Môi trường tài chính - ngân hàng đã thay đổi rõ rệt trong những năm gần đây, trong đó đổi mới công nghệ là động lực chính. Một mặt, đổi mới công nghệ dẫn dắt các tổ chức tín dụng điều chỉnh mô hình kinh doanh và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng trong việc tùy chỉnh sản phẩm và dịch vụ; tạo ra cơ hội mới về lợi nhuận nhờ tăng hiệu quả và giảm chi phí. Mặt khác, nó đặt ra những thách thức về quản trị doanh nghiệp, nâng cao trình độ kỹ thuật số, tăng việc sử dụng thuê ngoài và các rủi ro liên quan cũng như cạnh tranh giữa các bên trung gian. Đổi mới công nghệ cũng đặt ra lo ngại về bất ổn định tài chính có thể nảy sinh. Việc số hóa và quốc tế hóa tài chính như cấp quyền truy cập thanh toán nhanh, ngân hàng di động cũng có thể dẫn đến hiệu ứng lan truyền và rủi ro ảnh hưởng tâm lý đám đông qua phương tiện truyền thông xã hội, gây ra tình trạng rút tiền gửi hàng loạt.
Ba trụ cột tại Châu Âu: Khuôn khổ quản lý khủng hoảng và BHTG; Chương trình BHTG Châu Âu; và đồng Euro số hóa
Việc xem xét khuôn khổ quản lý khủng hoảng và BHTG (CMDI) ở Châu Âu (EU) đang được tiến hành nhằm giải quyết những thiếu sót về pháp lý hiện hành. Đề xuất do Ủy ban EU công bố vào tháng 4/2023 đặt ra yêu cầu cải cách những điểm yếu của cơ chế quản lý, giám sát ngân hàng. Trong đó đề xuất vai trò của tổ chức BHTG trong Mạng an toàn tài chính phải được tăng cường hơn nữa.
Hiệu quả của khuôn khổ sửa đổi sẽ phụ thuộc vào hai khía cạnh. Thứ nhất, cần tạo điều kiện thuận lợi để sử dụng Quỹ BHTG hỗ trợ các chiến lược chuyển giao trong xử lý và thanh lý, thông qua tăng cường thí điểm theo nguyên tắc chi phí tối thiểu trên diện rộng. Thứ hai, các Quỹ BHTG phải có khả năng bù đắp tài chính một cách hiệu quả và dễ dàng để bổ sung nguồn lực cho Quỹ xử lý thống nhất do vai trò lớn hơn của tổ chức BHTG trong xử lý và thanh lý có thể làm tăng mối lo ngại về chi phí tăng lên cho hệ thống ngân hàng. Về mặt này, các biện pháp can thiệp ngoài việc chi trả thường giảm thiểu chi phí xử lý ngân hàng cho tất cả các bên liên quan, gồm cả tổ chức BHTG. Hơn nữa, việc sử dụng quỹ BHTG sẽ cải thiện niềm tin của công chúng và sự ổn định tài chính, dẫn đến giảm chi phí về nguồn vốn của ngân hàng.
Tăng cường sự tham gia của các tổ chức BHTG còn nhằm hoàn thiện Liên minh Ngân hàng với việc thành lập Chương trình BHTG Châu Âu (EDIS).
Theo Bà Alessandra Perrazzelli - Phó Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy, việc thành lập EDIS với khả năng hỗ trợ quản lý đổ vỡ ngân hàng sẽ đánh dấu sự chuyển đổi từ mạng lưới BHTG quốc gia sang cơ chế tích hợp chung để bảo vệ người gửi tiền toàn khu vực. Trong một hệ thống ngân hàng có phạm vi rộng như EU, với trách nhiệm giám sát và xử lý được tập trung hóa, việc hài hòa về cơ chế BHTG cũng trở nên cần thiết. Chỉ có một hệ thống EDIS tương hỗ hoàn toàn bao gồm các biện pháp can thiệp thay thế mới đảm bảo bảo vệ người gửi tiền mà không tạo ra tác động trợ cấp chéo. Các giải pháp ít tham vọng hơn sẽ không mang lại những tác động có lợi của một cơ chế BHTG tương hỗ chính thức và sẽ chuyển việc quản lý khủng hoảng lên cấp khu vực trong khi chi phí lại ở cấp quốc gia.
