Vừa qua, các cơ quan liên bang của Mỹ gồm Cục kiểm soát tiền tệ (OCC), Hội đồng Thống đốc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC), Cơ quan Tài chính Nhà ở Liên bang (FHFA), Cục quản trị nghiệp đoàn tín dụng (NCUA), Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã cùng đề xuất một biện pháp phòng chống rủi ro đạo đức tại các tổ chức tài chính.
Theo đó, các tổ chức tài chính sẽ không được đặt ra hoặc duy trì các khoản thưởng khuyến khích đối với viên chức quản lý nếu các khoản thưởng này dẫn tới hành vi chấp chận mức độ rủi ro cao hơn hoặc những khoản thiệt hại vật chất. Đồng thời, các tổ chức tài chính cũng phải báo cáo các cơ quan liên bang về các khoản thưởng khuyến khích có nguy cơ dẫn tới rủi ro đạo đức. Đề xuất mới được áp dụng cho các tổ chức tài chính có tổng tài sản hợp nhất từ 1 tỷ USD trở lên.
Mục 956 của đạo luật Dodd-Frank yêu cầu các cơ quan quản lý tài chính liên bang phải cùng đưa ra một quy định hoặc hướng dẫn, một mặt tôn trọng việc các tổ chức tài chính sử dụng các khoản thưởng ngoài lương như một công cụ nâng cao năng suất và hiệu quả kinh doanh, đồng thời nghiêm cấm các hình thức thưởng ngoài lương có thể khuyến khích việc chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn đối với tổ chức tài chính đó. Tháng 4/2011, các cơ quan liên bang đã lần đầu tiên đệ trình đề xuất về việc cụ thể hóa mục 956. Đề xuất mới đây là một sự phát triển lên của đề xuất năm 2011, sau khi các cơ quan trên thu nhận được nhiều kinh nghiệm thực tế cũng như nhiều góp ý, phản hồi.
Trong đề xuất mới được công bố, các cơ quan soạn thảo nhận thức được rằng các khoản thưởng khuyến khích là một chính sách quản trị nội bộ quan trọng mà các tổ chức tài chính thường sử dụng. Chính sách này giúp thu hút và giữ chân nguồn nhân lực có trình độ, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức. Tuy nhiên, nếu chính sách này bị lạm dụng hoặc được triển khai không tốt, viên chức quản lý và nhân viên sẽ có xu hướng chấp nhận mức độ rủi ro cao hơn, tác động xấu tới sự phát triển bền vững trong dài hạn của tổ chức tài chính, và xa hơn nữa, tác động xấu tới sức khỏe của nền kinh tế Mỹ.
Đã có những bằng chứng chỉ ra rằng các khoản thưởng khuyến khích trong ngành tài chính đã là một trong những yếu tố gây nên cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007. Để được nhận khoản thưởng khuyến khích, nhiều viên chức quản lý và cả nhân viên đã thúc đẩy quá trình gia tăng tài sản của tổ chức tài chính hoặc để thu được các lợi nhuận ngắn hạn mà không ý thức đầy đủ về rủi ro. Như vậy, lợi ích của tổ chức tài chính đã không đồng hành cùng lợi ích cá nhân của nhân viên. Năm 2009, Viện nghiên cứu Tài chính quốc tế (Mỹ) khảo sát trong ngành ngân hàng bán buôn, và 98% người tham gia khảo sát cho rằng các khoản thưởng khuyến khích sẽ góp phần gây ra khủng hoảng tài chính.
Đề xuất trên của các cơ quan liên bang đang được đăng tải công khai nhằm nhận các ý kiến phản hồi cho tới hết ngày 22/07/2016.
Trong đề xuất, các cơ quan liên bang cũng phân nhóm các tổ chức tài chính theo quy mô tổng tài sản hợp nhất nhằm áp dụng các chính sách quản lý phù hợp:
- Hạng 1: các tổ chức tài chính có tài sản từ 250 tỷ USD trở lên
- Hạng 2: các tổ chức tài chính có tài sản từ 50 tỷ USD tới 250 tỷ USD
- Hạng 3: các tổ chức tài chính có tài sản từ 1 tỷ USD tới 50 tỷ USD |