Đó là những vấn đề được bàn thảo sôi nổi tại Hội thảo “Xử lý nợ xấu - Từ góc độ chính sách và pháp luật” do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức chiều ngày 23/5/2017, tại Hà Nội dưới sự chủ trì của các Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Nguyễn Đức Kiên, Dương Quốc Anh và PGS.TS Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam...
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh phát biểu tại Hội thảo |
Cơ chế cản bước xử lý nợ xấu
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của NHNN, thời gian qua các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và XLNX, đặc biệt là nỗ lực tự XLNX bằng các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, phát mại tài sản để thu hồi nợ, sử dụng dự phòng rủi ro…
Kết quả, tính đến thời điểm 1/2017, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 616,7 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu do các TCTD tự xử lý là 349,7 nghìn tỷ đồng (chiếm 56,7% tổng số nợ xấu được xử lý), còn lại là bán nợ cho các tổ chức, cá nhân khác (chiếm 43,3%). Nhờ đó, đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 2/2017 về mức 2,56% tổng dư nợ tín dụng. Kết quả xử lý nợ xấu của TCTD qua VAMC, lũy kế từ năm 2013 đến 31/3/2017, tổng số tiền thu hồi nợ qua VAMC đạt 53.236 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số nợ xấu hiện vẫn đang nằm trong bảng cân đối của các TCTD và nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được đang chiếm một tỷ lệ khá cao là 5,8%/tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đối với nền kinh tế của các TCTD. Nếu tính cả số nợ có khả năng cao chuyển thành nợ xấu trong thời gian tới thì tỷ lệ này đương nhiên cao hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên phát biểu tại Hội thảo |
Một câu hỏi luôn đặt ra là “Tại sao lại chưa xử lý được dứt điểm số nợ xấu đó?”. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh, quá trình tổng kết cho thấy một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là do cơ chế, chính sách, pháp luật về XLNX chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập làm giảm hiệu quả của việc XLNX, nằm ở ba điểm mấu chốt.
Thứ nhất nằm ở việc chưa bảo vệ quyền chủ nợ hợp pháp của các TCTD. Như về việc mua bán khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất: Trong quá trình tổ chức mua nợ, VAMC xử lý nợ đã mua, khách hàng vay đồng ý bổ sung thêm tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhưng theo các quy định tại Điều 174, 175, 176 Luật Đất đai 2013, VAMC, tổ chức mua nợ không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất. Tương tự, khi VAMC, TCTD bán lại khoản nợ xấu đã mua cho bên mua nợ là các cá nhân, tổ chức không phải là TCTD thì các cá nhân, tổ chức này cũng không được nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai. Do vậy, VAMC, TCTD sẽ khó có thể bán những khoản nợ xấu có TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho cá nhân, tổ chức không phải là TCTD.
Thứ hai, các quy định của pháp luật về xử lý TSBĐ còn nhiều vướng mắc, bất cập, không bảo đảm quyền xử lý TSBĐ của bên nhận bảo đảm như về quyền thu giữ tài sản. Bộ Luật Dân sự 2015 đã bỏ quyền thu giữ TSBĐ của bên nhận bảo đảm, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác. Điều này sẽ gây khó khăn rất lớn đến quyền xử lý TSBĐ của VAMC, TCTD. Bởi VAMC cũng như các TCTD không thể chủ động thu giữ nếu các chủ tài sản không đồng thuận, cố tình chống đối, thậm chí tạo ra các tranh chấp khác liên quan đến TSBĐ để khởi kiện ra tòa nhằm kéo dài thời gian xử lý.
Thứ ba, thời gian xử lý nợ, TSBĐ qua tòa án không hiệu quả (thời gian giải quyết khoảng 400 ngày, nhưng thực tế là khoảng 2 năm. Chi phí chiếm khoảng 29% giá trị đòi nợ, chỉ số chất lượng tố tụng tư pháp của Việt Nam chỉ đạt 6,5/18). Trong khi đó, pháp luật về tố tụng dân sự chưa cho phép áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ giao TSBĐ của bên bảo đảm và quyền xử lý tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm.