Trong tương lai, những lo ngại có thể nảy sinh khi các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (CBDC) đi vào hoạt động, chẳng hạn như đồng Euro kỹ thuật số. Một số ý kiến lo ngại đồng Euro kỹ thuật số có thể tạo ra bất ổn cho hoạt động kinh doanh ngân hàng truyền thống. Về vấn đề này, cần điều chỉnh một số tính năng của CBDC, như giới hạn quyền sở hữu để tránh tác động tiêu cực đến ổn định tài chính và duy trì sự cân bằng giữa tiền tư nhân và tiền ngân hàng trung ương. CBDC thậm chí có thể giúp giảm thiểu rủi ro rút tiền hàng loạt. Đồng Euro kỹ thuật số có thể cung cấp thông tin theo thời gian thực về dòng tiền gửi, cho phép các cơ quan chức năng phản ứng nhanh hơn, từ đó làm tăng niềm tin của người gửi tiền.
Cập nhật đánh giá khung quản lý khủng hoảng và BHTG
Gần đây nhất vào ngày 19/6, Hội đồng chung EU đã thông qua nhiệm vụ đàm phán nhằm đánh giá khuôn khổ CMDI đối với ngân hàng.
Nhiệm vụ đánh giá bao gồm một loạt các biện pháp toàn diện được thiết kế để tăng cường khuôn khổ quản lý khủng hoảng hiện có của EU và cải thiện quy trình xử lý các ngân hàng vừa và nhỏ. Đây cũng là một bước hướng tới hoàn thiện hơn nữa Liên minh Ngân hàng như ý kiến của Cộng đồng chung EU hồi tháng 6/2022.
Ông Vincent Van Peteghem, Bộ trưởng Tài chính Bỉ cho biết: Với nhiệm vụ này, EU đang thực hiện một bước quan trọng hướng tới khuôn khổ quản lý khủng hoảng tích hợp và hiệu quả hơn nhằm củng cố khả năng giải quyết các thách thức về xử lý ngân hàng vừa và nhỏ. Khuôn khổ CMDI sửa đổi sẽ mang lại lợi ích đáng kể về tăng cường ổn định tài chính, bảo vệ tốt hơn tiền gửi của người nộp thuế, đồng thời tạo ra một sân chơi bình đẳng giữa các ngân hàng ở EU. Đây là chìa khóa cho sự phát triển sâu rộng của Liên minh Ngân hàng.
Với thỏa thuận này, Hội đồng EU sẵn sàng tham gia đàm phán với Nghị viện EU để luật hóa chính sách về quản lý khủng hoảng và BHTG. Một số điểm chính yếu trong thỏa thuận đánh giá bao gồm:
Đánh giá lợi ích công
Quy trình xử lý cần đảm bảo vì lợi ích công, khung CMDI làm rõ cách thức đánh giá lợi ích công do cơ quan xử lý thực hiện. Đặc biệt, EU sẽ cải cách nhằm tăng phạm vi xử lý tới một số ngân hàng vừa và nhỏ bằng cách mở rộng tiêu chí lợi ích công.
Để đạt được mục tiêu này, việc đánh giá lợi ích công phải được tiến hành theo hai giai đoạn. Đầu tiên, cơ quan xử lý xác định liệu có bất kỳ mục tiêu xử lý nào bị đe dọa trong trường hợp mất khả năng thanh toán không. Nếu có, thủ tục phá sản thông thường sẽ chỉ được áp dụng nếu có hiệu quả cao hơn thủ tục xử lý. Nếu thủ tục phá sản thông thường không hiệu quả thì thủ tục xử lý sẽ được thực hiện.
Cuối cùng, nhiệm vụ của Hội đồng EU cũng quy định rằng khi đánh giá sự gián đoạn của nền kinh tế thực, cơ quan xử lý nên tập trung đánh giá ở cả cấp độ quốc gia và cấp vùng để phản ánh ảnh hưởng của các ngân hàng vừa và nhỏ.
Thu hẹp khoảng cách
Một trong những mục tiêu chính của cải cách CMDI là tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý các ngân hàng ở EU, giảm thiểu rủi ro lây lan hoặc tác động lan tỏa tới nền kinh tế thực. Việc xem xét khuôn khổ CMDI nhằm làm cho khuôn khổ này mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn, đặc biệt qua việc nêu ra các vấn đề về nguồn vốn có thể gặp phải khi xử lý ngân hàng vừa và nhỏ. Trong đó, yêu cầu tối thiểu đối với vốn tự có và các khoản nợ đủ điều kiện (MREL) mà ngân hàng phải duy trì để đảm bảo rằng các khoản lỗ có thể được bù trừ từ phần đóng góp của cổ đông và chủ nợ.
