Với tôn chỉ mục đích hoạt động của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam là nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Để thực hiện được mục tiêu hoạt động này, Luật BHTG quy định nhiệm vụ của BHTGVN, trong đó có các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến TCTD như sau: Cấp, thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi; Yêu cầu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp thông tin về tiền gửi được bảo hiểm theo định kỳ hay đột xuất; Tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; Theo dõi và kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát triển và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hang; Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Chi trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi khi TCTD giải thể, phá sản; tham gia quản lý, thanh lý tài sản và thu hồi số tiền bảo hiểm phải trả của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật. Như vậy, Luật BHTG chưa quy định cho BHTG tham gia sâu hơn vào quá trình phục hồi các TCTD yếu kém, chưa đáp ứng đòi hỏi thực tiễn đang đặt ra.
Theo Dự án Luật sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD của Chính phủ trình Quốc hội, sau 04 năm triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015” ban hành kèm Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012, đến nay, về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được một số kết quả nhất định như sau: Các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn; Hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực xã hội mà không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Số lượng TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức; Sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản; Các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD cho thấy còn nhiều tồn tại, hạn chế, chủ yếu là một số vấn đề chính như: Hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều TCTD gặp khó khăn, một số TCTD có kết quả kinh doanh thua lỗ; Tỷ lệ nợ xấu đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại. giai đoạn vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã đặt một số TCTD vào kiểm soát đặc biệt, mua lại bắt buộc một số ngân hàng thương mại yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD. Tuy nhiên, do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp rất nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, tổn thất nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.
Quá trình tổng kết, đánh giá Đề án 254/QĐ-TTg cho thấy việc các TCTD lâm vào tình trạng yếu kém trên thực tế trong thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, như sau: Năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; Tình trạng sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước được kiểm soát nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chưa được xử lý triệt để. Cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh trong quá trình xử lý TCTD yếu kém mà pháp luật chưa có quy định hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời: Quy định về thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước khi xử lý TCTD yếu kém còn chưa đầy đủ, chưa trao quyền cho Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyền yêu cầu giải thể bắt buộc đối với TCTD yếu kém không có khả năng phục hồi. Việc phục hồi và cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có biện pháp hỗ trợ phù hợp với thực trạng của TCTD yếu kém; pháp luật hiện hành chưa có các quy định về các biện pháp phục hồi, củng cố tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù TCTD yếu kém; Chưa có quy định điều chỉnh hoạt động kinh doanh của TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt, nên việc triển khai các biện pháp phục hồi gặp nhiều khó khăn, khó có thể phục hồi được TCTD yếu kém; Chưa có quy định điều chỉnh quan hệ cho vay, gửi tiền, mua bán nợ... giữa TCTD được kiểm soát đặc biệt với TCTD khác, do vậy, việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ cho TCTD bị kiểm soát đặc biệt từ TCTD khác chưa thực hiện được. Để phục hồi các ngân hàng yếu kém, vai trò tham gia của ngân hàng hỗ trợ là hết sức quan trọng và cần thiết trên các mặt hỗ trợ về quản trị, nhân sự, tài chính,...Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể và đầy đủ về quyền và trách nhiệm của TCTD hỗ trợ... Chưa có quy định về cho vay đặc biệt nhằm hỗ trợ nguồn vốn dài hạn để phục hồi TCTD yếu kém. Quy định này là rất cần thiết trong điều kiện không sử dụng trực tiếp nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Các cá nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém (cán bộ tham mưu của Ngân hàng Nhà nước, cán bộ tham gia Ban kiểm soát đặc biệt, cán bộ được điều động để quản trị, điều hành TCTD...) luôn phải đối đầu với rủi ro pháp lý, phải tham gia xử lý một công việc rất khó, phức tạp, không có tiền lệ, quy định của pháp luật lại chưa được đầy đủ. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước không có đầy đủ thẩm quyền theo luật định để xử lý các TCTD yếu kém, gia tăng chi phí xử lý, không đủ cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp phục hồi, xử lý pháp nhân đối với TCTD yếu kém; Thiếu chế tài và biện pháp xử lý trong trường hợp vấp phải sự chống đối, bất hợp tác của các cổ đông lớn với cơ quan quản lý trong quá trình cơ cấu lại TCTD; Không đủ cơ sở pháp lý để huy động Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam tham gia cơ cấu lại của các TCTD yếu kém; Khó quản lý, ngăn ngừa vấn đề sở hữu chéo và việc thao túng hoạt động của TCTD của cổ đông; Không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các TCTD; Kéo dài quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Những bất cập, thiếu hụt của pháp lý về xử lý, cơ cấu lại các TCTD yếu kém nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn tới các khó khăn và làm chậm tiến độ trong công tác tái cơ cấu các TCTD yếu kém; làm ảnh hưởng tới niềm tin của công chúng đối với công tác tái cơ cấu và không thể khơi thông được nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, qua đó ảnh hưởng đến mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng và tăng trưởng GDP của nền kinh tế.
Chính vì vậy, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016, Hội nghị lần thứ tư BCHTW Đảng Khóa XII xác định chủ trương lớn trong cơ cấu lại thị trường tài chính là: “tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các TCTD theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các TCTD có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại. Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các TCTD; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các TCTD. Tiếp tục cơ cấu lại các TCTD; xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống”.
Như vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém theo hình thức ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD là rất cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn mà Quốc hội kỳ này đang xem xét và cho ý kiến.
Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD được ban hành để tạo cơ sở pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các TCTD yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt việc phát hiện, phục hồi, củng cố năng lực để các TCTD yếu kém có khả năng trở thành TCTD lành mạnh; bổ sung các biện pháp ngăn ngừa có hiệu quả việc phát sinh mới các TCTD yếu kém, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, vốn ảo trong hoạt động của TCTD. Các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật các TCTD không thay đổi trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật dẫn đến tình trạng yếu kém của TCTD. Có cơ chế xử lý ngân hàng yếu kém, nâng cao được lòng tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng.
BHTGVN ngoài việc tham gia kiểm soát đặc biệt, còn được giao nhiệm vụ tham gia đánh giá phương án phục hồi các TCTD yếu kém và tiến hành cho vay đặc biệt. Dự thảo Luật quy định cụ thể hơn về khoản vay đặc biệt: TCTD được kiểm soát đặc biệt ngoài được vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước, TCTD khác như quy định hiện hành còn được vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (đối với tổ chức tài chính vi mô, quỹ tín dụng nhân dân), Ngân hàng hợp tác xã (đối với quỹ tín dụng nhân dân). Dự thảo Luật cũng cụ thể hơn các trường hợp được vay đặc biệt, việc ưu tiên hoàn trả khoản vay đặc biệt. Tổ chức bảo hiểm tiền gửi được hạch toán giảm Quỹ dự phòng nghiệp vụ để xử lý số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được. Dự Luật cũng quy định biện pháp hỗ trợ xử lý pháp nhân dưới hình thức phá sản là Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được Bảo hiểm tiền gửi chi trả. Để tiến hành cấu trúc hệ thống ngân hàng một cách hiệu quả, Luật cũng cho phép lập quỹ tái cấu trúc ngân hàng, quỹ này sẽ bao gồm các chi phí trong quá trình tái cấu trúc như cấp tiền cho quỹ bảo hiểm tiền gửi, hỗ trợ tài chính các ngân hàng yếu kém trước khi tiến hành sáp nhập và hợp nhất với các ngân hàng tốt và hỗ trợ tài chính cho các ngân hàng tiếp tục hoạt động để đạt được các chuẩn mực quốc tế./.