210.000 tỷ đồng đã được các ngân hàng giải ngân mới cho hơn 20.000 DN và một số đối tượng khác. 1.900 DN và gần 600 khách hàng khá được cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ, giúp tháo gỡ khó khăn. Đây là kết quả của trên 300 buổi gặp gỡ, đối thoại giữa ngân hàng và DN của ngành Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm qua.
NHNN đã chỉ đạo điều hành cũng như xây dựng chính sách sát sao hơn, hỗ trợ người dân và DN |
Trong nhiều cuộc gặp gỡ đối thoại, đích thân Thống đốc và các lãnh đạo NHNN tham gia để không chỉ lắng nghe từ đó giải tỏa những khó khăn cho DN trong sản xuất kinh doanh mà hơn thế, việc sát sao với các đối tượng thụ hưởng chính sách tiền tệ là cơ sở để NHNN tăng cường hơn nữa hiệu quả công tác cải cách hành chính (CCHC) của NHNN trong những năm qua, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2018.
“Bắt sóng” nền kinh tế…
Đồng hành cùng các thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong một thời gian dài, Chủ tịch Vũ Tiến Lộc nhìn nhận ngành Ngân hàng là ngành tiên phong trong tiếp cận giải quyết khó khăn cho DN. Ông nhắc lại việc ngay sau sự kiện Thủ tướng đối thoại với nông dân, đích thân Phó Thống đốc Đào Minh Tú đã xuống tận Bắc Giang để tìm hiểu và tháo vướng mắc trong quan hệ tín dụng của Hợp tác xã Trường Thành và các TCTD trên địa bàn.
“Những việc làm cụ thể và hiệu quả như vậy đã hỗ trợ đẩy nhanh tiến trình cải cách môi trường kinh doanh của chúng ta”, ông Lộc đánh giá.
Trong bối cảnh phát triển DN mới bùng nổ thời gian qua, đánh giá cao sự nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc cải thiện mạnh mẽ chỉ số tiếp cận tín dụng theo đánh giá của WB, ông Lộc nhấn mạnh những gì mà ngành Ngân hàng làm được còn hơn cả những con số ấn tượng. Ở các nước khác, nguồn vốn trung dài hạn được cung ứng bởi thị trường vốn, thị trường chứng khoán thì ở Việt Nam ngành Ngân hàng đang gánh thay trách nhiệm với dư nợ cho vay trung dài hạn chiếm 55%. “Tôi cho rằng gánh vác này của ngành ngân hàng là rất đáng được trân trọng”, ông Lộc nói.
Đáng nói hơn là chỉ số niềm tin với ngành Ngân hàng tăng cao trong cộng đồng DN. Bà Nguyễn Thu Hà – Tổng giám đốc Công ty TNHH Lexim kể, năm 2012, khi tham gia một hội nghị cũng về tháo gỡ khó khăn cho DN, một giám đốc NH nói với bà: “Em gặp khó khăn à... đến anh cho vay ngay…”. Nhưng từ câu nói đến thực hiện lại xa vời.
Cho đến năm 2014, khi tiếp cận với Vietcombank chi nhánh Chương Dương, bà Hà đã cảm nhận sự thay đổi rõ nét cả về nhận thức và hành động trong hoạt động cung ứng tín dụng của ngân hàng. Niềm tin với ngành Ngân hàng dày thêm bởi thái độ tận tâm vì khách hàng. “11 giờ, 12 giờ đêm tôi vẫn còn trao đổi với lãnh đạo ngân hàng để 3 ngày hôm sau nguồn vốn vay có thể giải ngân đúng thời điểm. Chỉ có niềm tin thì ngân hàng và DN mới đồng hành được, từ đó có hỗ trợ cụ thể chứ không đơn thuần chỉ là đáp ứng vốn”, bà tâm sự.
Những thông tin phản hồi từ DN cho thấy, lãi suất dường như không còn là mối quan tâm hàng đầu của đa số DN vào lúc này. Thay vào đó, cải cách về thủ tục hành chính, tác phong, lề lối làm việc đang là vấn đề chính để các DN thiết lập và gìn giữ mối quan hệ với ngân hàng.
