Mặc dù nhiều năm nay Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều giải pháp trong chỉ đạo, điều hành; các TCTD đã chủ động nâng cao chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, nhưng chưa có đủ cơ sở pháp lý để đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu đã tồn đọng từ lâu, nên nợ xấu vẫn còn rất lớn. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu là 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô, do khâu xử lý tài sản bảo đảm và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết. Hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của nhiều tổ chức tín dụng gặp khó khăn; khó có cơ hội để giảm lãi suất cho vay, ảnh hưởng lớn đến sản suất kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trước tình hình đó, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016, Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, xác định chủ trương lớn trong cơ cấu lại thị trường tài chính là “tiếp tục lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế. Từng bước xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng có liên quan; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại. Ban hành các quy định hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; giao thẩm quyền và nâng cao năng lực của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) trong mua bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; đồng thời, bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu trong nền kinh tế . Tăng cường công tác thanh tra, giám sát, quản trị rủi ro các tổ chức tín dụng. Tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống”.
Tại Nghị quyết số 23/2016/QH14 ngày 07/11/2016 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, việc “tiếp tục cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phát triển thị trường mua bán nợ, kiểm soát chặt chẽ, xử lý hiệu qua nợ xấu và tổ chức tín dụng yếu kém” là giải pháp, nhiệm vụ chủ yếu cần tập trung thực hiện trong năm 2017. Tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 ngày 08/11/2016 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 đã xác định cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng là một trong ba trọng tâm cơ cấu lại của nền kinh tế trong đó nêu rõ một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 là “Hoàn thiện hệ thống pháp luật hỗ trợ, đẩy nhanh tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) để mua, bán nợ theo giá thị trường gắn với xử lý tài sản thế chấp, bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của chủ nợ, đồng thời bố trí nguồn lực phù hợp để xử lý nhanh và dứt điểm nợ xấu. Xử lý và xóa bỏ tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo; đẩy mạnh thoái vốn ngoài ngành của các ngân hàng thương mại”.
Để khẩn trương thực hiện các Nghị quyết nêu trên, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV đang diễn ra sẽ xem xét và ban hành một Nghị quyết về xử lý nợ xấu. Nghị quyết này quy định về việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng; quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đối tượng áp dụng được mở rộng, gồm: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Theo các quy định hiện hành thì chỉ có các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài được quyền mua bán nợ với các tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu (được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập, hoạt động). Quy định mới sẽ tạo điều kiện cho thị trường mua bán nợ phát triển.
Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của chủ nợ; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo giá trị thị trường theo quy định của pháp luật, kể cả bán với giá thấp hơn giá trị ghi sổ của khoản nợ. Tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng đang hạch toán trong, ngoài bảng cân đối kế toán của tổ chức tín dụng; được chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt thành khoản nợ xấu mua theo giá thị trường theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; được bán nợ xấu cho các pháp nhân, cá nhân bao gồm cả các pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ; được mua khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng với giá mua bằng giá trị định giá của tổ chức định giá độc lập và được thỏa thuận việc phân chia phần giá trị còn lại của số tiền thu hồi được từ khoản nợ xấu này sau khi trừ giá mua, các chi phí xử lý.
Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm: Đây là vấn đề vướng nhất hiện nay. Như thông lệ các nước, đây là quyền đương nhiên của chủ nợ (các TCTD cho vay), nhưng ở VN thì còn quá nhiều vướng mắc. Nghị quyết soạn thảo theo hướng: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của bên bảo đảm, bên giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu có quyền xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự; được ghi trong hợp đồng bảo đảm (hợp đồng vay vốn); giao dịch bảo đảm đã đăng ký theo quy định pháp luật và tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu hoàn thành nghĩa vụ thông báo cho bên bảo đảm (bên vay). Nếu sau 10 ngày làm việc, kể từ ngày phải giao tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để xử lý theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo đảm và quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm mà bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm, kể cả tài sản bảo đảm là bất động sản, trường hợp cần thiết có sự chứng kiến của chính quyền sở tại.
Quy định cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm, để không kéo dài như hiện nay nhiều vụ việc đưa ra tòa mà 3-4 năm vẫn chưa xử lý được. Cho phép mua bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có quyền nhận thế chấp, đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua. Bên mua các khoản nợ này có quyền kế thừa quyền và nghĩa vụ của bên nhận thế chấp. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được chuyển nhượng các tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu là dự án bất động sản khi Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, không có tranh chấp về quyền sử dụng đất; không bị kê biên để bảo đảm thi hành án hoặc để chấp hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Không có quyết định thu hồi dự án, thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Bên nhận chuyển nhượng dự án phải đáp ứng điều kiện của bên nhận chuyển nhượng theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản; kế thừa các quyền, nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án và tiến hành các thủ tục để tiếp tục thực hiện dự án theo quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định chi tiết về: Kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án; Thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm; Bán nợ xấu có tài sản bảo đảm đang bị kê biên; Hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng; Thuế, phí; Phân bổ lãi dự thu, chêch lệch khi bán khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng. Đặc biệt trong việc áp dụng pháp luật: Việc xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được áp dụng theo quy định của Nghị quyết này; Trường hợp Nghị quyết này không có quy định thì áp dụng theo các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này và các Bộ Luật, luật khác có liên quan thì áp dụng theo quy định của Nghị quyết này.
Nghị quyết cũng quy định trách nhiệm của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình để chỉ đạo, thực hiện nghiệm Nghị quyết này.
Nghị quyết nếu được thông qua tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2017 và được thực hiện trong thời hạn 05 năm, sẽ là điều kiện pháp lý tốt nhất cho việc đảy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, bổ sung nguồn vốn quan trọng cho SXKD phát triển kinh tế đất nước./.