Hoàn thiện hành lang pháp lý, tháo gỡ "nút thắt" xử lý nợ xấu
Vì vậy, theo Phó Thống đốc, đây là những khó khăn, vướng mắc liên quan đến nhiều Luật hiện hành. “Để tháo gỡ triệt để được những khó khăn, vướng mắc này và thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với XLNX trong giai đoạn 2016 - 2020, cần thiết phải có một văn bản pháp lý do Quốc hội ban hành mới đảm bảo tính pháp lý và khả thi trong tổ chức thực hiện”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Hiện trong tổng số nợ xấu được xử lý, hình thức bán, phát mại TSBĐ để thu hồi nợ ở mức khá thấp, đạt 17,1 nghìn tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng nợ xấu được xử lý). Phải thừa nhận rằng, việc xử lý hiệu quả TSBD đòi hỏi phải có hệ thống pháp luật được xây dựng một cách đồng bộ, minh bạch, phù hợp, tôn trọng quyền chủ nợ hợp pháp, chính đáng của bên cho vay, tạo lập được khuôn khổ pháp lý cho các bên liên quan. Đặc biệt là chủ nợ thực thi được quyền hợp pháp của mình theo thỏa thuận, thiết lập được cơ chế, cách thức cho phép các bên lựa chọn được cách xử lý nhanh chóng, thuận tiện, tối đa hóa được giá trị thu nợ từ TSBĐ. Đồng thời, hệ thống pháp luật này phải được các cơ quan, tổ chức liên quan, các bên tham gia giao dịch thực hiện nghiêm minh.
Toàn cảnh Hội thảo |
Cùng với việc phản ánh, thảo luận về nhiều bất cập trong các quy định hiện hành và thực tế của các TCTD trong xử lý TSBĐ, Hội thảo ghi nhận nhiều kiến nghị cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quyền xử lý TSBĐ của các TCTD cũng như trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền xử lý TSBĐ của cơ quan tư pháp các cấp.
Các diễn giả cho rằng, quan điểm xây dựng và thực thi pháp luật hiện nay cần phải được thay đổi. Với vai trò là trung gian tài chính, số tiền TCTD cho vay được huy động từ người gửi tiền. Trong khi việc không cho phép thực hiện quyền thu giữ TSBĐ của TCTD sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hồi nợ của TCTD, từ đó ảnh hưởng đến khả năng thanh khoản, khả năng chi trả các khoản tiền gửi đến hạn đã huy động để cho vay trước đây (tiền gửi của cá nhân).
Hay nói cách khác, việc bảo vệ quyền của khách hàng chây ỳ, vi phạm cam kết theo hợp đồng sẽ có thể ảnh hưởng lớn đến quyền hợp pháp của đa số người gửi tiền, tiềm ẩn rủi ro gây mất an toàn hệ thống TCTD, an toàn trật tự xã hội. Do vậy, việc cho phép TCTD được quyền thu giữ TSBĐ là biện pháp quan trọng để bảo đảm quyền lợi người gửi tiền phù hợp với Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng: Việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý XLNX bằng việc ban hành một văn bản chuyên ngành để XLNX dưới hình thức Nghị quyết của Quốc hội là rất cần thiết, phù hợp, nhằm thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để kịp thời thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.
Các chính sách quy định tại dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họ thứ 3 này được đánh giá là thiết thực, cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm quyền chủ nợ hợp pháp, chính sách của TCTD, VAMC, quyền lợi của người gửi tiền, cũng như các bên có liên quan. Khắc phục các vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật về XLNX, xử lý TSBĐ trong thời quan qua.
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đánh giá cao những nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết. Trong đó nhấn mạnh đến vai trò của các cơ quan nhà nước, từ các cơ quan Chính phủ cho đến các cơ quan tư pháp trong quá trình giám sát, triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết này có ý nghĩa quan trọng để bảo đảm khả năng thực thi của Nghị quyết trong thực tế.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên Điểm chú ý trong Dự thảo Nghị quyết này là không phân biệt nợ xấu của NHTMNN hay NHTMCP. Nghị quyết này chỉ xử lý số nợ xấu đến ngày 31/12/2016. Với các nợ xấu hình thành từ năm 2017, các ngân hàng phải thực hiện theo Luật các TCTD hiện hành và cần thiết sẽ phải sửa đổi một số điều như trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật TCTD mà Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua vào kì họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Quan điểm của Ủy ban Kinh tế Quốc hội là không dùng tiền ngân sách để XLNX và mọi việc phải tuân thủ theo Hiến pháp. Nghị quyết không kéo dài tránh tình trạng ỷ lại ở các NH và Nghị quyết ra là có hiệu lực ngay. Tinh thần Nghị quyết là đảm bảo theo nguyên tắc thị trường. Không loại trừ trách nhiệm hình sự các cá nhân sai phạm, gây ra nợ xấu. |
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh Các nội dung của dự thảo Nghị quyết đã được NHNN, các bộ, ngành và Chính phủ chuẩn bị công phu trên cơ sở nghiên cứu thấu đáo các quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành có liên quan; kinh nghiệm XLNX trong nước thời gian qua cũng như thông lệ quốc tế. Có thể nói, Bản dự thảo Nghị quyết là sản phẩm chung của nhiều cơ quan, nhiều chuyên gia, nhiều luật sư nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và hiệu quả khi tổ chức thực hiện. |