Phó Thống đốc Đào Minh Tú |
Phó Thống đốc có thể chia sẻ những kinh nghiệm trong chỉ đạo của NHNN đã mang lại kết quả ấn tượng này?
Có thể nói lần thứ 3 đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ là niềm vui, niềm tự hào của ngành Ngân hàng khi một lần nữa những nỗ lực, quyết liệt thực hiện CCHC của NHNN được ghi nhận. Thành công ấy cũng thêm khẳng định một sự quán xuyến và chỉ đạo rất quyết liệt trong công tác CCHC của Ban Lãnh đạo NHNN đặc biệt là người đứng đầu – Thống đốc NHNN, không chỉ trên lời nói mà bằng hành động cụ thể.
Còn nhớ cách đây 10 năm ngành Ngân hàng đã quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm TTHC và NHNN cũng là cơ quan đầu tiên công bố bộ TTHC hoàn chỉnh. Tiếp nối công cuộc này, 10 năm qua, NHNN đã triển khai nghiêm túc và có trách nhiệm chỉ đạo của Chính phủ trong lĩnh vực CCHC. Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 – 2020, NHNN đã thống nhất tư tưởng chỉ đạo CCHC là nhiệm vụ trọng tâm hết sức quan trọng để thực hiện chiến lược cải cách, đổi mới hoạt động ngân hàng. Từ việc xác định rõ quan điểm, định hướng trong chỉ đạo điều hành, NHNN đã xây dựng chương trình, kế hoạch CCHC cụ thể (5 năm và hàng năm) và chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ trong toàn Ngành.
Thống đốc NHNN đã yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị quán triệt và xác định công tác CCHC, cải cách TTHC là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cấp bách là giải pháp chủ yếu để cải thiện, nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc của đơn vị.
NHNN thường xuyên theo dõi và có nhiều hình thức tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện của các đơn vị trong toàn Ngành để đánh giá sát tình hình triển khai, kịp thời quán triệt, chấn chỉnh các đơn vị chưa nghiêm túc. Việc thực hiện công tác CCHC được xem là một căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành công việc của đơn vị và thủ trưởng đơn vị cũng như bình xét thi đua khen thưởng.
Hoạt động CCHC được triển khai đồng bộ trên tất cả 6 nội dung từ cải cách TTHC, tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức, xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế cho đến cải cách tài chính công, áp dụng công nghệ, hiện đại hóa ngân hàng vào CCHC.
Quan điểm quán xuyến của Ban Lãnh đạo và người đứng đầu NHNN trong CCHC còn thể hiện một sự nhất quán chặt chẽ giữa các giải pháp cải cách trong hệ thống NHNN và các giải pháp cải cách của hệ thống các TCTD, thông qua đó hỗ trợ trực tiếp đối với hệ thống doanh nghiệp.
NHNN đã chỉ đạo hệ thống các TCTD thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về đơn giản hóa thủ tục, cắt giảm lãi suất, phí dịch vụ, nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong các giao dịch với TCTD, trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, thể hiện sự tích cực và trách nhiệm của ngành Ngân hàng đối với sự phát triển của hệ thống, góp phần rõ nét trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ theo Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020, NHNN còn chủ động triển khai các nội dung cải cách nội bộ trọng tâm là gắn CCHC với nâng cao chất lượng công chức công vụ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo điều hành; nâng cao đạo đức, ý thức trách nhiệm giải quyết công việc, vị trí việc làm của cán bộ công chức, công vụ qua đó đã phát huy hiệu quả các nguồn lực hiện có, đáp ứng yêu cầu xử lý kịp thời, có chất lượng nhiều công việc cấp bách, trọng tâm trong những năm vừa qua.
Điểm nhấn cuối cùng cho sự thành công trong CCHC của NHNN đó chính là sự vận hành có hiệu quả của bộ máy thường trực làm công tác CCHC của cả hệ thống.
Xin ông cho biết thêm về hiệu quả CCHC đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ của NHNN?
Trên nền tảng nhận thức của các cấp lãnh đạo Ngành, đổi mới ngành Ngân hàng dứt khoát phải có sự đổi mới trong phương thức chỉ đạo điều hành, nâng cao chất lượng, cải cách công vụ công chức. Việc CCHC ở ngành Ngân hàng thời gian qua đã được triển khai đồng bộ từ NHTW đến các chi nhánh NHNN địa phương và các đơn vị trong toàn Ngành với tư cách là một cơ quan quản lý Nhà nước.
NHNN đã tổ chức triển khai quyết liệt và đạt kết quả tích cực trên cả 6 lĩnh vực thuộc chương trình tổng thể CCHC nhà nước. Điển hình trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế, NHNN đã xây dựng trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, ban hành quy định mới quản lý hoạt động tín dụng, cho vay của các TCTD... Trong lĩnh vực cải cách TTHC, năm 2017 NHNN đã rà soát, cắt giảm gần 70 TTHC tổng số chi phí tuân thủ cắt giảm hơn 20% chi phí tuân thủ TTHC, vượt chỉ tiêu cắt giảm 10%/năm Chính phủ giao.
Trong lĩnh vực hiện đại hóa hành chính, toàn bộ các TTHC của NHNN đã được thực hiện theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 và được đăng trên Cổng thông tin điện tử đáp ứng yêu cầu công khai minh bạch và tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân giám sát quá trình giải quyết TTHC của NHNN. Các hoạt động hành chính đã được ứng dụng toàn diện CNTT như hệ thống thông tin quản lý văn bản và điều hành thống nhất trong toàn ngành nhanh chóng, kịp thời, thuận lợi hệ thống truyền hình trực tuyến đã góp phần nâng cao hiệu quả công việc, cắt giảm chi phí hành chính, giảm đáng kể giấy tờ, đi lại, hội họp… mà hiệu quả điều hành cao hơn.