Khuôn khổ CMDI nhằm tạo nguồn hỗ trợ bổ sung cho các cơ quan, tổ chức thuộc Mạng an toàn tài chính (cụ thể là các Chương trình BHTG quốc gia, Quỹ xử lý thống nhất (SRF), hoặc các quỹ xử lý quốc gia bên ngoài Liên minh Ngân hàng) để tài trợ cho các chiến lược chuyển giao khi xử lý. Đây được gọi là sử dụng quỹ BHTG để 'thu hẹp khoảng cách' trước khi can thiệp bằng Quỹ xử lý thống nhất.
Hội đồng EU cũng bổ sung một số quy định như: Các biện pháp bảo vệ bổ sung đối với việc sử dụng quỹ BHTG hoặc Quỹ SRF để tránh hậu quả không mong muốn hoặc rủi ro đạo đức; Chia sẻ gánh nặng giữa Quỹ BHTG và Quỹ SRF, trong đó Quỹ SRF phục vụ Liên minh Ngân hàng, chịu sự can thiệp của tổ chức này theo giới hạn và 'thứ tự phân hạng', đặc biệt là ưu tiên SRF cho mục đích trả nợ; Yêu cầu và hạn chế chặt chẽ hơn về việc sử dụng biện pháp thu hẹp khoảng cách đối với các ngân hàng có quy mô bảng cân đối kế toán từ 30 tỷ euro đến 80 tỷ euro, áp dụng trong khoảng thời gian 10 năm sau khi CMDI có hiệu lực.
Thứ tự yêu cầu bồi thường
Hội đồng EU duy trì nguyên tắc tiền gửi phải được ưu tiên, tăng cường bảo vệ sao cho người gửi tiền đều được hưởng lợi khi xếp hạng về bồi thường. EU cũng đưa ra khái niệm 'trạng thái siêu ưu tiên' cho người gửi tiền được Quỹ BHTG bảo vệ và mở rộng cho trường hợp thế quyền. Đồng thời, do việc áp dụng siêu ưu tiên của Quỹ BHTG hạn chế khả năng tổ chức BHTG can thiệp vào việc xử lý, Hội đồng EU đã đồng ý hài hòa và mở rộng thử nghiệm chi phí tối thiểu.
Thử nghiệm mở rộng này sẽ phải được thực hiện trước khi các nguồn lực của Quỹ BHTG được sử dụng cho mục đích ngoài chi trả, bao gồm tài trợ cho các biện pháp phòng ngừa trước khi ngân hàng được xử lý, các biện pháp thay thế hỗ trợ thanh lý hoặc hỗ trợ thủ tục xử lý.
Điều này đảm bảo việc sử dụng quỹ BHTG không vượt quá chi phí giả định để chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp thanh lý, tùy thuộc vào những điều chỉnh nhất định có tính đến chi phí gián tiếp và hệ số điều chỉnh 85%.
Các biện pháp phòng ngừa và thay thế
Hội đồng EU làm rõ sự khác biệt giữa các biện pháp phòng ngừa nhằm ngăn chặn ngân hàng phá sản và các biện pháp thay thế. Đồng thời, sửa đổi quy trình thực hiện các biện pháp phòng ngừa, làm rõ sự tham gia của từng cơ quan có thẩm quyền. Nhiệm vụ cũng đưa ra các điều khoản cụ thể nhằm duy trì khuôn khổ hoạt động cho các chương trình bảo vệ thể chế (“IPS”) nhằm thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Hỗ trợ tài chính công đặc biệt
Nhiệm vụ làm rõ hình thức hỗ trợ tài chính công dành cho các ngân hàng đổ vỡ trong những trường hợp đặc biệt và quy trình có liên quan.
Nhìn chung, các xu hướng gần đây trong lĩnh vực ngân hàng EU và những thay đổi sắp tới trong quy định có thể được xem xét thỏa đáng trong quá trình đánh giá Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống BHTG hiệu quả của IADI, tập trung vào mối quan hệ đối tác giữa các bên liên quan.
Cho đến nay, tăng cường hợp tác trong quản lý khủng hoảng và BHTG là một cam kết đầy tham vọng của EU với nhiều cột mốc quan trọng đã đạt được trong khoảng thời gian tương đối ngắn thông qua các nỗ lực chung nhằm hài hòa cách thức quản lý và kết hợp các thông lệ quốc gia tốt nhất.
HL