Big Data là một tập hợp các dữ liệu không đồng nhất với đặc điểm chung là khối lượng rất lớn, tốc độ nhanh, được định dạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Big data được hình thành từ việc sử dụng ngày càng tăng các công cụ điện tử và hệ thống thông tin, do các tổ chức và cá nhân hình thành trong đời thường dưới những hình thức khác nhau, bao gồm 6 nguồn dữ liệu: (i) dữ liệu hành chính; (ii) dữ liệu về hoạt động thương mại; (iii) dữ liệu từ các thiết bị cảm biến như thiết bị chụp ảnh vệ tinh, cảm biến đường, cảm biến khí hậu; (iv) dữ liệu từ thiết bị theo dõi; (v) dữ liệu từ hành vi (như tìm kiếm trực tuyến); (vi) dữ liệu từ thông tin về ý kiến, quan điểm cá nhân trên các phương tiện thông tin xã hội.
Big Data hiện đang là mục tiêu mà Chính phủ nhắm đến để tiến hành chuyển đổi số trong công tác quản lý nhà nước. Sự tiếp cận Big Data đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng thành công trong công cuộc số hóa chính phủ. Là một tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng, BHTGVN không thể đứng ngoài xu thế ứng dụng Big data. Đặc thù hoạt động của BHTGVN (cung cấp chính sách BHTG cho hơn 1.300 tổ chức tín dụng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam với khách hàng là tất cả người dân gửi tiền cũng như lượng thông tin báo cáo bằng dữ liệu điện tử mà BHTGVN được chia sẻ tiếp nhận định kỳ từ Ngân hàng Nhà nước) cho phép xây dựng một cơ sở dữ liệu khổng lồ những dữ liệu có cấu trúc và dữ liệu phi cấu trúc. Ứng dụng Big Data giúp tối ưu hết tiềm năng của kho dữ liệu này bằng cách cung cấp thông tin tổng hợp, trực tiếp và cụ thể hơn, xu hướng phát triển dữ liệu lớn có tiềm năng củng cố các kỹ thuật phân tích phục vụ việc ra quyết định. Nhiều kỹ thuật mới đã được triển khai phát triển, trong đó có “phân tích dữ liệu lớn” và “trí tuệ nhân tạo”. So với kỹ thuật thống kê và phân tích truyền thống, kỹ thuật mới này đang hứa hẹn sẽ được thể hiện một cách rõ ràng, nhanh chóng, kịp thời và có khả năng kết nối. Cũng như các tổ chức công khác, BHTGVN đang phải đối mặt với vô vàn thách thức, nhất là trong việc xử lý và sử dụng những nguồn dữ liệu lớn cho các mục tiêu của mình. Cụ thể là, phần lớn các nguồn dữ liệu đòi hỏi phải xử lý các bộ dữ liệu lớn và phức tạp, trong khi hiệu quả đầu tư thường không rõ ràng. Nhờ đổi mới công nghệ thông tin, các kỹ thuật mới có thể được sử dụng để thu thập và khai thác dữ liệu, kết hợp các nguồn dữ liệu khác nhau, chiết xuất thông tin thích hợp, truyền thông hay công bố những chỉ số phù hợp, mở đường cho quy trình ra quyết định của BHTGVN. Nguồn thông tin cụ thể này còn có thể hỗ trợ hoạch định các mục tiêu chiến lược của BHTGVN một cách hiệu quả trong nhiều lĩnh vực như giám sát rủi ro, dự báo kinh tế, đánh giá ổn định tài chính, truyền thông với bên ngoài. Hơn nữa, các chỉ số dữ liệu lớn thường có tính kịp thời cao hơn so với dữ liệu thống kê truyền thống.