Các nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực cải cách tổ chức bộ máy, công vụ, công chức, tài chính công đều triển khai hoàn thành đúng mục tiêu, kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy việc sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng lao động, cắt giảm biên chế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.
Về cải cách TTHC của các TCTD, thực hiện chỉ đạo của NHNN, hệ thống các TCTD đã chủ động rà soát, cắt giảm, bãi bỏ nhiều TTHC tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vay vốn và sử dụng các dịch vụ. Năm 2017, hệ thống các TCTD đã có trên 70 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với nguồn vốn ưu đãi, trong đó có 15 chương trình áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Cũng trên tinh thần cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, NHNN đã chỉ đạo và cùng các TCTD triển khai các chương trình kết nối với doanh nghiệp trên tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước để từ đó tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cụ thể. Như chương trình Thủ tướng đối thoại với nông dân hồi tháng 4 vừa qua, ngay sau khi nông dân kiến nghị lên Thủ tướng những vấn đề vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng, lãnh đạo NHNN đã xuống tận địa bàn để giải quyết từng trường hợp cụ thể.
Mở rộng hơn hiệu quả CCHC ra nền kinh tế, NHNN đã tích cực thực hiện chỉ đạo cải cách của Chính phủ, chủ động phối hợp với rất nhiều các bộ, ngành khác trong vấn đề tạo ra một sự thuận lợi chung, cải cách chung, trong các hoạt động mà có sự tham gia của ngành Ngân hàng thì sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo |
Như ông đã nói, cải cách hay đổi mới phải liên tục, quyết liệt và xuyên suốt nhiều năm, vậy Phó Thống đốc có thể cho biết những định hướng lớn trong công tác CCHC của NHNN trong thời gian tới?
Phải khẳng định, CCHC là sự vận động liên tục, không có điểm dừng để đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế và trong hoạt động ngân hàng, điều đó đòi hỏi mỗi đơn vị trong toàn Ngành phải không ngừng cải cách, đổi mới. Chính vì vậy, trong thời gian tới, NHNN sẽ vẫn tiếp tục phát huy cách thức, biện pháp, giải pháp thực hiện mục tiêu vừa qua. Trong đó, Ban Lãnh đạo NHNN đặt ra các lĩnh vực đặc biệt quan trọng cần phải triển khai quyết liệt hơn, đó là cải cách trong nội bộ, gắn với cải cách công vụ, công chức, cải cách trong phương thức chỉ đạo điều hành để nâng cao hiệu lực trong điều hành hệ thống các TCTD, thị trường tiền tệ và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn, phục vụ người dân tốt hơn.
Về những định hướng lớn trong thời gian tới, CCHC tiếp tục được NHNN xác định là một trong những nội dung, giải pháp đổi mới hoạt động ngân hàng, nhằm đưa hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, phát huy tối đa vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đóng góp đắc lực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Với mục tiêu tiếp tục triển khai tích cực các nhiệm vụ CCHC theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ, NHNN sẽ tập trung vào các trọng tâm: tiếp tục triển khai mạnh mẽ, toàn diện nhiệm vụ CCHC và chương trình, kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển doanh nghiệp; Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tạo động lực và áp lực trách nhiệm trong thực thi công vụ đối với cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu đơn vị; hoàn thiện hệ thống pháp luật; kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại hóa hoạt động ngân hàng, hoàn thiện Chính phủ điện tử; tăng cường chỉ đạo các TCTD cải tiến, đổi mới, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Để đạt các mục tiêu đó, NHNN sẽ tổ chức thực hiện thông qua hàng loạt các chính sách, cơ chế và giải pháp sẽ được đặt ra phù hợp trong từng giai đoạn, trên nền tảng ý chí, quyết tâm chính trị thống nhất cao độ của toàn Ngành, một sự tập trung đầu tư nguồn lực con người một cách thỏa đáng và hiệu quả.
Ngày 2/5/2018 được đánh dấu bởi thành tích rất đáng tự hào của ngành Ngân hàng trong công cuộc cải cách hành chính (CCHC), với năm thứ 3 liên tiếp NHNN đứng đầu bảng xếp hạng Chỉ số CCHC các bộ ngành, cơ quan ngang bộ (Par-Index 2017) do Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố. Giá trị chỉ số 92,36% không chỉ cao nhất trong 19 bộ ngành mà còn là cao nhất trong các cơ quan được xếp hạng gồm cả 63 tỉnh thành phố. Những nỗ lực CCHC của NHNN không chỉ vượt lên chính mình mà còn có những bước đi nhanh hơn trong bối cảnh các bộ ngành cùng dồn lực trong công tác này. Trước đó, Báo cáo Môi trường kinh doanh năm 2018 (Doing Business Report 2018) của Ngân hàng Thế giới (WB) ghi nhận chỉ số Tiếp cận tín dụng của Việt Nam tăng 3 bậc so với năm trước, xếp thứ hạng 29 trên tổng số 190 quốc gia được khảo sát. “Như vậy, có thể khẳng định CCHC đã được NHNN rất chú trọng và triển khai đạt hiệu quả cao”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú trao đổi cùng phóng viên Thời báo Ngân hàng. |