Việc chính phủ Bồ Đào Nha chi khoản tiền lớn để giải cứu BES khỏi sự đổ vỡ nhằm tránh những hệ lụy có thể gây ra đối với nền kinh tế vốn mong manh của quốc gia này cũng như với toàn bộ khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Theo kế hoạch giải cứu BES, ngân hàng này sẽ được tách thành hai ngân hàng nhỏ; trong đó một ngân hàng sẽ quản lý các tài sản có tính thanh khoản kém, các tài khoản có tính thanh khoản cao sẽ được tái cơ cấu vào ngân hàng mới mang tên Novo Banco.
Novo Banco sẽ nằm trong sự kiểm soát của Quỹ Giải pháp - tổ chức do các ngân hàng Bồ Đào Nha lập ra theo điều kiện mà "bộ ba" chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đưa ra trong gói cứu trợ Bồ Đào Nha vào năm 2012.
Theo báo cáo vừa được công bố, BES đã lỗ 3,57 tỷ euro chỉ trong 6 tháng đầu năm nay. Ông Costa nhấn mạnh nhiệm vụ cấp thiết lúc này là phải đưa ra được giải pháp cam kết bảo đảm tiền gửi và giữ vững sự ổn định của toàn hệ thống ngân hàng.
Theo giới quan sát, việc Chính phủ Bồ Đào Nha đưa ra gói cứu trợ trên chủ yếu để trấn an các chủ tài khoản nhằm ngăn chặn các hoạt động rút tiền ồ ạt ra khỏi ngân hàng.
Trong phiên giao dịch kết thúc tuần trước, giá trị thị trường của BES đã sụt giảm 1 tỷ euro ngay sau khi thông tin thua lỗ của ngân hàng này được công bố. Ngay lập tức, các cổ phiếu BES chính thức bị tạm ngưng giao dịch sau khi bị mất giá tới 75% giá trị chỉ trong vòng một tuần.
BES bắt đầu gặp khủng hoảng từ tháng trước sau khi có những nghi vấn xung quanh việc công ty mẹ Espirito Santo International (ESI) cố tình che giấu khoản lỗ 1,3 tỷ euro.
Vị lãnh đạo kỳ cựu của ngân hàng này, ông Ricardo Salgado đã bị cách chức và bị bắt hồi tuần trước do tình nghi có liên quan tới các hoạt động rửa tiền.