Đây cũng chính là tâm huyết của lãnh đạo ngành Ngân hàng trong thời gian qua, khi tiến hành CCHC không chỉ tại hệ thống NHNN, mà cả đối với hệ thống các TCTD - vừa là đơn vị kinh doanh vừa là đơn vị cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế. “Về phía NHNN và NHTM, chúng tôi khẳng định CCHC và thủ tục hành chính là rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận tín dụng và dịch vụ với TCTD, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Tạo dựng môi trường kinh doanh ổn định
Bức tranh CCHC của NHNN thêm rõ nét trong 6 tháng đầu năm 2018. Ngay những ngày cuối năm 2017, trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày của Chính phủ về Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020, NHNN đã ban hành Kế hoạch CCHC năm 2018 với mục tiêu trong kế hoạch CCHC của NHNN góp phần cải thiện tích cực môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đóng góp quan trọng vào việc cải thiện môi trường kinh doanh nói chung, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận vốn ngân hàng.
Đặc biệt, triển khai Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 576/QĐ-NHNN ngày 30/3/2018 phê duyệt nội dung đơn giản hóa chế độ báo cáo thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN. Trong đó, cắt giảm 31 báo cáo, đơn giản hóa 9 báo cáo trên tổng số 145 báo cáo đạt tỷ lệ đơn giản hóa gần 28% số báo cáo định kỳ, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.
Hiện nay, NHNN đang khẩn trương xây dựng Thông tư về việc thực hiện đơn giản hóa chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi chức năng quản lý của NHNN đã được phê duyệt theo Quyết định số 576/QĐ-NHNN, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2018.
NHNN đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh với đề xuất cắt giảm 28% trên tổng số hơn 200 điều kiện kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng. Sau khi tiếp thu ý kiến của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và các bộ liên quan, NHNN đã nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến tham gia của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, các đơn vị liên quan và đã hoàn thành Phương án cải cách điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng.
Hành lang pháp lý thêm hoàn thiện và minh bạch. 6 tháng đầu năm, Thống đốc đã ký ban hành 12 Thông tư; ký xác thực 11 văn bản hợp nhất; Trình Chính phủ ban hành 1 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Nghị định số 42/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 bãi bỏ một số Nghị định của Chính phủ trong lĩnh vực ngân hàng).
Ngoài việc thực hiện góp ý 334 lượt văn bản, NHNN cũng đã tích cực tham gia góp ý các đề nghị xây dựng Nghị định, góp ý các dự thảo nghị định, quyết định của TTCP trong ngành Ngân hàng như: Góp ý đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 10/2010/NĐ-CP về hoạt động thông tin tín dụng; đề nghị xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt; dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 70/2000/NĐ-CP về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/NĐ-CP về đại lý thu đổi ngoại tệ...
Riêng đối với công tác cải cách thủ tục hành chính, NHNN đã ban hành Kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; Kế hoạch rà soát quy định thủ tục hành chính năm 2018 của NHNN; Quy chế kiểm soát thủ tục hành chính tại NHNN. Từ đó hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị thực hiện các quy định về đánh giá tác động, tính toán chi phí tuân thủ, báo cáo định kỳ.
Trong 6 tháng cuối năm, cùng với việc tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai các nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch, NHNN sẽ hoàn thành 1 Nghị định và 1 Thông tư về đơn giản hóa điều kiện kinh doanh thuộc chức năng của NHNN; Hoàn thành Thông tư đơn giản hóa chế độ báo cáo của NHNN. Đồng thời theo dõi, hướng dẫn các đơn vị thuộc NHNN duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO. Dự kiến trong quý IV/2018, NHNN sẽ chính thức đưa vào vận hành thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt trên Cổng thông tin một cửa quốc gia..
Đối với các TCTD, việc cải tiến hơn nữa về thủ tục, lãi suất, chi phí đang và sẽ tiếp tục được đặt ra không chỉ vì thực thi nhiệm vụ NHNN giao phó mà từ chính nhu cầu nội tại để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hiệu quả kinh doanh... Trong quá trình đó, bên cạnh việc chỉ đạo song hành cùng TCTD tìm cách tháo gỡ khó khăn cho DN, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức các đợt kiểm tra việc thực hiện tại các TCTD để đảm bảo cải cách không chỉ trên kế hoạch mà đi vào thực chất trong từng hành động.
Cùng với việc lắng nghe phản hồi từ đối tượng thụ hưởng là người dân, DN cùng các chuyên gia từ những hội thảo tọa đàm về CCHC và thủ tục hành chính, hội nghị gặp gỡ đối thoại cùng DN mà NHNN tổ chức thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo điều hành cũng như xây dựng chính sách sát sao hơn, hỗ trợ người dân và DN. Công tác CCHC sẽ hứa hẹn nhiều bước chuyển hơn nữa trong thời gian tới...