Các nhà quản lý vẫn đang tìm cách quản lý đồng tiền này sao cho hiệu quả nhất, nhưng trong khi cơn sốt bitcoin lên đến đỉnh điểm, những lời cảnh báo được đưa ra ngày càng nhiều.
Từng là nơi cất trữ tài sản của những kẻ nghiện công nghệ hoặc buôn lậu ma túy, giờ đây đồng tiền ảo
bitcoin không chỉ được sử dụng để mua hàng hóa trực tuyến mà còn có thể dùng để đóng học phí tại đại học Nicosia.
Có giá trị gần như bằng 0 cho tới tháng 4/2011, giờ đây bitcoin đã được giao dịch ở mức 1.000 USD/bitcoin. Các nhà quản lý vẫn đang tìm cách quản lý đồng tiền này sao cho hiệu quả nhất, nhưng trong khi cơn sốt bitcoin lên đến đỉnh điểm, những lời cảnh báo được đưa ra ngày càng nhiều.
Cơ quan giám sát ngân hàng của Liên minh châu Âu cũng phát đi lời cảnh báo đến những người sử dụng bitcoin, cho rằng họ nên nhận thức và hiểu hết được các đặc tính của đồng tiền này.
Năm 2009, bitcoin được một người (hoặc một nhóm người) có biệt danh Satoshi Nakamoto tạo ra thông qua những thuật toán siêu phức tạp. Không giống như các đồng tiền pháp định khác, bitcoin không được hỗ trợ bởi hoạt động kinh tế của một nước cũng như không được phát hành bởi bất kỳ nhà nước nào.
Trang web chính thức của bitcoin nói rằng “tất cả những điều cần thiết để một dạng tiền tệ giữ được giá trị là lòng tin và sự thích nghi”. Trong trường hợp của bitcoin, hai tiêu chuẩn này có thể được đo lường bằng việc ngày càng có nhiều người sử dụng bitcoin. Giống như tất cả các loại tiền tệ, giá trị của bitcoin được tạo ra trực tiếp từ những người sẵn sàng chấp nhận nó như một phương tiện thanh toán.
Với khoảng 12 triệu bitcoin đang lưu hành, giá trị vốn hóa của đồng tiền này vào khoảng 10,57 tỷ USD. Tối đa sẽ có 21 triệu bitcoin được tạo ra.
Mới đây, Đức đã quyết định hợp pháp hóa, coi đây là một loại tiền tệ. Đồng nghĩa với việc này là người ta có thể đánh thuế lên bitcoin. Trong khi đó, Bank of America gọi đây là một công cụ quan trọng trong thương mại điện tử.
Đồng tiền ảo có thể dễ dàng được chuyển trực tiếp giữa các điện thoại thông minh và giữa các máy tính. Tuy nhiên, chính điều này tạo nên lo ngại về hoạt động tội phạm hoặc khủng bố.
Hồi tháng 9 vừa qua, bitcoin gây xôn xao khi chính phủ Mỹ quyết định
đóng cửa Silk Road – nơi có thể buôn lậu ma túy và các hàng hóa bất hợp pháp khác bằng bitcoin. Số bitcoin trị giá 3,6 triệu USD đã bị thu giữ - lớn nhất kể từ trước tới nay.
Tuy nhiên, chính sự kiện này lại khiến bitcoin giành được nhiều chú ý từ thế giới thực.
NHTW Pháp nêu ra những rủi ro tương tự, cho rằng vì đây là đồng tiền đầu cơ, người sử dụng đứng trước những rủi ro nhất định về mặt tài chính. “Kể cả khi biến động quá mạnh là cơ hội để nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ hay tổ chức chuyên nghiệp kiếm lời, họ nên nhận thức được những rủi ro”, NHTW Pháp viết trong thông báo. Thêm vào đó, khả năng chuyển đổi của bitcoin không được đảm bảo và rất có thể nhà đầu tư sẽ mất trắng khoản tiền đã đầu tư.
Trung Quốc đã trở thành thị trường lớn nhất thế giới giành cho bitcoin. Đứng trước cơn sốt này, chính NHTW Trung Quốc đã phải ra lệnh cấm. “Bitcoin là một hàng hóa ảo, về mặt pháp lý không được coi là một loại tiền tệ và do đó không nên và không thể được sử dụng trên thị trường”.
Dẫu vậy, người đứng đầu BTCChina – sàn giao dịch bitcoin lớn nhất ở Trung Quốc – vẫn cho rằng tiền điện tử là một lựa chọn đầu tư mới cho người dân Trung Quốc (vốn là đất nước của những người tiết kiệm). Bobby Lee cho rằng bitcoin là một tài sản toàn cầu ngang hàng với các tài sản đầu tư khác như vàng, cổ phiếu và bất động sản.