn cổ phần cấp 1 (CET1) đã tăng từ 12,5% (2014) lên 14,8% (2017), tất cả các ngân hàng đều tăng CET1 lên hơn 11%, tỷ lệ tổng vốn cũng tăng lên mức 19%. Tỷ lệ nợ xấu (NPL) đã giảm được 1/3 trong giai đoạn này, đối với các khoản nợ của tất cả các đối tượng như các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, trong đó ở khu vực doanh nghiệp lớn giảm được tới 40% khối lượng nợ xấu trong 3 năm. Tỷ lệ tiền gửi được bảo hiểm tăng từ 43,4% lên tới 44,5% vào năm 2014, mặc dù tỷ lệ nợ xấu phân hóa tương đối lớn ở các quốc gia khác nhau (0,7% ở Luxembourg, hay 44,9% ở Hy Lạp). Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt mức cao nhất trong vòng 8 năm, ở mức 6,1% vào năm 2017. Tài sản của ngành ngân hàng tăng từ mức 25,4% năm 2014 lên 27,8% năm 2017. Nguồn vốn ổn định cũng khiến việc gia tăng tiền gửi ổn định, cải thiện tỷ lệ nợ/tiền gửi từ 124,3% năm 2014 xuống còn 116,8% năm 2017.
Hình 1: Đánh giá tình hình các chỉ số rủi ro chính của hệ thống ngân hàng khu vực Châu Âu (Xanh – tích cực; vàng – trung bình; đỏ- tiêu cực). Nguồn: EBA (2018)
Hình 2: Tình hình nợ xấu ngân hàng Châu Âu giai đoạn 2014-2017. Nguồn: Dữ liệu giám sát của EBA (2018)
Theo đánh giá của ngân hàng BNP Paribas, Pháp, các ngân hàng châu Âu phải đối mặt với bối cảnh rủi ro cũ và mới đan xen. Các rủi ro cũ bao gồm rủi ro về chất lượng tài sản, vốn và thanh khoản. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng đổ vỡ ngân hàng xảy ra với tất cả các loại ngân hàng, nhưng các đổ vỡ lớn, chẳng hạn chiếm đến hơn 8% tổng số nợ, tập trung ở một số nhóm ngân hàng nhỏ và cá biệt. Theo đó, tiền gửi được bảo hiểm thường đồng nghĩa với rủi ro cao và cơ chế Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đóng vai trò trọng tâm trong việc bảo vệ người gửi tiền. Nguồn vốn từ cơ chế BHTG nhiều khi là nguồn vốn duy nhất từ khu vực công để ngăn ngừa đổ vỡ, chi trả và hỗ trợ tài chính cho các tổ chức tín dụng. Để đối phó với các rủi ro cũ, cần nâng cao yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng (như bổ sung khả năng cấp vốn để giảm thiểu tổn thất và hấp thụ tổn thất, các quỹ xử lý dự phòng tổn thất, ưu tiên người gửi tiền và cơ chế BHTG); giảm nợ xấu, tăng khả năng xử lý, tăng trách nhiệm bảo vệ tiền gửi. Các rủi ro mới nổi lên gồm vấn đề về an ninh mạng (nhiều cuộc tấn công mạng và dẫn đến chi phí lớn trong bảo mật an ninh), rủi ro về quản lý vĩ mô, rủi ro từ quy mô và đa dạng hóa tài sản của ngân hàng.
