Các tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) Đông Phi đã bắt đầu chia sẻ thông tin về thông lệ tốt nhất như là bước đầu tiên để hợp nhất các quy tắc và quy định điều chỉnh chính sách bảo vệ người gửi tiền trong khu vực; đồng thời, xem xét khả năng áp dụng một khuôn khổ chung nhằm giải quyết thách thức về các ngân hàng bị khủng hoảng tài chính và rui ro của những vụ đổ vỡ lớn hơn trong tương lai.
“Những gì chúng ta cần làm với tư cách một khu vực là tăng cường năng lực của hệ thống tài chính ngân hàng thông qua áp dụng một khuôn khổ chung về xử lý ngân hàng. Đó là chặng đường dài hướng tới việc đảm bảo sự ổn định hoạt động ngân hàng và thúc đẩy niềm tin vào ngành ngân hàng”, Tổng giám đốc BHTG Kenya cho biết.
“Với tư cách các tổ chức BHTG trong khu vực, chúng ta cần có biện pháp can thiệp để ứng phó với ngân hàng có vấn đề” – Tổng giám đốc BHTG Kenya nhấn mạnh.
Các nước thành viên EAC phát ngôn thông qua Ủy ban các vấn đề tiền tệ được thành lập năm 2016 tại Kigali để cùng đưa ra biện pháp xử lý ngân hàng yếu kém. Những biện pháp này bao gồm tăng cường giám sát tiền gửi tại ngân hàng và can thiệp sớm. Các quốc gia thành viên cũng nhất trí về việc xây dựng Khung cấp vốn xử lý và tăng cường hành động khắc phục kịp thời (PCA) cho các ngân hàng ở khu vực Đông Phi. Do đó, các cơ quan giám sát ngân hàng trong khu vực đã bắt đầu xây dựng kế hoạch tăng cường hoạt động của chính sách bảo vệ người gửi tiền nhằm nâng cao niềm tin công chúng.
Ví dụ, BHTG Kenya (KDIC) có kế hoạch tăng hạn mức cho người gửi tiền của các tổ chức đổ vỡ từ 100.000 Ksh (tương đương 1.000 đô la Mỹ) lên 500.000 Ksh (tương đương 5.000 đô la Mỹ). KDIC cũng đã tiết lộ kế hoạch thành lập tổ chức tiếp nhận tạm thời để quản lý tài sản tốt và nợ phải trả của các ngân hàng yếu kém trong vòng hai năm. Động thái được kỳ vọng sẽ bảo vệ các ngân hàng dược tiếp nhận trước việc rút tiền hàng loạt và cho phép các cơ quan quản lý có thời gian để tìm kiếm tổ chức mua lại tiềm năng. Tổ chức tiếp nhận còn được biết đến với tên gọi “ngân hàng bắc cầu”, sẽ do KDIC sở hữu và có thời gian hoạt động dự kiến là 2 năm trước khi tài sản của ngân hàng đổ vỡ được bán cho các nhà đầu tư chiến lược. Đây cũng là hình thức phổ biến tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Ai len, Malaysia và Hàn Quốc.
Tại Uganda, người gửi tiền được bảo hiểm với hạn mức 5 triệu Ush (tương đương 1.333 đô la Mỹ) trên tổng số dư tiền gửi, và thời hạn chi trả trong vòng 90 ngày kể từ khi xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Tài sản của ngân hàng đổ vỡ sẽ được bán đấu giá trong vòng 6 tháng kể từ khi Ngân hàng trung ương tiếp quản.
Tại Tanzania, Ủy ban bảo vệ tiền gửi đã tăng hạn mức từ 500.000 Tsh (tương đương 217 đô la Mỹ) lên 1.500.000 Tsh (tương đương 651 đô la Mỹ). Trong khi đó, Quỹ BHTG Rwanda bảo vệ người gửi tiền với hạn mức 500.000 Rwf (tương đương 559 đô la Mỹ) cho mỗi người gửi tiền tại một ngân hàng hoặc tổ chức tài chính vi mô thành viên.