Ứng dụng bộ chỉ số FSIs trên thế giới và Việt Nam
Đến nay, sau 20 năm, ngày càng có nhiều quốc gia, tổ chức ứng dụng bộ chỉ số FSIs vào công tác giám sát của mình và IMF cũng đã nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, mở rộng bộ chỉ số này. Sau nhiều lần được bổ sung và điều chỉnh, đến nay Bộ chỉ số lành mạnh tài chính (FSIs) có 53 chỉ số, gồm:
(i) 29 chỉ số phản ánh tình hình tài chính của các tổ chức nhận tiền gửi (trong đó có 17 chỉ số cốt lõi và 12 chỉ số khuyến khích);
(ii) 10 chỉ số phản ánh tình hình tài chính của các tổ chức tài chính khác (trong đó có 2 chỉ số áp dụng chung đối với các tổ chức tài chính khác, 2 chỉ số áp dụng đối với các quỹ thị trường tiền tệ, 4 chỉ số áp dụng đối với các công ty bảo hiểm, và 2 chỉ số áp dụng đối với các quỹ hưu trí).
(iii) 7 chỉ số phản ánh tình hình tài chính của các tổ chức phi tài chính;
(iv) 3 chỉ số phản ánh tài chính của các hộ gia đình;
(v) 4 chỉ số phản ánh tình hình của thị trường bất động sản.
Trong đó, 29 chỉ số áp dụng đối với các tổ chức nhận tiền gửi, gồm các chỉ số về mức đủ vốn, chất lượng tài sản, lợi nhuận và khả năng sinh lời, thanh khoản và độ nhạy cảm với rủi ro thị trường.
Các chỉ số cốt lõi |
|
Mức đủ vốn |
Tỷ lệ an toàn vốn Tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 Nợ xấu ròng/Vốn tự có Tỷ lệ an toàn vốn cổ phần phổ thông Vốn cấp 1/Tài sản |
Chất lượng tài sản |
Tỷ lệ nợ xấu Dư nợ tín dụng theo ngành kinh tế/Tổng dư nợ Dự phòng /Nợ xấu |
Lợi nhuận và khả năng sinh lời |
ROA (Lợi nhuận/Tổng tài sản) ROE (Lợi nhuận/Vốn chủ sở hữu) Thu nhập lãi ròng/Tổng thu nhập Chi phí ngoài lãi/Tổng thu nhập |
Thanh khoản |
Tài sản thanh khoản/Tổng tài sản Tài sản thanh khoản/Nợ ngắn hạn Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản (áp dụng đối với các tổ chức nhận tiền gửi đã tuân thủ các tiêu chuẩn về thanh khoản của Basel III) Tỷ lệ quỹ bình ổn ròng (áp dụng đối với các tổ chức nhận tiền gửi đã tuân thủ các tiêu chuẩn về thanh khoản của Basel III) |
Độ nhạy cảm với rủi ro thị trường |
Trạng thái ngoại tệ ròng/Vốn tự có |
Các chỉ số bổ sung |
|
Các khoản cho vay lớn/Vốn tự có Dư nợ tín dụng phân bổ theo khu vực địa lý/Tổng dư nợ Tổng trạng thái tài sản của các công cụ tài chính phái sinh/Vốn tự có Tổng trạng thái nợ của các công cụ tài chính phái sinh/Vốn tự có Lãi (lỗ) từ các công cụ tài chính/Tổng lợi nhuận Chi phí nhân sự/Tổng chi phí ngoài lãi Chênh lệch lãi suất cho vay trung bình và lãi suất tiền gửi trung bình Chênh lệch giữa lãi suất liên ngân hàng cao nhất và thấp nhất Tiền gửi của khách hàng/Tổng dư nợ (không bao gồm cho vay liên ngân hàng) Các khoản cho vay bằng ngoại tệ/Tổng dư nợ cho vay Các khoản nợ bằng ngoại tệ/Tổng các khoản nợ Tốc độ tăng trưởng hàng năm của tín dụng đối với nền kinh tế |
Theo thống kê của IMF, đến năm 2021, đã có 145 quốc gia công bố bộ chỉ số FSIs trên Website của IMF với định kỳ quý, 6 tháng và năm, trong đó có 38 quốc gia châu Á. Hầu hết trong số 145 quốc gia đó cũng thực hiện công bố bộ chỉ số FSIs trên website của nước mình.
Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu công bố bộ chỉ số FSIs trên website của IMF từ năm 2008, tuy nhiên chủ yếu là các chỉ số áp dụng đối với khu vực tổ chức nhận tiền gửi. NHNN cũng liên tục ban hành các văn bản quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin của NHNN, gần đây nhất là Thông tư 26/2020/TT-NHNN ngày 31/12/2020.
Tại các văn bản này, NHNN đã nêu cụ thể các thông tin được công bố định kỳ trên website của mình, trong đó có một số chỉ số trong bộ FSIs sử dụng cho khu vực tổ chức nhận tiền gửi gồm: tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu, hệ số ROA, ROE, tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi (tỷ lệ ngược của chỉ số FSI Tiền gửi của khách hàng/Tổng dư nợ).
Đồng thời, các cơ quan giám sát trong lĩnh vực tài chính ngân hàng ở Việt Nam như Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam… hiện cũng đã áp dụng một số chỉ số FSIs vào công tác giám sát, tuy nhiên chưa đầy đủ theo hướng dẫn của IMF.
Ứng dụng FSIs trong hoạt động giám sát của BHTGVN
Tại Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN), công tác giám sát các tổ chức tham gia BHTG hiện được thực hiện theo quy định tại Khoản 10, Điều 13 Luật BHTG 2012:“Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng”.
Trên cơ sở các quy định của pháp luật về an toàn và rủi ro trong hoạt động ngân hàng, BHTGVN đã xây dựng bộ chỉ số giám sát để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, trong đó bao gồm các nhóm chỉ số về: mức đủ vốn, chất lượng tài sản, khả năng sinh lời và tính thanh khoản, trong đó, có một số chỉ số nằm trong 29 chỉ số FSIs, và cũng có các chỉ số nằm ngoài bộ FSIs. Cụ thể, tình hình áp dụng các chỉ số FSIs trong công tác giám sát tổ chức tham gia BHTG như sau:
- Nhóm chỉ số về mức đủ vốn: đang thực hiện áp dụng các chỉ số về tỷ lệ an toàn vốn, tỷ lệ an toàn vốn cấp 1 (đối với hệ thống các NHTM).
- Nhóm chỉ số về chất lượng tài sản: đang áp dụng các tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ.
- Nhóm chỉ số về lợi nhuận và khả năng sinh lời: hiện đang áp dụng cả 04 chỉ số.
- Nhóm chỉ số về khả năng thanh khoản: đang áp dụng các chỉ số Tài sản thanh khoản/Tổng tài sản, Tài sản thanh khoản/Nợ ngắn hạn, Tỷ lệ đảm bảo khả năng thanh khoản. Tuy nhiên, chỉ tiêu Tài sản thanh khoản/Nợ ngắn hạn hiện chỉ áp dụng đối với đánh giá các NHTM.
- Nhóm chỉ số bổ sung: đang áp dụng chỉ số Tiền gửi của khách hàng/Tổng dư nợ và Tốc độ tăng trưởng hàng năm của dư nợ đối với nền kinh tế.