Ví dụ như trường hợp ngân hàng Intesa SanPaolo, Italy, ngân hàng này cho biết, các rủi ro cũ đối với ngân hàng bao gồm bối cảnh vĩ mô (như tăng trưởng khác biệt của các nước Châu Âu, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, tình trạng nợ côngvà những căng thẳng về địa chính trị toàn cầu); rủi ro về xoay vòng vốn; việc ngân hàng Châu Âu nới lỏng định lượng; xử lý nợ xấu tồn đọngvà các rủi ro liên quan đến tài sản thuộc nhóm 2 và nhóm 3. Để đối phó với rủi ro cũ, cần có các biện pháp phòng ngừa củng cố truyền thống như đảm bảo an toàn vốn, thanh khoản, giám sát rủi ro tiềm tàng do các cơ quan chức năng trong đó có tổ chức BHTG thực hiện để ứng phó nhanh chóng với tình huống xấu. Các rủi ro mới hiện nay đến từ các đối thủ cạnh tranh phi ngân hàng (như các công ty Fintech, Bigtech, Amazon, Facebook, Google); các rủi ro về số hóa; tiền điện tử (Bitcoin) và ảnh hưởng cách mạng 4.0 ngày một mạnh mẽ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng có vai trò quan trọng đối với nghiệp vụ ngân hàng v.v. Đối với các rủi ro mới do chuyển sang sử dụng công nghệ số cạnh tranh hơn, cần đầu tư cải tiến công nghệ thông tin, chú ý theo dõi các rủi ro số hóa để ngăn ngừa các cuộc tấn công mạng và đầu tư xây dựng khả năng phản ứng với rủi ro nhanh chóng.
Quy trình xử lý ngân hàng Châu Âu hiện nay
Hình 3: Các trường hợp khả thi cho việc xử lý ngân hàng có khả năng đổ vỡ ở Châu Âu. Nguồn: ECB (2018)
Hình 4: Quy trình xử lý ngân hàng của SRB hiện nay. Nguồn: SRB (2018)
Hiện nay, khi ngân hàng lâm vào tình trạng có khả năng đổ vỡ cần được xử lý bằng nguồn vốn công, thì quá trình xử lý phụ thuộc vào kế hoạch đã được chuẩn bị trước. Kế hoạch xử lý được Ủy ban xử lý thống nhất (Single resolution Board - SRB) và Cơ quan xử lý quốc gia (National Resolution Agency - NRA) xây dựng với đầy đủ các biện pháp xử lý ngân hàng đổ vỡ mà không tạo ra tác động tiêu cực có tính dây chuyền lên thị trường và người nộp thuế. Có 3 điều kiện cần để thực hiện hành động xử lý là: Có tổ chức tài chính đổ vỡ hoặc có nguy cơ đổ vỡ; không có triển vọng về việc khu vực tư nhân hỗ trợ ngăn chặn đổ vỡ; và hành động xử lý là cần thiết vì lợi ích công chúng. Một số công cụ xử lý có thể kể đến gồm: bán hoàn toàn hoặc một phần tổ chức tài chính đổ vỡ; ngân hàng bắc cầu; phân tách tài sản; và tự giải cứu (bail-in).
Khi thực hiện các hành động xử lý đó, khá nhiều thách thức đặt ra cho các cơ quan chức năng. Đó là vấn đề về dữ liệu sẵn có chính xác và được cập nhật kịp thời, sao cho cơ quan xử lý có thể đánh giá các báo cáo tài chính, tính toán tổn thất và điều chỉnh các yêu cầu về thanh khoản một cách hợp lý. Nguồn vốn phục vụ xử lý cần được đảm bảo đầy đủ và sẵn sàng để ổn định được thị trường và tâm lý của công chúng, nhất là khi ngân hàng đổ vỡ khó có thể tiếp cận với các dịch vụ tín dụng thông thường của thị trường tư nhân hay ngân hàng trung ương, như trường hợp tài sản thế chấp hữu hạn. Việc tiếp tục vận hành ngân hàng đòi hỏi các nhà cung cấp dịch vụ không chấm dứt hợp đồng khi ngân hàng trong giai đoạn xử lý, và vì thế kế hoạch xử lý được xây dựng từ trước cần tính toán đến những dịch vụ phải được duy trì trong quá trình xử lý ngân hàng, đảm bảo các hợp đồng dịch vụ có các điều khoản không bị ảnh hưởng bởi xử lý. Ngoài ra, việc triển khai hoạt động truyền thông kịp thời và có mục tiêu nhất định đến công chúng là chìa khóa đảm bảo duy trì niềm tin của thị trường, trên cơ sở phối hợp nhanh chóng, hiệu quả với các cơ quan có thẩm quyền (như ECB, cơ quan xử lý quốc gia, các tổ chức BHTG v.v.)
Tại châu Âu, Ủy ban SRB đưa ra quyết định về xử lý ngân hàng, công cụ xử lý và tập trung vào truyền thông và mối quan hệ với các cơ quan có thẩm quyền, trong đó có tổ chức BHTG, nhất là khi tổ chức BHTG đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý. Việc triển khai xử lý do NRA thực hiện, đặc biệt là tại quốc gia có đổ vỡ. NRA tham gia sâu sát vào quá trình xử lý, liên hệ trực tiếp với các ngân hàng để thực hiện hành động xử lý, đồng thời SRB và NRA cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau ở tất cả các bước của quy trình xử lý. Theo đó, việc phối hợp giữa các cơ quan này giúp giải quyết các vấn đề xuyên biên giới, vì vậy cần xây dựng được các văn bản thỏa thuận như Biên bản ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác giữa các bên.
Tại Nga, tính đến tháng 4 năm 2018, cơ quan BHTG Nga (DIA) đã tham gia chi trả cho 433 vụ đổ vỡ, xử lý 65 ngân hàng quy mô lớn và trung bình, trong đó bao gồm 6 trường hợp xử lý bằng Mua lại và tiếp nhận (P&A), và 59 trường hợp áp dụng các biện pháp ngăn ngừa đổ vỡ. DIA đã sắp xếp 3 trường hợp xử lý bằng tự giải cứu, mua lại tài sản từ 2 ngân hàng; trong đó có 1 trường hợp DIA đóng vai trò là cổ đông duy nhất của ngân hàng được xử lý. Từ năm 2005 – năm 2018, DIA đã được bổ nhiệm làm tổ chức tiếp nhận 621 ngân hàng đổ vỡ, tiến hành thanh lý 301 ngân hàng với thời gian tiếp nhận/thanh lý mỗi ngân hàng trung bình là 3 năm. Theo quy trình, Ngân hàng trung ương Nga sẽ bổ nhiệm DIA là cơ quan quản lý tạm thời của bất kỳ ngân hàng nào bị đóng cửa (bị thu hồi giấy phép hoạt động). Ngân hàng trung ương ủy quyền cho DIA thực hiện quy trình tiếp thị và bán tài sản của ngân hàng đổ vỡ, thủ tục của các quy trình này phải được Ngân hàng trung ương chấp thuận nhưng không cần phải có sự đồng ý của các chủ nợ. Ngoài ra, DIA được phép chuyển cho người mua một số khoản nợ nhất định của ngân hàng đổ vỡ thay vì thanh toán cho các tài sản đã mua lại (P&A) và/hoặc hoãn trả nợ tối đa 12 tháng các khoản nợ phải trả do DIA bồi thường cho người gửi tiền được bảo hiểm.
Hàm ý cho Việt Nam
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) là cơ quan đóng vai trò đầu mối trong việc xử lý các tổ chức tín dụng gặp vấn đề. Nói cách khác, NHNN đóng vai trò như Cơ quan xử lý quốc gia (NRA) tại Châu Âu để quyết định lựa chọn các kịch bản phù hợp khi xảy ra tình trạng tổ chức tín dụng mất khả năng thanh khoản.