Big Data có thể ứng dụng vào hoạt động BHTG ở các lĩnh vực:
Thứ nhất, theo dõi và dự báo thị trường tài chính. Ứng dụng Big Data có tác dụng trong việc giám sát rủi ro, một lĩnh vực chủ chốt của BHTGVN cũng như dự báo sự phát triển trên thị trường tài chính. Big Data tạo thuận lợi cho việc xử lý khối lượng thông tin khổng lồ trong các bộ dữ liệu tài chính. Ví dụ, có thể dự báo doanh thu trên các thị trường trái phiếu dựa trên việc sử dụng các quy định về kỹ thuật giao dịch. Phương pháp điện toán về khai thác dữ liệu có thể được sử dụng để tính toán các kỳ vọng của người gửi tiền để tham khảo khi đưa ra các hạn mức chi trả mới. Những nguồn dữ liệu lớn mới thu thập cũng có thể giúp giải thích sự phát triển trên các thị trường tài chính, mở đường cho định hướng tiềm năng trong tương lai. Tại Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), việc sử dụng các dữ liệu có tần suất xuất hiện cao có thể tạo thuận lợi cho việc đánh giá thanh khoản thị trường trên thị trường trái phiếu chính phủ cũng như những rủi ro tiềm tàng về biến động giá cả. Điều này khi ứng dụng vào BHTGVN có thể giúp tăng hiệu quả hoạt động đầu tư nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi.
Thứ hai, nâng cao năng lực thực hiện nghiệp vụ, tuân thủ luật pháp và minh bạch trong báo cáo tài chính. Kỹ thuật và các nguồn dữ liệu lớn cũng có thể tạo thuận lợi cho việc đánh giá rủi ro tài chính và nâng cao năng lực giám sát tại BHTGVN cũng như nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động nghiệp vụ khác như thu phí BHTG, chi trả bảo hiểm khi có TCTD đổ vỡ. Cụ thể là, việc triển khai các phân tích dữ liệu lớn đang mở ra những cách thức đầy hứa hẹn về việc sử dụng khối lượng lớn thông tin bắt nguồn từ các bộ dữ liệu tài chính chi tiết để đánh giá rủi ro tài chính. Dựa trên nguồn thông tin chi tiết tự thu thập được cũng như những cơ sở dữ liệu được chia sẻ, kỹ thuật nghiên cứu sâu rộng được sử dụng rộng rãi để dự báo khả năng đổ vỡ của từng tổ chức tham gia BHTG tạo điều kiện cho việc tính phí BHTG theo rủi ro trong tương lai. BHTGVN cũng có thể ứng dụng Big Data để thực hiện công tác chi trả khi kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia. Các thuật toán của Big Data còn giúp giải quyết các vấn đề về tuân thủ quy định pháp luật về kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính, từ đó giảm được các chi phí quản lý. Bên cạnh đó, hệ thống Big Data thu thập và lưu trữ dữ liệu lớn giúp BHTGVN tiến hành phân tích một cách nhanh nhất khi có các dấu hiệu về rủi ro xảy ra, từ đó đưa ra các biện pháp xử lý.
Thứ ba, tham gia vào việc kiểm soát đánh giá và nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ nhân viên. Hệ thống Big Data hỗ trợ thu thập phân tích, đánh giá và truyền tải dữ liệu về hiệu quả làm việc của nhân viên. Trước đây, để thu thập các thông tin này cần rất nhiều công đoạn mang tính thủ công, thì nay, Big Data sẽ giúp xử lý các công việc này một cách nhanh chóng và chính xác. Kết quả phân tích sẽ giúp Ban lãnh đạo, Ban điều hành có cái nhìn về tình hình, thực trạng làm việc hiện tại của cán bộ nhân viên, đặc biệt xem xét mức độ hài lòng của nhân viên về môi trường làm việc, phúc lợi...
