Hôm thứ 7, NHTW Trung Quốc bỏ sàn lãi suất cho vay, cho phép các tổ chức tín dụng chào bất kỳ mức lãi nào họ muốn. Cơ quan quản lý hy vọng bước đi này sẽ khuyến khích cạnh tranh giữa các ngân hàng và giúp doanh nghiệp và cá nhân dễ tiếp cận vốn vay hơn, đặc biệt là các hãng tư nhân cỡ nhỏ lâu nay vẫn bị các ngân hàng nhà nước lớn quay lưng.
(Xem thêm: Trung Quốc bỏ sàn lãi suất cho vay)
Tuy vậy, giới ngân hàng nói bước đi này sẽ không tạo chuyển biến lập tức vì hiện ít ngân hàng đang cho vay với lãi suất gần sàn. Nhưng trong dài hạn, cạnh tranh quyết liệt hơn sẽ làm giảm lợi nhuận, tăng nhu cầu vốn và buộc ngân hàng phải tiến sang các dịch vụ ít phụ thuộc vào biến động lãi suất.
Lợi nhuận ngân hàng Trung Quốc chủ yếu từ tín dụng. Giả sử biên lãi ròng giảm 10% và tài sản tăng 15%, các ngân hàng sẽ phải huy động thêm từ 50 tới 100 tỷ USD trong vòng hai năm tới để duy trì tỷ lệ an toàn vốn. Ba năm qua, các ngân hàng đã huy động được 50 tỷ USD từ phát hành cổ phiếu.
Nghiên cứu của ChinaScope dựa trên dữ liệu từ khoảng 140 ngân hàng, theo đó, các ngân hàng thương mại cấp thành phố sẽ cần nhiều vốn nhất trong khi các ngân hàng lớn cấp quốc gia sẽ cần tương đối ít.
Đến nay, các ngân hàng Trung Quốc nhìn chung vẫn duy trì đủ vốn để hấp thụ thua lỗ từ nợ xấu. Theo ChinaScope, tỷ lệ vốn cấp 1 (tức tỷ lệ vốn góp của cổ đông và lợi nhuận dữ lại trên tổng tài sản) của các ngân hàng thương mại cấp thành phố là 12,8%, của các ngân hàng cổ phần là 9,7% và “ngũ đại gia ngân hàng” là 10,7% (gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Xây dựng (CCB), Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China), và Ngân hàng Thông tin).
Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tại Trung Quốc là 7,5% với ngân hàng lớn và 8,5% với ngân hàng nhỏ.
(Xem thêm: Trung Quốc, phía sau cơn khát tiền mặt)
Nhưng vì thu nhập lãi sẽ giảm do bỏ sàn lãi suất cho vay nên lợi nhuận để bổ sung vốn chủ sở hữu cũng giảm theo.
Khi kinh tế đi xuống, số nợ xấu sẽ tăng lên và “có thể khiến các ngân hàng thiếu hụt vốn nghiêm trọng trong dài hạn,” CEO Tom Liu từ ChinaScope nói. “Ngân hàng Trung Quốc sẽ cần thêm nhiều vốn vì bị giảm thu nhập lãi để bù đắp thua lỗ do nợ xấu tăng."
Nhu cầu vốn sẽ buộc nhiều ngân hàng cố gắng huy động vốn từ phát hành chứng khoán, dù giới đầu tư đang ngày càng lo ngại. Dù nợ xấu thấp nhưng chất lượng tài sản là một ẩn số khi tăng trưởng kinh tế yếu đi và dư nợ khá lớn tại các tổ chức nhiều rủi ro như công ty bất động sản, chính quyền địa phương và công ty dư công suất.
Nhiều quỹ đầu cơ đang bán khống cổ phiếu ngân hàng Trung Quốc niêm yết tại Hong Kong, dù cho đợt căng thẳng tiền mặt trong hệ thống tài chính nước này đã lắng dịu. Chỉ ba trong số chín ngân hàng lớn nhất Trung Quốc hiện có vốn hóa thị trường cao hơn giá trị sổ sách.
"Giờ khó huy động vốn lắm,” lãnh đạo cao cấp của một trong bốn ngân hàng lớn nhất Trung Quốc chia sẻ. Ông này nói ngân hàng mình chưa có kế hoạch tăng vốn qua phát hành cổ phiếu, nhưng đang tính chuyện củng cố cơ cấu vốn từ phát hành trái phiếu.
Từ lâu chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát chặt lãi suất tiền gửi và cho vay, áp trần lãi tiền gửi và sàn lãi cho vay với mọi ngân hàng. Hệ thống này đã tạo đà cho tăng trưởng Trung Quốc bằng cách hướng luồng tín dụng vào doanh nghiệp nhà nước và các công ty lớn trong khi vẫn đảm bảo biên lợi nhuận béo bở cho các ngân hàng.
NHTW Trung Quốc hiện vẫn thận trọng và cho rằng cần thêm thời gian để các NHTM làm quen trước khi thực hiện các bước đi tiếp theo, như bỏ trần lãi suất tiền gửi.
(Xem thêm: IMF: Kinh tế Trung Quốc đang gặp nguy hiểm)
Trước khi bỏ sàn lãi suất, các ngân hàng Trung Quốc đã có thể cho vay ở mức thấp hơn 30% lãi suất cơ bản (hiện là 6% với kỳ hạn một năm) nhưng ít ngân hàng dùng tới quyền này.
Nhân viên tại chi nhánh ICBC Quảng Đông nói ngân hàng anh sẽ không “giảm mạnh lãi suất” trong ngắn hạn. “Nhưng một số ngân hàng nhỏ có thể tận dụng thời cơ này để cạnh tranh dành khách hàng tốt với ngân hàng lớn,” nhân viên này nói thêm.
Vì các công ty nhà nước lớn “mặc cả” rắt gắt, nên một số ngân hàng (gồm cả Ngân hàng Trung Quốc) cho biết sẽ chuyển hướng tín dụng sang các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
“Nếu chỉ cho các ông lớn vay, thu nhập lãi chắc chắn sẽ giảm,” Chủ tịch Ngân hàng Trung Quốc Li Lihui trả lời đài truyền hình trung ương Trung Quốc hôm thứ 7.