Yêu cầu sửa đổi Luật được đặt ra sau vụ việc xảy ra rút tiền hàng loạt tại ngân hàng Corporate Commercial Bank (CCB). Năng lực giám sát của Ngân hàng Trung ương (NHTW) Bulgaria đã bị chỉ trích gay gắt và Thống đốc Ivan Iskrov phải chịu áp lực từ chức nặng nề sau sự kiện này.
Trước tình hình đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã kêu gọi hành động kịp thời để giải quyết những yếu kém về thể chế, bao gồm cả giám sát ngân hàng.
Tháng 6 năm ngoái, sau khi bị cáo buộc về cho vay sai quy định và hàng loạt người gửi tiền đến ồ ạt rút tiền, ngân hàng CCB đã phá sản. Đến tháng 11, ngân hàng này bị đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của NHTW và bị tước giấy phép kinh doanh, trong khi Quỹ bảo hiểm tiền gửi (BHTG) của nước này đã chi trả với hạn mức 100.000 euro (tương đương 107.050 USD) cho tổng cộng 1,8 tỷ euro (tương đương 1,9269 tỷ USD) tiền gửi được bảo hiểm.
Chủ sở hữu của CCB, thương gia Tsvetan Vasilev, đã kêu gọi thu hồi giấy phép hoạt động và đệ trình thủ tục phá sản lên tòa án.
Trước tình hình này, nhiều người đã bán quyền sở hữu khoản tiền gửi không được bảo hiểm với giá rẻ để khôi phục ít nhất một phần số tiền của họ và đa số quyền sở hữu này được được mua lại bởi những người phải trả nợ cho ngân hàng, dẫn đến việc ngân hàng khó thu hồi lại tiền để hoàn trả cho quỹ BHTG.
Trong khi các chuyên gia còn đang tranh cãi về việc mua bán như vậy là hợp pháp hay không, Thủ tướng Boyko Borisov cho đây là hành vi "cướp bóc" và kêu gọi sửa đổi Luật phá sản ngân hàng để ngăn chặn tình trạng đó.
Trước mắt, những thay đổi dự tính là chỉ định tổ chức tiếp nhận CCB để đối chất tại tòa án và ngăn chặn bất kỳ giao dịch nào có thể làm suy giảm tài sản của ngân hàng. Tổ chức tiếp nhận CCB sẽ do Cơ quan BHTG - hiện là chủ nợ lớn nhất của CCB chỉ định và thay thế quyền quản trị của NHTW.