TS. Nguyễn Tú Anh |
Phát triển cho vay tiêu dùng (CVTD) chính là sự mở rộng tiếp cận tài chính cho người dân, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi và những người không có thu nhập cao. CVTD phát triển lành mạnh giúp người dân tối ưu hoá được sử dụng thu nhập theo thời gian, qua đó tối đa hoá được độ thoả dụng trong suốt vòng đời của họ. Nó cho phép biến các tài sản cố định như đất đai, nhà cửa trở thành các tài sản có thể sử dụng vào các mục đích đầu tư và tiêu dùng. Trên góc độ vĩ mô, CVTD phát triển giúp tăng tổng cầu, qua đó tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng, nếu không kiểm soát, hoạt động cho vay này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Những rủi ro mà ông nói đến là rủi ro đối với TCTD?
Không chỉ như vậy, rủi ro trong CVTD đến từ hai phía cả người đi vay và người cho vay là các TCTD. Trong hoạt động CVTD thì người cho vay chủ yếu chịu rủi ro hệ thống mà ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro cá thể hơn là cho vay DN. Các rủi ro hệ thống chủ yếu là rủi ro về vĩ mô như suy thoái kinh tế, rủi ro về lãi suất, rủi ro chính trị, môi trường kinh doanh… Các rủi ro này tác động đến khả năng chi trả của người đi vay qua đó tác động đến khả năng thu hồi nợ của người cho vay.
Để đối phó với các rủi ro này thì người cho vay có nhiều lựa chọn về các biện pháp phòng ngừa rủi ro như nắm giữ tài sản đảm bảo, tăng dự phòng rủi ro thông qua tăng lãi suất cho vay… và người đi vay phải trả phí phòng ngừa rủi ro cho người cho vay. Trong khi đó, CVTD dựa trên một khối lượng khách hàng rất lớn và rủi ro cá thể nên ít có tính lây lan như cho vay DN.
So với người cho vay thì người đi vay có nguy cơ đối diện với rủi ro cao hơn. Người cho vay là những người được đào tạo chuyên nghiệp trong việc kiểm soát rủi ro. Trong khi người vay tiêu dùng phần lớn là các cá nhân có hiểu biết rất ít về các rủi ro và biện pháp phòng ngừa rủi ro. Họ thường đánh giá quá cao về triển vọng dòng tiền và sự lên giá tài sản của họ. Vì vậy, họ sẵn sàng tham gia nhiều chương trình vay mượn tiêu dùng khác nhau vượt quá khả năng chi trả.
Đơn cử, trong giai đoạn 1998 - 2002 tỷ trọng dư nợ hộ gia đình trên tổng thu nhập khả dụng ở Hàn Quốc tăng liên tục từ 38% lên đến 63,4%. Đây là nguyên nhân tạo ra khủng hoảng thẻ tín dụng ở Hàn Quốc năm 2002. Tương tự, khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn xảy ra ở Mỹ thì tỷ lệ nợ hộ gia đình trên tổng thu nhập khả dụng là 133%. Tức là thu nhập của một hộ gia đình Mỹ trong một năm không chi tiêu bất kỳ một đồng nào cũng không đủ để trả nợ.
Hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam liên tục tăng cao từ năm 2012 đến nay, dòng vốn nước ngoài liên tục đổ vào trong nước, các tổ chức quốc tế đánh giá cao triển vọng kinh tế trong nước… là những yếu tố làm tăng kỳ vọng vào thu nhập trong tương lai của người dân và qua đó làm tăng nhu cầu vay tiêu dùng. Đặc biệt là khi người đi vay chủ yếu là người trẻ tuổi, ít kinh nghiệm và sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao. Họ không có đủ kiến thức để hiểu hết các rủi ro trong các khoản vay và rất dễ sa vào nợ nần. Khi hàng loạt khách hàng rơi vào nợ nần và không có khả năng trả nợ thì chính bản thân các TCTD cũng sẽ phải trả giá vì không thể thu lại các khoản cho vay.
Ngoài ra, các khoản vay tiêu dùng thường có lãi suất thả nổi. Do đó, khi người tiêu dùng không có đủ kiến thức về tài chính để hiểu được các rủi ro về lãi suất thì một sự gia tăng biến động lãi suất trên toàn hệ thống có thể làm cho chi phí các khoản vay tăng vọt, khiến người đi vay mất khả năng chi trả… Hậu quả là ảnh hưởng trực tiếp vào tài sản của cá nhân, có thể tác động nghiêm trọng đến cuộc sống của người đi vay, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Do đó, kiểm soát rủi ro đối với người đi vay là vấn đề quan trọng trong việc phát triển bền vững lĩnh vực CVTD.
Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm rằng, rủi ro của người đi vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp lên lợi ích của người cho vay. Do đó, người cho vay cũng luôn có động lực để hạn chế rủi ro cho người đi vay. Song, dưới sức ép của cạnh tranh, chỉ tiêu doanh thu… có thể các nhân viên của các tổ chức CVTD đôi khi đã bỏ qua các biện pháp ngăn ngừa rủi ro như trao đổi kỹ hơn để người vay hiểu về những điều khoản của hợp đồng, các rủi ro tiềm ẩn… Thêm vào đó, do tính lan tỏa của rủi ro cá thể trong CVTD thấp nên các tổ chức CVTD cũng ít có động lực hơn trong việc kiểm soát rủi ro của người đi vay. Chính vì các đặc điểm này mà pháp luật đối với CVTD thường quy định nghiêm ngặt hơn.