Bên cạnh những lợi ích thì Big Data cũng đặt ra không ít thách thức cho BHTGVN nếu muốn ứng dụng công nghệ này trong điều hành hoạt động, nhất là trong việc xử lý, sử dụng kỹ thuật và các nguồn dữ liệu lớn. Nghiệp vụ xử lý dữ liệu lớn là công việc liên tục, nhất là trong việc thu thập và xử lý thông tin, có thể đòi hỏi phải đầu tư, trang bị thêm công nghệ thông tin mới và đắt tiền cũng như đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu. Nhiều chức năng, nhiệm vụ cần được thực hiện theo các nhóm nghiên cứu chuyên trách như nhóm cán bộ thống kê, công nghệ thông tin, chuyên gia nghiên cứu dữ liệu... Ngoài ra, cách thức kết nối các dữ liệu thu thập được trong một mô hình thông tin tổng hợp và thông suốt cũng là một vấn đề lớn cần xem xét. Trong nhiều trường hợp, điều này đòi hỏi rất lớn vào công việc chuẩn bị và phải tuân thủ nguyên tắc quản trị dữ liệu, bao gồm các quy trình quản lý chất lượng dữ liệu, xây dựng bộ dữ liệu thích hợp, phân công trách nhiệm và giám sát.
Một thách thức nữa bắt nguồn từ đặc thù hoạt động của BHTGVN, đó là tính độc lập và tầm quan trọng của BHTGVN trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền. Do chất lượng của các bộ dữ liệu lớn có thể không phải là tiêu chí cần thiết đối với thống kê chính thức, sai lầm trong việc sử dụng dữ liệu vào những động thái chính sách có thể dẫn đến những vấn đề về rủi ro đạo đức, danh tiếng và hiệu quả. Tương tự, nếu bí mật thông tin không được bảo vệ cẩn thận, niềm tin của người gửi tiền có thể bị suy giảm, điều này đặt ra vấn đề về thẩm quyền của BHTGVN trong việc thu thập, xử lý và truyền bá thông tin bắt nguồn từ dữ liệu lớn cũng như trong việc đưa ra các quyết định bắt nguồn từ dữ liệu này. Do đó, đòi hỏi BHTGVN phải đảm bảo là những dữ liệu này được sử dụng theo mục tiêu hợp lý, đồng thời phải giới hạn nhóm đối tượng được phép tiếp cận, được lưu giữ an toàn xét về mặt bảo mật. Hiện nay, việc tiếp cận thông tin chi tiết đang đặt ra sự cần thiết phải cân nhắc thận trọng những yêu cầu về bảo vệ quyền riêng tư của tổ chức và cá nhân liên quan.
Ngoài ra, những vấn đề liên quan đến hạ tầng và công nghệ thông tin như tiềm năng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây, việc triển khai, áp dụng những quy trình mới (như chữ ký số…) để tạo thuận lợi cho việc sử dụng dữ liệu mà không ảnh hưởng đến vấn đề bí mật thông tin cũng cần phải được quan tâm.
Từ những phân tích trên có thể thấy vai trò to lớn của Big Data trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Thời đại của Big Data tạo ra những thách thức và cơ hội mới. BHTGVN cần phát triển các chiến lược, công cụ và hình thức tham gia để hiểu rõ hơn về các nỗ lực và ứng phó cho phù hợp. Các giải pháp cho thấy Big Data có thể giải quyết gian lận và tham nhũng, tiết kiệm chi phí quản lý và cải thiện quy trình, nâng cao năng suất lao động.
Để nhận được giá trị từ Big Data, đòi hỏi BHTGVN phải tăng cường khuôn khổ kỹ thuật và pháp lý để truy cập và sử dụng dữ liệu một cách có trách nhiệm. Điều quan trọng, cần phát triển năng lực tích hợp để đưa thông tin chi tiết về Big Data vào thực hiện nhiệm vụ cũng như hoạt động quản trị điều hành.
Để nâng cao hiệu quả khi thực hiện sứ mệnh của một tổ chức tài chính nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, việc xây dựng Big Data và ứng dụng Big Data vào hoạt động của BHTGVN là việc cần thiết, cần đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới.