Cơ sở thực tiễn
NHNN cho biết, việc xây dựng và ban hành dự thảo Thông tư căn cứ trên các văn bản chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ và NHNN (Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2025 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 20/01/2025 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng trong năm 2025, Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 20/01/2025 của Thống đốc NHNN về đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng năm 2025).
Ngoài ra, Luật Các TCTD năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024) sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt đối với các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư số 52 có một số nội dung quy định liên quan đến xếp hạng được tham chiếu đến các quy định tại Luật Các TCTD năm 2010.
“Căn cứ vào cơ sở pháp lý và thực tiễn nêu trên, dự thảo Thông tư được xây dựng dựa trên các định hướng: Hoàn thiện hơn nữa cơ sở pháp lý về xếp hạng các TCTD; phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị liên quan; từ đó tăng cường hiệu quả của công tác giám sát ngân hàng, đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD” - NHNN thông tin.
Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho xếp hạng TCTD
Theo NHNN, mục tiêu của Thông tư sửa đổi là tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xếp hạng TCTD, đảm bảo sát thực tế, phản ánh đúng rủi ro và tình hình hoạt động của các tổ chức. Một điểm mới đáng chú ý là cập nhật thêm đối tượng không thuộc phạm vi áp dụng gồm các TCTD đang trong diện "can thiệp sớm" theo Luật Các TCTD năm 2024.
Lý giải nội dung này, NHNN cho biết, theo quy định tại Điều 156,157,158,159,160 Luật Các TCTD năm 2024, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi được áp dụng can thiệp sớm phải xây dựng và thực hiện phương án khắc phục. Đồng thời, trong thời gian thực hiện phương án khắc phục, tổ chức tín dụng được can thiệp sớm được áp dụng một số biện pháp hỗ trợ. Vì vậy, việc đánh giá thực trạng hoạt động, rủi ro đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thông qua các tiêu chí đánh giá tại Thông tư xếp hạng sẽ không còn phù hợp.
Đáng chú ý, Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung hai chỉ tiêu mới trong tiêu chí "Chất lượng tài sản". Cụ thể, Dự thảo bổ sung quy định: Tỷ lệ dự phòng cụ thể đã trích lập so với nợ nhóm 2 đến nhóm 5; Tỷ lệ tài sản có khác bình quân so với Tổng tài sản bình quân. Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung chỉ tiêu Tỷ lệ dự phòng cụ thể đã trích lập so với nợ nhóm 2 đến nhóm 5 phản ánh mức độ bao phủ nợ quá hạn, nợ xấu bằng dự phòng rủi ro đã trích lập của ngân hàng thương mại(NHTM). Việc bổ sung tỷ lệ này sẽ giúp đánh giá được đầy đủ hơn về chất lượng tài sản của NHTM. Còn với chỉ tiêu Tỷ lệ tài sản có khác bình quân so với Tổng tài sản bình quân phản ánh mức độ tập trung của NHTM vào các tài sản có khác. Do đó, cần thiết bổ sung chỉ tiêu trên để có thêm căn cứ đánh giá tiêu chí Chất lượng tài sản của NHTM. Các bổ sung này nhằm giúp cơ quan giám sát có thêm công cụ đánh giá toàn diện, sát với rủi ro thực tế hơn.
Điều chỉnh ngưỡng phân loại NHTM có quy mô lớn
Theo dự thảo, NHNN sửa phân loại nhóm ngân hàng thương mại có quy mô lớn là nhóm có tổng giá trị tài sản bình quân theo quý trong năm xếp hạng trên 200.000 tỷ đồng (thay vì 100.000 tỷ đồng theo quy định hiện tại).
NHNN cho biết, trong các năm qua, quy mô tổng tài sản của hệ thống các TCTD tăng lên đáng kể: năm 2018 (thời điểm xây dựng, ban hành Thông tư 52) đạt 11,07 triệu tỷ đồng; năm 2024 đạt 22,9 triệu tỷ đồng, gấp 2,1 lần so với tổng tài sản năm 2018 (trong đó, tổng tài sản của các NHTM tăng gấp 2,1 lần trong giai đoạn 2018-2024). Vì vậy, việc điều chỉnh quy mô nhóm đồng hạng đối với các NHTM trong quá trình xếp hạng là cần thiết, để phù hợp hơn với thực tiễn.
Cộng điểm cho ngân hàng áp dụng thông tư mới về tỷ lệ an toàn vốn
NHNN bổ sung một phương án mới trong tính toán tỷ lệ an toàn vốn, đó là áp dụng theo Thông tư mới ban hành, quy định tỷ lệ an toàn vốn cho NHTM và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đồng thời, cộng thêm 01 điểm vào chỉ tiêu định lượng về tỷ lệ an toàn vốn nếu ngân hàng áp dụng Thông tư này khi thực hiện xếp hạng.
Quy định này nhằm khuyến khích các TCTD áp dụng sớm các tiêu chuẩn theo khuyến nghị của Ủy ban Basel (cao hơn các yêu cầu hiện nay tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN) về an toàn vốn.
Tăng trọng số về quản trị điều hành
Ngoài ra, NHNN cũng sẽ thay đổi trọng số Tiêu chí, nhóm chỉ tiêu định lượng và nhóm chỉ tiêu định tính trong từng tiêu chí. Cụ thể: nâng trọng số của Quản trị điều hành (M) từ 10% lên 15%, trong đó nhóm chỉ tiêu định lượng tăng từ 3% lên 8%; giảm trọng số tiêu chí “Kết quả hoạt động kinh doanh” (E) từ 20% xuống 15%, nhóm chỉ tiêu định lượng từ 15% xuống còn 10%.
NHNN cho rằng, các ngân hàng cần hướng đến sự phát triển bền vững, không vì mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn trước mắt để phù hợp với mục tiêu chung trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018). Nâng cao chất lượng quản trị điều hành của TCTD đồng nghĩa với yêu cầu các TCTD phải chú trọng hơn đến quản lý rủi ro, xây dựng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực của Ủy ban Basel.
Việc sửa đổi Thông tư 52 thể hiện quyết tâm của NHNN trong hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường hiệu quả công tác giám sát ngân hàng, đảm bảo an toàn, lành mạnh hệ thống các TCTD. Những điều chỉnh về phương pháp xếp hạng, tiêu chí đánh giá, trọng số và cách khuyến khích các TCTD cải thiện quản trị là bước tiến phù hợp với thông lệ quốc tế và yêu cầu từ thực tiễn.
PV