Không phải bây giờ NHNN mới lưu ý đến hoạt động này. Như đã nói ở trên, nếu chúng ta không chủ động kiểm soát rủi ro có thể phát sinh thì hậu quả tác động đến hệ thống NH nói riêng, nền kinh tế nói chung là không hề nhỏ. Từ đầu năm 2017, để có cơ sở theo dõi, giám sát chặt chẽ và toàn diện diễn biến cho vay đối với lĩnh vực này NHNN đã bổ sung các biểu mẫu thống kê yêu cầu các TCTD báo cáo đầy đủ phạm vi CVTD như bổ sung nhu cầu vay vốn để trả phí nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để xây nhà ở; sửa chữa nhà ở bao gồm cả nguồn trả nợ từ lương và không phải từ lương...Đó có phải lý do mà NHNN mới đưa ra văn bản chấn chỉnh về hoạt động CVTD không, thưa ông?
Bên cạnh đó, NHNN đã hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm tăng tính minh bạch trong hoạt động cho vay. Cụ thể, tại Khoản 3, điều 13 Thông tư 39 NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng đã rất tiến bộ khi quy định tất cả các hình thức lãi suất đều phải quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là 365 ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế.
Một văn bản pháp lý quan trọng nữa là Thông tư số 43/2016/NHNN quy định riêng về hoạt động CVTD của công ty tài chính. Trong Thông tư 43, NHNN yêu cầu công ty tài chính ban hành quy định về khung lãi suất CVTD áp dụng thống nhất trong từng thời kỳ, bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm CVTD để đảm bảo minh bạch, công khai về lãi suất của công ty tài chính…
Ngoài ra, NHNN yêu cầu TCTD tăng cường thanh tra, giám sát tuân thủ quy định pháp luật về cho vay nhằm hạn chế rủi ro, giảm chi phí dự phòng xử lý rủi ro, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Và mới đây nhất NHNN ban hành văn bản yêu cầu các NH nghiêm túc thực hiện cũng như tuân thủ quy định lãi suất, thu hồi nợ phải đúng quy định.
Như vậy, có phải chúng ta khắt khe hơn đối với CVTD?
Quy định chặt chẽ đối với CVTD chính là điều kiện quan trọng cho lĩnh vực này phát triển bền vững. Kinh nghiệm các nước cũng cho thấy các quy định về CVTD thường được kiểm soát chặt chẽ hơn các hình thức cho vay khác. Quy định của Malaysia đối với thẻ tín dụng: hạn mức tín dụng không được quá hai lần thu nhập hàng tháng của chủ thẻ. Số thẻ được sở hữu trên toàn hệ thống phụ thuộc vào mức thu nhập chủ thẻ (3.6000 RM/năm thì không được mở quá hai thẻ). Hay Singapore quy định các TCTD phải thông báo đầy đủ các rủi ro trong việc cho vay quay vòng, cho vay mua nhà thế chấp…
Các nước cũng yêu cầu các thông tin trên hợp đồng tín dụng phải rõ ràng, dễ hiểu và phải đảm bảo người vay nợ hiểu hết các điều khoản ghi trong hợp đồng trước khi cầm bút ký vay nợ. Hầu hết các nước đều quy định cấm đưa những thông tin khó hiểu, mập mờ hoặc sai lệch đối với khách hàng.
Xin cảm ông!
TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia: Cần khung chính sách dài hơi cho tài chính tiêu dùng Trước hết phải khẳng định với một nền kinh tế tăng trưởng cao như Việt Nam trong những năm qua đã xuất hiện một tầng lớp trung lưu nhiều hơn và dân số trẻ. Từ đó, các định chế tài chính đã tận dụng rất tốt để phát triển những sản phẩm CVTD thông qua các hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ. Sự tăng trưởng của tín dụng tiêu dùng đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường, thông qua nhiều hoạt động đầu tư ủy thác, mua lại các công ty tài chính… Mặt được của hoạt động CVTD là phục vụ nhu cầu vốn sinh hoạt cho đời sống người dân, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Vì thế NHNN Việt Nam một mặt tạo điều kiện để CVTD phát triển, đồng thời có các biện pháp để quản lý, giám sát. Tôi cho rằng, để giám sát hoạt động CVTD tốt hơn cần phải chuẩn hóa lại hệ thống số liệu, chỉ số thống kê trong tín dụng tiêu dùng, tránh bị lẫn sang các chỉ số cho vay đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, phải xây dựng khung chính sách dài hơi để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển lành mạnh. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Đại học Fulbright Việt Nam: Phải hướng dẫn cụ thể cho khách hàng Thời gian qua, cách tính lãi CVTD của một số nhà cho vay chưa minh bạch đã gây ra trục trặc với người vay tiêu dùng. Những trục trặc đó lại xuất phát từ cách tính lãi của bên cho vay chứ không phải cơ chế lãi suất thỏa thuận. Thực tế lãi suất trong CVTD đều cao hơn lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh. Thủ tục cho vay cũng khá đơn giản, nhiều khi người đi vay chỉ cần có chứng minh nhân dân là đã đủ điều kiện vay nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Nhà nước không thể để những rủi ro tiềm ẩn xảy ra, gây bất ổn xã hội. Do đó, việc kiểm soát là cần thiết, nhưng nếu kiểm soát quá chặt sẽ “giết chết” hoạt động CVTD. Ở đây cần phải giám sát cách tính lãi suất của bên cho vay. Đặc biệt phải hướng dẫn người vay tiêu dùng để họ xem xét khoản vay có phù hợp với nhu cầu và khả năng trả nợ. Khi đó người vay tiêu dùng sẽ tính toán và sắp xếp chi tiêu cá nhân của họ và quyết định vay với mức lãi suất nào thì có thể chấp nhận được. Nhóm PV thực hiện |