Số tổ chức “có vấn đề” vẫn tiếp tục xu hướng giảm từ 732 xuống còn 694 trong quý 3. Đây là quý thứ 6 liên tiếp số tổ chức "có vấn đề" giảm và lần đầu tiên trong 3 năm giảm xuống dưới ngưỡng 700 ngân hàng. Tổng tài sản của các tổ chức "có vấn đề" giảm từ 282 tỷ USD xuống 262 tỷ USD. Điều này thể hiện mức độ rủi ro từ tài sản của các tổ chức “có vấn đề” cũng giảm bớt.
Hiện có 12 tổ chức tham gia BHTG bị đổ vỡ trong quý 3. Đây là quý chứng kiến sự đổ vỡ ít nhất kể từ quý 4/2008. Tính đến thời điểm báo cáo được công bố, đã có 7 ngân hàng đổ vỡ trong quý 4. Tính từ đầu năm 2012, có 50 ngân hàng đổ vỡ, thấp hơn nhiều so với 90 ngân hàng bị đổ vỡ cùng thời điểm này năm ngoái.
Giá trị tài sản ròng của Quỹ BHTG (DIF) chưa được kiểm toán tăng lên 25,2 tỷ USD trong quý 3, so với 22,7 tỷ USD của quý 2. Thu từ phí tiếp tục đà tăng tích cực, giúp củng cố quỹ DIF. Ngoài ra, số lượng ngân hàng đổ vỡ dự kiến giảm cũng góp phần tăng tích lũy cho DIF. Dự phòng thua lỗ (vốn được dùng để trang trải các chi phí xử lý đổ vỡ có thể xảy ra) giảm từ 4,0 tỷ USD xuống 3,6 tỷ USD trong quý 3. Công tác dự báo của FDIC về đổ vỡ và khoản mục dành cho dự phòng thua lỗ do đổ vỡ đã hỗ trợ tích cực cho sự tăng trưởng quỹ DIF.