Như vậy, bộ chỉ số giám sát của BHTGVN gồm các nhóm: mức đủ vốn, chất lượng tài sản, lợi nhuận và khả năng sinh lời, và tính thanh khoản, chiếm 4/5 nhóm trong bộ 17 chỉ số cốt lõi của IMF, thiếu nhóm chỉ số độ nhạy cảm với rủi ro thị trường. Các chỉ số chi tiết trong từng nhóm của BHTGVN cũng thiếu so với FSIs. Đồng thời, rất nhiều các chỉ số khuyến khích của FSIs mà bộ chỉ số giám sát của BHTGVN hiện chưa có. Việc bổ sung các chỉ số FSIs còn thiếu sẽ giúp bộ chỉ số giám sát của BHTGVN hoàn thiện hơn, có thể đánh giá được toàn diện hơn, kỹ càng hơn tình hình tài chính của các tổ chức tham gia BHTG. Điều này đặt ra yêu cầu BHTGVN cần tiếp tục nghiên cứu và áp dụng một cách phù hợp các chỉ số FSIs để nâng cao hiệu quả công tác giám sát tổ chức nhận tiền gửi trong thời gian tới.
Một số khó khăn và khuyến nghị
Để tính toán được đầy đủ các chỉ số FSIs, BHTGVN gặp một số khó khăn, trong đó có nguồn thông tin báo cáo để tính toán các chỉ số này.
Theo quy định tại Thông tư 34/2016/TT-NHNN quy định về việc cung cấp thông tin giữa NHNNVN và BHTGVN, BHTGVN đã được tiếp cận tương đối đầy đủ các báo cáo để phục vụ cho các hoạt động giám sát. Tuy nhiên, một số báo cáo được tiếp nhận từ NHNN đôi khi không đầy đủ cho cả hệ thống các tổ chức tham gia BHTG, do thời hạn gửi báo cáo của các đơn vị này và thời hạn tra soát của NHNN thường chậm hơn thời hạn BHTGVN chốt dữ liệu để thực hiện báo cáo giám sát.
Ngoài ra, hầu hết các TCTGBHTG hiện vẫn thực hiện hạch toán kế toán theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, mà chưa theo chuẩn mực thế giới, đặc biệt là các chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng mới chỉ tuân thủ Basel II trong vài năm gần đây, chưa tuân thủ theo Basel III. Điều này khiến việc tính toán các chỉ số FSIs có thể sai lệch so với hướng dẫn của IMF, thậm chí một vài chỉ số hiện chưa thể tính toán được.
Để ứng dụng có hiệu quả các chỉ số còn lại trong bộ chỉ số FSIs, BHTGVN cần tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cao chất lượng nguồn thông tin đầu vào và nghiên cứu các chỉ số phù hợp với thực tiễn hoạt động của các ngân hàng, trong đó cần chú ý đến thời điểm áp dụng các chỉ số FSIs phù hợp với mục tiêu công tác giám sát.
Trước mắt, BHTGVN có thể nghiên cứu áp dụng một số chỉ số như: Tỷ lệ an toàn vốn cổ phần phổ thông, Vốn cấp 1/Tài sản, Nợ xấu ròng/Vốn tự có, Dư nợ tín dụng theo ngành kinh tế/Tổng dư nợ, Dự phòng/Nợ xấu, Trạng thái ngoại tệ ròng/Vốn tự có, Lãi (lỗ) từ các công cụ tài chính/Tổng lợi nhuận, Chi phí nhân sự/Tổng chi phí ngoài lãi, Các khoản cho vay bằng ngoại tệ/Tổng dư nợ cho vay, Các khoản nợ bằng ngoại tệ/Tổng nợ. Đây là những chỉ số mà với nguồn dữ liệu hiện tại, BHTGVN có thể tính toán được theo hướng dẫn của IMF, và cũng là những chỉ số quan trọng mà BHTGVN còn thiếu so với FSIs.
Phòng Giám sát
Tài liệu tham khảo
1. Website của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): https://www.imf.org/en/home
2. Hướng dẫn thực hiện các chỉ số lành mạnh tài chính (bản năm 2019) của IMF.
3. Các văn bản nội bộ Quy định và hướng dẫn hoạt động giám sát đối với tổ chức tham gia BHTG của BHTGVN.