Trong năm 2019, mục tiêu của ngành ngân hàng Việt Nam là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô. Theo đó, đẩy mạnh triển khai Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, tập trung xử lý hiệu quả các TCTD yếu kém; củng cố, chấn chỉnh hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân. Trong năm 2019 toàn ngành ngân hàng sẽ triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu mới phát sinh và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2%; tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu dưới 5%. Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của hệ thống các TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu... Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 08/01/2019 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019 và Chỉ thị số 05/CT-NHNN ngày 17/9/2018 của Thống đốc NHNN về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, nhằm kiểm soát tăng trưởng và nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.
Tính đến thời điểm cuối năm 2018, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) bảo vệ cho 1.282 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm 94 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 01 ngân hàng hợp tác, 1.183 QTDND và tổ chức tài chính vi mô.Vai trò của BHTGVN trong việc tham gia tái cơ cấu các TCTD yếu kém ngày càng được nâng cao thông qua việc chi trả tiền bảo hiểm kịp thời, tạo lập niềm tin của người dân, góp phần ngăn ngừa ảnh hưởng hệ thống tiềm tàng do đổ vở TCTD. Ngoài ra, BHTGVN thực hiện các nghiệp vụ giám sát, kiểm tra nhằm cảnh báo rủi ro, phát hiện sớm các sai phạm cần khắc phục đối với tổ chức tham gia BHTG và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời.
Gần đây, vai trò của BHTGVN ngày càng được nâng cao thông qua việc tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD yếu kém nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD và Thông tư 01/2018/TT-NHNN về cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt, BHTGVN được trao thêm một số quyền hạn mới như: Thực hiện cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản khi TCTD có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trong thời gian TCTD bị kiểm soát đặc biệt; cho vay đặc biệt đối với TCTD để hỗ trợ thanh khoản khi tổ chức đó có nguy cơ mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định hệ thống trước khi phương án cơ cấu lại được phê duyệt hoặc để hỗ trợ phục hồi theo phương án đã được phê duyệt; BHTGVN được mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ dựa trên quyết định của NHNN nhằm tăng cường khả năng tài chính cho TCTD lành mạnh tham gia quản trị, kiểm soát, điều hành, hỗ trợ tài chính và hoạt động của TCTD yếu kém được kiểm soát đặc biệt; và BHTGVN tham gia phối hợp với Ban kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Hợp tác xã để đánh giá tính khả thi của phương án phục hồi của QTDND, tổ chức tài chính vi mô, công ty tài chính; xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt trình NHNN xem xét, quyết định.
Trên cơ sở những nhiệm vụ cấp bách đó, BHTGVN cần nâng cao chất lượng nghiệp vụ BHTG hướng tới áp dụng các thông lệ quốc tế trong hoạt động. Nhìn từ mô hình xử lý mà các nước trong khu vực Châu Âu đang áp dụng, BHTGVN cần nghiên cứu cải tiến chất lượng các hoạt động như giám sát, cảnh báo sớm nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời vi phạm về an toàn hoạt động ngân hàng; kiểm tra tại chỗ việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với NHNN – với vai trò Cơ quan xử lý quốc gia - trong quá trình kiểm soát đặc biệt nhằm đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền. Ngoài ra, cần nâng cao hiệu quả công tác chi trả, với mục tiêu rút ngắn thời gian chi trả, tham gia tích cực vào quá trình thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi; nghiên cứu học hỏi các kinh nghiệm quốc tế để tham gia sâu vào quá trình xây dựng các phương án xử lý các tổ chức TCTD, nhất là các QTDND.
Tài liệu tham khảo:
EBA (2018), Ngân hàng Châu Âu: rủi ro cũ và mới
Ủy ban xử lý thống nhất (2018), Phương pháp xử lý hiện nay
Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha (2018), Xử lý ngân hàng: thách thức và bài học đặt ra
Ioannis G. Asimakopoulos, Đại học Luxembourg (2018), Vai trò quản trị kinh tế của Ủy ban xử lý thống nhất
Cơ quan BHTG Nga (2018), Ngân hàng quy mô nhỏ và vừa tại Nga: Xử lý, thanh lý và thu hồi tài sản